Trẻ em sớm được tạo điều kiện làm quen với các thiết bị công nghệ và được dạy sử dụng Internet
Nhiều tiện ích
Sự bùng nổ công nghệ thông tin là điều kiện, cơ hội cho mọi người giao lưu, liên kết, chia sẻ sở thích, ý tưởng,... thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Ðối với học sinh (HS), MHX có nhiều tiện lợi trong việc cập nhật tin tức hàng ngày; chia sẻ và kết nối bạn bè; tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp;... Theo em Phùng Thanh Y (huyện Đức Hòa), MXH là góc học tập lý tưởng giúp em dễ dàng trao đổi bài, chia sẻ kinh nghiệm học tập, tài liệu tham khảo với các bạn trong lớp, đồng thời còn là công cụ hữu ích để em tìm hiểu thế giới bên ngoài, tích lũy thêm kiến thức, phục vụ tốt trong việc học,...
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - Phạm Thị Thái Thanh cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ HS, giáo viên trên địa bàn biết sử dụng MXH khá nhiều, nhưng đa phần dừng lại ở việc trao đổi thông tin liên lạc, học tập giữa phụ huynh với nhà trường, giữa phụ huynh với HS và giữa HS với nhau. Đa số các trường đều thành lập trang mạng thông tin riêng nhằm kết nối, trao đổi thông tin hai chiều giữa giáo viên, phụ huynh và HS, song sức hấp dẫn và sự tiện lợi không bằng các trang MXH”.
“Thông qua các buổi sinh hoạt nội quy đầu năm học, sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, tiết sinh hoạt lớp, từ lãnh đạo đến giáo viên các trường thường nhắc nhở, răn đe và cảnh giác HS trong việc sử dụng các trang MXH, nhất là Facebook. Tuy nhiên, không thể phủ phận những mặt tích cực mà MXH mang lại giúp HS nghiên cứu, nâng cao sự hiểu biết ngoài những kiến thức được học từ thầy cô. Nếu giới trẻ hôm nay nắm vững những công cụ hữu ích từ MXH mang lại sẽ giúp ích rất nhiều trong việc học tập, tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống” - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh - Huỳnh Thanh Phong khẳng định.
Mạng xã hội mang lại giúp học sinh nghiên cứu, nâng cao sự hiểu biết ngoài những kiến thức được học từ thầy cô
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Không phủ nhận, từ MXH, nhiều HS chưa hề quen biết trở nên thân thiết, sẵn sàng chia sẻ với nhau chuyện học tập, những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc sống nhưng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Đặc biệt, từ khi xuất hiện MXH, nhiều trẻ em mắc phải chứng nghiện game online, Zalo, Facebook,... làm xao lãng chuyện học tập.
Em Nguyễn Bảo Ngân - HS lớp 9 (huyện Thạnh Hóa), chia sẻ: “Đầu năm lớp 6, tôi được ba mẹ cho dùng điện thoại thông minh. Thấy các bạn chơi Facebook, tôi cũng mở cho mình một tài khoản (quy định của MXH, những người đủ 13 tuổi trở lên mới được lập tài khoản). Sau đó, tôi trở thành con “nghiện”, suốt ngày đăng hình, đếm like, đọc bình luận,... trên Facebook, quên cả lịch học”.
Bên cạnh đó, không ít trẻ em tham gia MXH bị lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng. “Tài khoản Facebook của tôi có gần 1.000 bạn của hầu hết quốc gia trên thế giới. Tôi nhiều lần từ chối lời mời của một số bạn bè (không quen biết ở ngoài đời) rủ ra Hà Nội chơi thì nhận những lời dọa nạt, đe dọa khiếm nhã, khiến tôi cảm thấy bị tổn thương và sợ hãi” - em Nguyễn Thị Châu Linh - HS trên địa bàn huyện Thủ Thừa, chia sẻ.
Theo kết quả nghiên cứu của Anh, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Còn ở Việt Nam, trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì trẻ em đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin nhưng lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng Internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy HS kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Trẻ em cần có những trải nghiệm, cọ xát thực tế nhằm dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh
Trẻ em có thể bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh.Cho trẻ tiếp xúc với Internet là điều cần thiết, song vấn đề cần thiết hơn nữa chính là việc trang bị kỹ năng tự phòng bị cho trẻ khi sử dụng mạng. Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - Đặng Hoa Nam cảnh báo: “Chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì những tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Không phải ngẫu nhiên mà Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” bởi theo thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam có đến 63 triệu người dùng MXH, trong đó, số tài khoản Facebook là 48 triệu người. Hơn 1/3 trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (15-24 tuổi).
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh - Huỳnh Thanh Phong, việc cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng Internet là cần thiết.Ngăn cấm hoàn toàn trẻ sử dụng Internet cũng đồng nghĩa với việc ngăn trẻ hiểu biết xã hội, công nghệ và các ưu điểm mà Internet mang lại.Tuy nhiên, phụ huynh nên trang bị cho con mình những nguyên tắc, kỹ năng cần thiết trước khi tiếp xúc với mạng.
“Để tránh những rủi ro trên môi trường mạng, khi sử dụng MXH, trẻ em cần tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, không để bị kẻ xấu lợi dụng; tránh lạm dụng MXH dẫn đến tình trạng “sống ảo”, ảnh hưởng đến đời sống thực. Riêng các bậc phụ huynh cần áp dụng một số giải pháp nhằm bảo vệ con em mình: Lắp các thiết bị truy cập Internet ở vị trí dễ quản lý; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm nhằm loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; cài đặt một số công cụ lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em,...” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh - Huỳnh Cao Chánh yêu cầu.
Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh 2018 là cơ hội để trẻ có dịp gặp gỡ, kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng: “Để trẻ bớt lệ thuộc vào công nghệ số, ngoài tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần mở thêm những lớp dạy kỹ năng sống, năng khiếu,...Qua đó, giúp trẻ có những trải nghiệm, cọ xát thực tế, dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh”.
Rõ ràng, muốn bảo vệ tốt trẻ em trên môi trường mạng, cần có những giải pháp đồng bộ, từ ban hành và thực thi chính sách, pháp luật, các biện pháp kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục,... Song, trước hết, bản thân trẻ em, các thành viên gia đình phải hiểu và biết cách tự bảo vệ con em mình trong thời đại công nghệ số./.
Phong Nhã