Tiếng Việt | English

28/01/2016 - 09:36

Lạp xưởng Cần Đước vào xuân

Không chỉ nổi tiếng với bột Long Sơn, bún Mỹ Lệ, bánh in Long Hựu,... Cần Đước còn được nhiều người biết đến với món lạp xưởng thơm, ngon. Vào những ngày Tết Cổ truyền, lạp xưởng Cần Đước không chỉ là món ăn trong gia đình mà còn là quà biếu họ hàng, người thân.

Lạp xưởng tươi Cần Đước

Có cơ sở đặt tại khu phố 5, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, thương hiệu lạp xưởng 2 Sú nổi tiếng từ nhiều năm nay. Từ khi truyền nghề cho con trai, thương hiệu này chuyển tên thành lạp xưởng Út Hoàng. Chủ cơ sở sản xuất là chị Phương – thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. 

Những năm mới bắt đầu làm lạp xưởng, khi đến tết, đơn đặt hàng khá nhiều nên chị Phương phải thuê thêm 30 nhân công làm phụ. Còn vài năm trở lại đây, máy móc thay thế những công đoạn làm thủ công nên chủ yếu người trong gia đình đảm nhận các công đoạn. “Bây giờ, chỉ cần mua thịt heo về rửa sạch cho vào máy xắt, sau đó xay ra, bỏ vào máy dồn và phân khúc. Tuy là lạp xưởng tươi nhưng vẫn phải phơi nắng để có màu đỏ”, chị Phương chia sẻ.

Cơ sở sản xuất lạp xưởng của chị Phương hiện tại được chứng nhận đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu thịt heo được mua tại lò giết mổ của anh em trong gia đình nên luôn tươi ngon. Chính vì an toàn về chất lượng nên lạp xưởng Út Hoàng nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhất là vào dịp tết.

Theo chị Phương, những ngày thường, 1 tuần chỉ làm 2 lần, mỗi lần 50kg bán với giá 120.000 đồng/kg. Còn khoảng rằm tháng Chạp đến những ngày giáp tết thì hầu như ngày nào cũng làm mới đủ số lượng giao cho khách. Thông thường, khách hàng là cơ quan, Cty ở TP.Tân An, TP.HCM gọi đặt số lượng nhiều để tặng nhân viên. Trong những ngày này, giá thịt heo tăng nên lạp xưởng cũng tăng giá.

Lạp xưởng Chín Thanh cũng là cái tên quen thuộc với khách hàng vì vừa ngon, vừa được chứng nhận đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chế biến đến khâu phơi nắng. Lạp xưởng Chín Thanh được làm qua 3 công đoạn: thịt rửa sạch, xắt và xay nhuyễn, sau đó ướp gia vị và dồn thịt vào ruột heo. Khi hoàn thành, lạp xưởng được rửa sạch và phơi nắng.

Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để tạo hương vị thơm, ngon, lạp xưởng phải cân đối giữa phần nạc và mỡ heo. Đặc biệt, khâu ướp gia vị rất quan trọng. Lạp xưởng Chín Thanh không dùng hóa chất mà chỉ ướp đường, muối, rượu, tiêu, tỏi gừng,...

Khác với nhiều loại lạp xưởng trên thị trường đa số đều ướp bằng rượu Mai Quế Lộ, lạp xưởng Chín Thanh ướp bằng loại rượu do gia đình tự ủ từ các nguyên liệu mua ở TP.HCM. Vì vậy, lạp xưởng Chín Thanh rất “hút” khách vì mang hương vị rất riêng.

Lạp xưởng Chín Thanh, lạp xưởng Út Hoàng... góp thêm hương vị thơm, ngon để những “đặc sản” của vùng đất Cần Đước ngày càng bay xa. Hiện nay, một số huyện như Đức Hòa, Đức Huệ... cũng có bán lạp xưởng tươi Cần Đước.

Chị Phạm Hoàng Lan ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa cho biết: “Một lần ăn lạp xưởng Cần Đước, tôi thấy ngon vì ít béo, thơm và vị rất vừa ăn nên lấy về Đức Hòa bán. Khách hàng mua và rất thích nên số lượng đặt hàng ngày càng nhiều. Tết này, tôi bán lạp xương tươi Cần Đước với giá 180 ngàn đồng/kg và được nhiều bạn bè, cơ quan trong huyện đặt làm quà biếu”./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích