Tiếng Việt | English

27/10/2018 - 10:35

Long An nỗ lực thu hút du khách về Đồng Tháp Mười

Long An có một diện tích lớn rừng tràm, đất ngập nước còn giữ nguyên vẻ hoang sơ được quy hoạch sử dụng cho du lịch. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư và thu hút du lịch còn khá chậm. Nguyên nhân một phần do kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng.

Láng Sen thu hút du khách vì vẻ hoang sơ

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, đến nay, Long An quy hoạch tiểu vùng Đồng Tháp Mười cho du lịch gồm Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) 135ha, Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - Khu du lịch Cánh đồng bất tận (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) với 65ha rừng tràm gió nguyên sinh được đầu tư nhà máy thuốc đông dược và các hoạt động du lịch, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen gồm 660ha vùng lõi (thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) và Lâm viên Thanh niên (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) 72ha.

Được biết, Di tích Gò Chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) và Khu di tích Núi Đất (thị xã Kiến Tường) cũng có nhà đầu tư quan tâm. Hiện, ngành du lịch tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh của Đồng Tháp Mười đến với du khách.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng phục vụ đầu tư, khai thác du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, dịch vụ, hạ tầng cho khách vui chơi kết hợp nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí chưa đáp ứng lượng khách quy mô lớn. Thực tế hiện nay, chỉ có Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập được đầu tư hơn 90 tỉ đồng, mỗi tuần thu hút khoảng 400 khách du lịch, chủ yếu đến từ TP.HCM và các địa phương khác vui chơi trong ngày. Khu du lịch Cánh đồng bất tận cũng được đầu tư, thu hút nhiều đối tượng, đa số là sinh viên y khoa, người quan tâm đến sức khỏe,…Đây là địa điểm được kỳ vọng là nơi gắn du lịch sinh thái với chăm sóc sức khỏe.

Gò Chùa Nổi - điểm đến du lịch tâm linh

Tuy nhiên, Khu du lịch Cánh đồng bất tận hiện gặp khó khăn vì Đường tỉnh 817 nối từ Quốc lộ N2 đến đây còn nhỏ hẹp, bất cập nhất là các cầu trên tuyến có tải trọng chỉ 8 tấn và khổ ngang rất hẹp, xe du lịch loại lớn trên 30 chỗ gặp trở ngại khi lưu thông. Việc kết nối giao thông đường thủy, đường bộ giữa Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu du lịch Cánh đồng bất tận còn khó khăn, chưa tạo được sự thuận tiện cho du khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung, hiện, việc nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 817 đang tiến hành, nhiều đoạn được trải nhựa và có đèn thắp sáng ban đêm. Tuy nhiên, việc xây mới cầu trên tuyến đường khó khả thi vì chưa có kinh phí. Do đó, sở tạo điều kiện cho việc xây dựng các bến trung chuyển từ đường bộ sang đường thủy, tạo thuận lợi cho du khách tham quan.

Du khách đến Khu du lịch Cánh đồng bất tận. Ảnh: Huỳnh Phong

Chị Lê Thúy - khách du lịch đến từ TP.HCM rất thích cảnh vật hoang sơ khi đến Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tuy nhiên lại rất ngại khi đi xuồng qua kênh 79. Chị chia sẻ: “Khách cần được trang bị áo phao hoặc dung cụ cứu sinh vì một số người không biết bơi, nhất là trẻ em".

Hiện nay, một số du khách đến với các khu du lịch tại Đồng Tháp Mười còn than phiền vì hệ thống nghỉ trọ còn thiếu, giá dịch vụ nghỉ dưỡng và ăn uống chưa phù hợp, các hình thức giải trí chưa đa dạng. Đặc biệt, chưa thu hút người dân trong vùng lõi tham gia hoạt động du lịch. Cá biệt, chợ nông sản tại Thạnh Hóa bán động vật hoang dã còn gây phản cảm, ảnh hưởng đến việc quảng bá du lịch cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh cho biết, so với các năm trước, năm 2018 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về thu hút du lịch cho vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Đặc biệt, tất cả khu du lịch đều có nhà đầu tư quan tâm. Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập và Khu du lịch Cánh đồng bất tận bước đầu thu hút và tạo dấu ấn cho du khách. Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tạo nhiều cơ chế thu hút nhà đầu tư, khắc phục bất cập nhằm đẩy mạnh du lịch, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh./.

Tư Đại Lâm

Chia sẻ bài viết