(Ảnh minh họa: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, năm 2022, kế hoạch đầu tư công của tỉnh là hơn 5.124 tỷ đồng gồm 3.930 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, hơn 1.193 tỷ đồng vốn Trung ương; trong số đó, vốn trong nước hơn 1.094 tỷ đồng, còn lại là vốn nước ngoài.
Qua 2 tháng đầu năm, tỉnh đã giải ngân thanh toán vốn các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn hơn 610 tỷ đồng, đạt gần 12% kế hoạch vốn.
Đến nay, tỉnh phân bổ vốn đầu tư công cho các cơ quan, đơn vị và địa phương để triển khai thực hiện các dự án, công trình gần 5.000 tỷ đồng, phấn đấu giải ngân đầu tư công năm 2022 đạt 90% kế hoạch trở lên.
Vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương, tỉnh bố trí thực hiện 79 chương trình, dự án trên các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao, tài nguyên môi trường, du lịch… gồm 53 dự án chuyển tiếp, 23 chương trình, dự án khởi công mới, còn lại là các dự án, công trình khác và bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thành phố.
Vốn ngân sách Trung ương được bố trí cho 13 dự án giao thông, nông nghiệp, văn hóa, quốc phòng và 1 chương trình (Biển Đông-Hải đảo) từ nguồn vốn trong nước. Vốn nước ngoài gần 100 tỷ đồng bố trí 3 dự án lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên môi trường chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế-xã hội tỉnh năm 2022; trong đó có kế hoạch đầu tư công và chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm.
Tỉnh thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư đến nghiệm thu, vận hành công trình; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.
Ngành chức năng được giao phối hợp, rà soát các dự án vướng mắc, tồn đọng, khắc phục nhanh những hạn chế của năm 2021 trong đầu tư công; cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
Tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chú trọng nhóm công trình trọng điểm, nhất tại một số địa phương như Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Phú Quốc…, nơi có nhiều dự án lớn. Khi có mặt bằng sạch mới tổ chức đấu thầu và triển khai thi công xây dựng, nhất là đối với các dự án giao thông.
Đối với đảo Phú Quốc có nhiều dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho hay thành phố thành lập Tổ công tác giải phóng mặt bằng cho các chương trình, dự án trọng điểm; giúp thành phố chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các xã, phường trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng...
Giải phóng mặt bằng là một trong những khâu khó khăn, nhiều vướng mắc và tốn thời gian. Giải quyết nút thắt này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đúng kế hoạch tiến độ./.
Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)