Cảnh Chùa Nổi nhìn từ cầu qua sông Vàm Cỏ Tây
Chùa Nổi trong trận lũ lịch sử năm 2000, nhìn từ xa như một cù lao phủ đầy bóng cổ thụ cao vút và toàn cảnh ngôi chùa chao bóng trên sóng nước phù sa khi sông Vàm Cỏ Tây trước cổng chùa đã mất dấu trong biển nước. Dưới chân gò chùa, ghe, xuồng neo đậu từng dãy dài. Theo tín ngưỡng dân gian, chùa Nổi linh thiêng bởi không bao giờ bị ngập vì “nước dâng tới đâu chùa “nổi” tới đó”(?).
Bên cổng chùa dựng một tảng đá làm bia, ghi: “Chùa Cổ Sơn tự (…) từ xưa vốn đã nổi tiếng huyền bí, là nơi hội tụ, giao hòa khí thiêng của trời đất, là nơi Phật ngự, điểm danh lam thắng cảnh, văn hóa tâm linh, cũng là một di tích khảo cổ học lớn thuộc nền văn hóa của người tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.800 năm; là đối tượng cho những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa muốn tìm hiểu vùng đất và con người nơi đây qua các thời đại”.
Kế đó là gốc trôm mõ hàng trăm năm tuổi nối theo 5 cây dầu rái cổ thụ vượt trội nhất đã đồng loạt đi vào danh sách Cây di sản Việt Nam (Bằng công nhận do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp năm 2020). Tượng Phật Di Lặc tựa vào gốc cổ thụ toát nụ cười an nhiên. Trong không gian chùa, dưới gốc những cây cao là các điện thờ.
Theo nhà chùa, đó là nơi thờ anh linh các thế hệ người trước có công khẩn hoang lập ấp và thờ Mẫu, thờ Bà Chúa xứ, thờ Thần Nông, thờ các anh hùng liệt sĩ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trân quý những giá trị tổ tiên để lại trên đất phương Nam.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, “trên các gò đồi Đồng Tháp Mười xưa kia cũng đã có những kiến trúc tín ngưỡng và quần cư, sau bị tàn phá hết”. Chùa Nổi ra đời trên đỉnh Gò Nổi vào năm 1748 - cách đây 273 năm. Do đây là cơ sở cách mạng trong chống Pháp, chống Mỹ, nên địch tập trung đánh phá, chùa sập nhiều lần phải xây lại; phần lớn cổ thụ quanh chùa bị gãy đổ, trong đó có nhiều gốc đại cổ thụ bị bom đạn chẻ nát từng mảnh. Với nền chùa ở trên đỉnh gò cao gần 3m so mặt đất xung quanh nên nước lũ không thể nhấn chìm, tạo cảm giác như chùa nổi trên mặt nước. Hàng năm, có gần 300.000 lượt khách đến lễ Phật. Ngôi “đại hùng bảo điện” mới trùng tu, hoành tráng, uy nghi bên những bóng cổ thụ mang dấu tích rừng nguyên sinh càng tăng thêm vẻ trang nghiêm. Cạnh chùa là ao sen rộng cả hécta đầy bóng các loại cá thiên nhiên và cá phóng sanh.
