Tiếng Việt | English

01/08/2019 - 04:29

Làm giàu từ dừa xiêm đỏ

Song song với sản xuất lúa, rau màu, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn phường Tân Khánh, TP.Tân An đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, tiêu biểu là mô hình trồng dừa xiêm đỏ. Đây được đánh giá là mô hình tiềm năng và bước đầu đã mang lại những tín hiệu rất tích cực.

Trồng dừa xiêm đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo ông  Lương Văn Vạn - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Khánh, hiện nay, toàn phường Tân Khánh có tổng cộng 18.6ha diện tích đất trồng dừa, tăng 15.4ha so với ban đầu. Dừa xiêm đỏ là loại cây khá dễ trồng lại cho năng suất cao, nước dừa có vị ngọt thanh nên được nhiều người ưa chuộng. Nhờ cây dừa mà đời sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường đã được nâng lên rõ rệt. Điển hình như hộ gia đình của chị Trần Thị Lộc ngụ khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, mỗi năm gia đình chị thu hơn hàng trăm triệu đồng từ việc bán dừa giống.

Dừa xiêm đỏ cho trái rất sai, trung bình mỗi quài dừa có từ 12 - 15 trái

Chị Lộc tâm sự: “Lúc trước, gia đình tôi chủ yếu là sản xuất lúa nhưng hiệu quả kinh tế mà cây lúa mang lại không cao và mất quá nhiều thời gian chăm sóc nên gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng dừa xiêm đỏ. Đối với dừa xiêm đỏ, trung bình nửa tháng sẽ phun thuốc một lần, từ 30 - 40 ngày sẽ vô phân, trồng khoảng  2,5 - 3 năm là bắt đầu thu hoạch. Gia đình tôi hiện trồng khoảng 120 cây dừa xiêm đỏ, trong đó, 100 cây đang trong giai đọan thu hoạch”.

Gia đình chị Trần Thị Lộc đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng dừa giống

Dừa xiêm đỏ giống hiện có giá khoảng 35.000đồng/trái, cao gấp 5 - 8 lần so với dừa tươi, mỗi năm gia đình chị Lộc cung cấp ra thị trường hơn 10.000 trái, tuy nhiên, để trồng được dừa giống đòi hỏi nông dân phải am hiểu kỹ thuật ươm dừa. “Gia đình tôi đã có 8 năm kinh nghiệm sản xuất dừa giống, theo đó, từ lúc ra hoa đến khi cung cấp ra thị trường dừa giống phải mất thời gian khoảng 14 tháng. Dừa được chọn làm giống phải là những trái không bị dị dạng hay sâu bệnh, khi trái khô đạt độ chín khoảng 1 năm tuổi thì bắt đầu tiến hành ươm dừa, từ lúc dừa khô đến khi ươm thành dừa giống để bán mất khoảng 1,5 - 2 tháng” - chị Lộc cho biết thêm.

Bên cạnh việc sản xuất dừa giống, nhiều hộ gia đình còn sản xuất dừa tươi cung ứng ra thị trường. Đến với vườn dừa của hộ gia đình ông Trần Văn Chín ngụ khu phố Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của những buồng dừa trĩu quả, đỏ chót. Được biết, trước đây, gia đình ông cũng sống bằng nghề trồng lúa là chủ yếu nhưng từ khi biết dừa xiêm đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ông đã tiến hành cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, gia đình ông có khoảng 5.000m2 đất trồng dừa xiêm đỏ, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam tỉnh  – Ngô Thanh Tuyền (bên phải) tham quan vườn dừa của gia đình ông Trần Văn Chín

Ông Trần Văn Chín chia sẻ: “Tôi luôn tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng do Hội Nông dân phường tổ chức. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên tìm tòi, học hỏi thêm những phương pháp sản xuất mới để áp dụng vào vườn dừa của gia đình mình”. Được biết, ông Chín đã nhiều lần được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh.

Song song với trồng dừa, nhiều hộ gia đình còn tranh thủ trồng xen canh các loại cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập. Ngụ khu phố Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh, gia đình ông Nguyễn Văn Tri đã “bén duyên” với cây dừa hơn 1 năm. Ông Tri cho biết: “Hiện, gia đình tôi có 0,6ha đất canh tác, tôi trồng dừa đã được 1 năm, vì trồng dừa thì khoảng 3 năm mới thu hoạch nên thời gian này tôi tranh thủ trồng xen canh thêm đậu bắp, mướp, bí. Ngoài ra, tôi còn tận dụng hệ thống rãnh nước tưới cây để nuôi thêm cá. Tính đến nay, gia đình tôi thu hoạch cây ngắn ngày đã được 2 đợt, lợi nhuận từ cây ngắn ngày tôi sẽ dùng mua phân để bón cho dừa, chủ yếu lấy ngắn nuôi dài”.

Ông Nguyễn Văn Tri kết hợp trồng xen canh đậu bắp với dừa xiêm đỏ

Được biết, để trồng dừa đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân phường Tân Khánh đã thành lập tổ hợp tác “Ươm và phát triển dừa xiêm đỏ”, tính đến nay, tổ hợp tác đã có được 24 thành viên. Mỗi quý tổ sẽ họp một lần để các thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ phương pháp chọn giống, ươm cây, ươm trái đến các biện pháp phòng trừ côn trùng gây hại trên dừa. Đồng thời, việc thành lập tổ hợp tác cũng góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó của nông dân trên địa bàn phường./.

Bùi Tùng - Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết