Tiếng Việt | English

25/04/2025 - 12:45

Ký kỷ lục 124 sắc lệnh trong 3 tháng, ông Trump đang viết lại trật tự pháp lý nước Mỹ?

Chưa đầy 100 ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký 124 sắc lệnh nhưng chỉ ban hành 5 đạo luật, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm quyền và khủng hoảng hiến pháp tại Mỹ.

Hình ảnh ông Trump chụp cùng các sắc lệnh liên tục xuất hiện, gần như mỗi tuần, sau khi ông quay lại Nhà Trắng - Ảnh: REUTERS

Chưa đầy 100 ngày sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã ký 124 sắc lệnh hành pháp - một con số vượt xa các đời tổng thống tiền nhiệm trong cùng khoảng thời gian, nhưng chỉ ban hành vỏn vẹn 5 đạo luật mới. 

Việc này đang gây ra những tranh cãi pháp lý và khiến giới học giả cảnh báo về một cuộc khủng hoảng hiến pháp tiềm tàng, khi quyền lực hành pháp được sử dụng với tốc độ và quy mô chưa từng thấy.

Lạm dụng sắc lệnh?

Theo giáo sư luật Rory Little tại Đại học California, San Francisco, tình trạng hiện nay "có thể được mô tả như một cuộc khủng hoảng, một thách thức đối với nguyên tắc pháp quyền tại Mỹ", với số lượng và cả phạm vi của các sắc lệnh này đều rất bất thường khi "can thiệp sâu vào những lĩnh vực vốn thuộc thẩm quyền của các bang", như nhập cư, giáo dục, thuế quan và các chương trình đa dạng.

Vị tổng thống được cho là đã liên tục ký sắc lệnh để định hình nước Mỹ theo tầm nhìn của mình mà hầu như không gặp phải sự phản đối nào.

Ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump ký sắc lệnh nhằm chấm dứt quyền quốc tịch theo nơi sinh đối với con của người không cư trú hợp pháp - một sắc lệnh sau đó đã bị chặn bởi nhiều thẩm phán liên bang. 

Hai ngày sau, ông tiếp tục ký lệnh bãi bỏ các chương trình Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI) tại cơ quan chính phủ và quân đội. Các hành động này nhanh chóng bị kiện ra tòa, cho thấy một chuỗi phản ứng pháp lý đối với cách điều hành bằng sắc lệnh.

"Dù một số người có thể ủng hộ mục tiêu chính sách đằng sau các hành động này, tôi hy vọng tất cả chúng ta đều đồng ý rằng những chính sách ấy nên được thực hiện hợp pháp. Nếu không, chúng ta sẽ sống trong một hệ thống mà tổng thống là người duy nhất định đoạt pháp luật", giáo sư Jodi Short cảnh báo.

Chỉ trong ba tháng nhậm chức, ông Trump đã ký 124 sắc lệnh hành pháp, gần bằng số sắc lệnh mà một số tổng thống khác ban hành trong cả nhiệm kỳ - Ảnh: REUTERS

Nguy cơ khủng hoảng hiến pháp

Theo hồ sơ chính phủ, ông Trump hiện là tổng thống có số đạo luật được ký ít nhất trong 70 năm qua tính đến mốc 100 ngày đầu, trong khi sắc lệnh hành pháp lại được sử dụng như công cụ chính để điều hành đất nước. 

Các tổng thống gần đây như Barack Obama và Joe Biden đều ký ít sắc lệnh hơn trong cùng giai đoạn. Trong toàn nhiệm kỳ trước, ông Trump ký tổng cộng 220 sắc lệnh, và chỉ trong ba tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông đã đạt hơn một nửa con số trên.

Tình trạng này khiến nhiều chuyên gia và tổ chức như Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) lo ngại rằng, thay vì duy trì pháp quyền, các sắc lệnh của ông Trump đang "gây hỗn loạn, làm tổn hại quy trình dân chủ và ảnh hưởng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất".

Các thẩm phán liên bang đã nhiều lần chặn các sắc lệnh bị xem là vi hiến hoặc mang tính trả đũa cá nhân. Gần đây nhất, một sắc lệnh nhằm vào công ty luật Susman Godfrey đã bị thẩm phán liên bang Loren AliKhan bác bỏ, gọi đây là "một sự lạm dụng quyền lực gây sốc".

Vị thẩm phán tuyên bố: "Thành thật mà nói, tôi nghĩ những người lập hiến pháp sẽ thấy đây là một sự lạm dụng quyền lực gây sốc".

Tuy nhiên, Nhà Trắng dưới thời ông Trump không cho thấy dấu hiệu sẽ lùi bước. Thư ký báo chí Karoline Leavitt đã chỉ trích mạnh mẽ ngành tư pháp, nói rằng "các thẩm phán nước này đang hành xử sai lệch", cho rằng "cuộc khủng hoảng hiến pháp thực sự đang xảy ra trong ngành tư pháp" khi các sắc lệnh của ông Trump liên tục bị chặn lại.

Sự căng thẳng giữa hành pháp và tư pháp đang đặt ra câu hỏi về giới hạn quyền lực tổng thống. Các nhà phê bình vẫn cho rằng việc ông Trump ban hành quá nhiều sắc lệnh là dấu hiệu của việc lạm quyền, thậm chí là vi hiến.

Trong bối cảnh nước Mỹ bước vào giai đoạn chính trị đầy chia rẽ, câu hỏi đặt ra là: liệu những sắc lệnh mang tính đơn phương có tiếp tục là công cụ chính để điều hành đất nước - và nếu có thì nền pháp quyền sẽ đứng ở đâu?/.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/ky-ky-luc-124-sac-lenh-trong-3-thang-ong-trump-dang-viet-lai-trat-tu-phap-ly-nuoc-my-20250424171907139.htm

Chia sẻ bài viết