Một trong số cổ thụ Chùa Nổi mang danh hiệu Cây di sản Việt Nam
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Hưng cho chúng tôi xem đồ án quy hoạch chi tiết toàn khu DTLS văn hóa Chùa Nổi, tổng diện tích trên 11,5ha - bao gồm các hạng mục: Khu nhà nghỉ chân và phóng sanh (ao sen), Khu trị và dưỡng bệnh Đông y, Khu trồng cây xanh thuốc Nam, Khu nhà hàng và sản xuất đồ chay, Khu đình thần, Khu bán đồ lưu niệm, Khu đất mặt nước và hồ sen; các hạng mục đường, cầu qua sông,... Đặc biệt, trong đồ án còn có phần phục dựng 9 gò đất lịch sử của người xưa, mách bảo với ta rằng, qua bao cuộc biến thiên, vùng Đồng Tháp Mười xưa nổi lên rất nhiều gò/giồng ven các sông, rạch và người xưa thường chọn những nơi ấy cư trú để tránh ngập. Phục dựng 9 gò này cùng các di vật khảo cổ học về các tầng văn hóa đã khai quật kèm sử liệu để có “Những buổi ngày xưa nói vọng về” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Vừa tôn tạo, vừa phục dựng, làm sống lại tối đa không gian truyền thống văn hóa và quốc phòng của di tích Gò Chùa Nổi, tạo sản phẩm lịch sử văn hóa - tín ngưỡng tâm linh để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Từ Chùa Nổi đến Di tích quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt (khánh thành vào cuối năm 2020) chỉ mất vài chục phút đi ôtô. Nếu đi đường thủy xuyên đồng với bao cảnh thiên nhiên kỳ thú để đến vùng địa linh ghi dấu các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng) suốt 3 năm liên tục tổ chức các trận đánh mà trận cuối là tháng 4/1974 kết thúc thắng lợi vẻ vang nhưng có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm người dân trong khu vực ngã xuống, để hôm nay có khu trung tâm xã Thái Bình Trung xinh đẹp, Nghĩa trang Liệt sĩ Long Khốt, Đồn Biên phòng 885 anh hùng và nhất là khu đền thờ hoành tráng toát lên vẻ thiêng liêng vì đã trải qua 3 lần chiến tranh - chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam - với biết bao hy sinh xương máu làm cho đất “hóa tâm hồn” đáng để du khách “hành hương về nguồn”.
Bên cạnh du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh, huyện Vĩnh Hưng còn có thế mạnh cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Như chúng ta biết, mới đây, tại An Giang diễn ra cuộc hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết: Du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng và mang lại giá trị nhiều mặt cho phát triển KT-XH. Đi Di tích quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt qua ngả Khánh Hưng, qua đường phòng thủ biên giới, du khách sẽ được tham quan làng bưởi da xanh và các loại cây trái trải dọc bờ kênh Cái Cỏ.
Đường đến Chùa Nổi đã được chỉnh trang với hình ảnh nông thôn mới. Thị trấn Vĩnh Hưng cũng tiếp tục nâng cấp đô thị và tôn tạo cảnh quan để chào đón du khách nặng lòng tín ngưỡng tâm linh và thiên nhiên Đồng Tháp Mười. Ngành Du lịch có thể kết hợp mở nhiều điểm đến, như đường thủy từ thị trấn Tân Thạnh (kênh Dương Văn Dương) đi Di tích Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ; đi Gãy Cờ Đen - kênh Ngang - kênh 79 vào khu Ramsar Láng Sen cho du khách tham quan trước khi đến Chùa Nổi. Tại ấp Láng Sen, hiện có một số nông dân làm lúa mùa nổi: gieo sạ vào đầu mùa mưa, thu hoạch vào đầu mùa khô (6 tháng), năng suất chỉ bằng 1/3 lúa ngắn ngày nhưng là lúa sạch vì không có hóa chất. Lúa mùa nổi còn “hút” cá đồng.
Ông Nguyễn Văn Dê làm 6ha lúa Nàng Tri, cho biết, “làm lúa này, cá đồng từ thiên nhiên theo nước nổi vào ruộng (có đê bao) đáng kể. Mỗi mẫu lúa mùa nổi có thể thu hàng trăm ký cá lóc, cá trê từ nửa ký trở lên/con”. Du khách tham gia với nông dân tát ao, dỡ chà bắt cá, chế biến món ăn,... lại được tận mắt thấy cây lúa mùa nổi tưởng chỉ có trong những chuyện cổ tích trôi theo ký ức của các lão nông Đồng Tháp Mười những khi trà dư tửu hậu, ai dè Nàng Tri ở Láng Sen vẫn còn đây và vẫy chào du khách!
Và như thế, chúng ta sẽ có một tour du lịch với nhiều cái mới lạ, bởi du lịch là khám phá cái mới lạ để du khách được trải nghiệm là điều rất nên có./.
Quang Hảo