Tiếng Việt | English

17/11/2020 - 17:01

Liên hợp quốc nêu bật sự cấp thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an

Phát biểu trong một cuộc tranh luận về cải tổ Hội đồng bảo an, Chủ tịch Bozkir chỉ trích việc cơ quan này nhiều lần không hoàn thành trách nhiệm trong việc duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế.


Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir (Nguồn: TTXVN)

Ngày 16/11, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir đã nêu bật sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an để có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức lớn nhất của thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu trong một cuộc tranh luận về cải tổ Hội đồng bảo an, Chủ tịch Bozkir chỉ trích việc cơ quan này nhiều lần không hoàn thành trách nhiệm trong việc duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế. Theo ông, cạnh tranh lợi ích giữa các nước thành viên và việc thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết đã hạn chế hiệu quả hoạt động của Hội đồng bảo an.

Ngay cả khi xảy ra một số cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách, Hội đồng Bảo an cũng không thể đưa ra phản ứng kịp thời và phù hợp. Do đó, ông Bozkir khẳng định việc phải cải tổ Hội đồng bảo an là một nhiệm vụ cấp thiết, dù rất thách thức song không thể không tiến hành.

Kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Hội đồng Bảo an đã tổ chức rất ít cuộc họp để thảo luận về vấn đề này. Trước đó, Hội đồng Bảo an cũng phải mất tới 3 tháng mới vượt qua được những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc để thông qua nghị quyết về hợp tác quốc tế vào ngày 1/7, theo đó ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về một lệnh ngừng bắn tại các nước bị chiến tranh tàn phá để tạo điều kiện cho công tác chống dịch.

Tại cuộc họp về cải tổ Liên hợp quốc đang diễn ra, 193 nước thành viên cũng đã thảo luận về quyền phủ quyết - đặc quyền của 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh), cũng như xem xét khả năng mở rộng Hội đồng Bảo an để tăng tính đại diện khu vực.

Nhà ngoại giao Mỹ Ngoyi Ngoyi nêu rõ: "Về nguyên tắc, Mỹ vẫn để ngỏ việc mở rộng vừa phải Hội đồng bảo an...song điều này phải được thúc đẩy theo hướng không làm suy yếu hiệu quả hoạt động của Hội đồng bảo an và sẽ không thay đổi hoặc mở rộng quyền phủ quyết".

Về phần mình, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Anna Evstigneeva lập luận rằng "những ý tưởng dẫn đến sự suy yếu các đặc quyền của các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, bao gồm cả quyền phủ quyết, là không thể chấp nhận". Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân (Zhang Jun) lại chỉ trích "sự hiện diện quá mức của các quốc gia phát triển" trong Hội đồng Bảo an và kêu gọi sự hiện diện lớn hơn của các quốc gia vừa và nhỏ, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.

Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe dọa đối với hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần để duy trì hoặc khôi phục nền hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngoài 5 ủy viên thường trực trên, Hội đồng Bảo an còn có 10 ủy viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Tháng 6/2019, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết