Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kể từ đầu năm đến nay, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều cú sốc như căng thẳng địa chính trị leo thang, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt.
Tuy nhiên, các nền kinh tế đã đứng vững, cho thấy sự thích ứng tốt trong bối cảnh nhiều trở ngại. Các tổ chức quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm, dù còn không ít những rủi ro phía trước.
Phục hồi trước những cú sốc
Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế thế giới năm 2024 đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên, bởi các nền kinh tế đã đối mặt với “vô số cú sốc” như các cuộc xung đột, giá cả hàng hóa tăng mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt cản trở hoạt động kinh tế.
Sự leo thang xung đột ở Trung Đông là nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, gây sức ép lên các thị trường và đẩy giá dầu lên cao hơn.
Sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông (nếu xảy ra) sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Vùng Vịnh là nguồn cung dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, khi chiếm 48% trữ lượng và 33% sản lượng dầu của toàn cầu trong năm 2022.
Trong khi đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ như được dự báo vào cuối năm 2023 gần như đã lắng xuống, khi các ngân hàng trung ương lớn đối mặt với thực tế là lạm phát dai dẳng hơn dự kiến và tăng trưởng kinh tế và tiền lương mạnh hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ECB cần thêm thời gian để khẳng định lạm phát đang quay về mức mục tiêu 2% và các số liệu kinh tế tích cực như thị trường lao động mạnh mẽ cho thấy việc tiếp tục hạ lãi suất hiện không phải là yêu cầu cấp bách.
Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 6/2024 đã giảm nhẹ xuống 2,5%, thấp hơn mức 2,6% của tháng 5/2024.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm) vốn nhận được nhiều sự quan tâm từ ECB vẫn ở mức 2,9%.
Tại Mỹ, sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 12/6 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5%.
Mặc dù đánh giá tình hình lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, song các nhà hoạch định chính sách Fed cho rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ phù hợp khi nhận thấy lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%.
Lạm phát tại Mỹ ở mức 3,3% trong tháng 5/2024, giảm nhẹ so với tháng trước và vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế. Tốc độ tăng giá chậm lại đáng kể so với mức đỉnh khoảng 9% vào năm ngoái, nhưng lạm phát vẫn cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Mỹ đang điều chỉnh theo mức lãi suất cao, khiến nhu cầu chậm lại. Ước tính, tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2024 hiện vào khoảng 2%, sau khi tăng trưởng 1,4% trong quý trước.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh giá tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này "vẫn vững chắc," với nhu cầu tư nhân "mạnh mẽ", điều kiện cung ứng tổng thể được cải thiện và "sự phục hồi" trong đầu tư nhà ở.
Ông Powell cho rằng thị trường lao động có thể đã hoàn toàn cân bằng trở lại.
Báo cáo việc làm hôm 5/7 của Bộ Lao động cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, điều mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng sẽ giúp lạm phát tiếp tục giảm.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kể từ đầu năm nay, chính phủ nước này đã dùng đòn bẩy chính sách để đối phó với nhiều thách thức, như nhu cầu không cao, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, khắc nghiệt và bất ổn hơn...
Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhờ những nỗ lực đó, GDP của Trung Quốc tăng 5,3% trong quý đầu tiên của năm 2024, vượt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra cho cả năm. Tiêu dùng nổi lên là điểm sáng, đóng góp đáng kể vào nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế chung. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 4,7% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Tại Eurozone, nền kinh tế đã thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2024. Kinh tế khu vực đạt mức tăng trưởng 0,3% trong quý 1/2024 so với quý trước đó.
Một diễn biến khả quan tiếp theo của nền kinh tế Eurozone là tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực trong tháng 6/2024 vẫn ở mức thấp kỷ lục 6,4% như tháng trước đó. Điều này cũng phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Và những dự báo lạc quan
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu duy trì mức tăng trưởng ổn định 2,6% vào năm 2024, không thay đổi so với năm 2023.
Dự báo mới tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2024 của WB, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
WB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho các nền kinh tế phát triển lên 1,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
Theo WB, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2024, phần lớn nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, cùng với giảm nhập khẩu.
WB hiện dự báo các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 1/2024.
WB cũng nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc lên 4,8% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2024.
IMF trong dự báo mới nhất giữa tháng 4/2024 cũng nhận định GDP toàn cầu sẽ tăng 3,2% vào năm 2024, tăng nhẹ so với ước tính trước đó vào tháng 1/2024 (tăng 0,1 điểm phần trăm) và tháng 10/2023 (tăng 0,3 điểm phần trăm).
Về dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tàu khu vực và thế giới, IMF dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ ở mức 2,4% vào năm 2024 và giảm xuống 1,9% vào năm 2025, do cắt giảm chi tiêu ngân sách.
Trong khi đó, các nền kinh tế Eurozone lại dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức 0,4% vào năm 2023 lên 0,8% vào năm 2024, sau đó lên 1,5% vào năm 2025, nếu giá năng lượng giảm, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục trở lại nhờ kinh tế ổn định, lạm phát suy yếu.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng tương lai phía trước của kinh tế toàn cầu vẫn chưa phải màu hồng.
Các chuyên gia WB chỉ ra ba rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề chính trị.
Ông Ayhan Kose, Phó Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận định lạm phát lõi vẫn tương đối cao và có thể tiếp tục duy trì như vậy. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn trì hoãn cắt giảm lãi suất. Các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục bị thắt chặt.
Ngay cả với những ngân hàng trung ương lớn đã hạ lãi suất như ECB, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm cũng không nhiều.
Theo dự báo mới nhất của WB, lạm phát toàn cầu ước giảm xuống mức 3,5% trong năm nay và 2,9% vào năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ giảm là không đều và chậm hơn so với dự báo đưa ra cách đây 6 tháng, cản trở đáng kể nỗ lực cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Ngoài ra, một thách thức lớn khác là căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, mà mới nhất có thể là giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Đây đang là những trở ngại lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Chính phủ Mỹ hồi tháng 5/2024 đã tuyên bố tăng thuế đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tiếp đó, đến lượt EU tuyên bố áp dụng các mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Các động thái này nhiều khả năng sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc.
Theo IMF, sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ gây tổn hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp xấu nhất, xung đột thương mại có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại 7% GDP.
Bên cạnh đó, nguy cơ từ căng thẳng Nga-Ukraine hay xung đột Hamas-Israel có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do giá dầu mỏ và chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao.
Theo WB, xung đột leo thang cũng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-the-gioi-6-thang-vung-vang-trong-nhung-con-gio-nguoc-post964467.vnp