Tiếng Việt | English

18/10/2021 - 14:32

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại Anh tăng vọt

Nước Anh dỡ bỏ hạn chế khá sớm trong khi nhiều người trưởng thành không đeo khẩu trang nơi công cộng, thêm vào đó là tiến độ tiêm chủng đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây.


Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh hiện là một trong những quốc gia ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất châu Âu. Giới chuyên gia đã đưa ra những phân tích về thực tế này, cũng như nêu các nhận định về tình hình dịch bệnh trong tương lai gần khi mùa Đông đang cận kề.

Theo phóng viên TTXVN tại London, các số liệu hiện nay phản ánh tình hình dịch bệnh ở Anh rất đáng ngại. Ngày 17/10, Anh ghi nhận 45.140 ca mắc mới, 57 ca tử vong và 915 ca nhập viện.

Trong vòng 7 ngày qua, tỷ lệ ca mắc mới ở nước này đã tăng 15% lên gần 300.100 ca, trong khi số ca tử vong và nhập viện tăng lần lượt 8,5% và gần 7% lên 852 ca và 5.559 ca.

So với các nước châu Âu, Anh ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm theo ngày cao hơn đáng kể, với 495 ca/1 triệu người, so với 137 ca/1 triệu người tại 27 nước Liên minh châu Âu (EU).

Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc COVID-19 cao tại Anh.

Thứ nhất, Anh là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 từ ngày 19/7, sớm hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác. Kể từ giữa tháng Bảy, các hộp đêm ở Anh cũng không còn áp dụng các biện pháp hạn chế.

Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) thực hiện vào giữa tháng 10 này, khoảng 15% người trưởng thành ở Anh cho biết không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tỷ lệ này là dưới 2% ở Tây Ban Nha và Italy, và khoảng 4% ở Pháp.

Khảo sát cũng cho thấy người Anh ít thận trọng hơn so với các nước châu Âu trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tham gia các cuộc tụ họp đông người hoặc đến những nơi đông đúc khác.

Điều này giúp lý giải tại sao biến thể Delta với khả năng lây lan cao đang khiến các ca mới COVID-19 tại Anh tăng mạnh so với phần còn lại của châu Âu.

Nguyên nhân thứ hai là tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang chậm lại. Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu Statista, sau khi dẫn đầu trong chương trình tiêm chủng vào đầu năm, Anh hiện rớt xuống vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng của châu lục này.

Tiến độ tiêm chủng đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây, trung bình chỉ đạt hơn 20.000 liều/ngày vào giữa tháng Chín, so với mức cao nhất là 506.000 liều vào ngày 13/3.

Tính đến ngày 17/10, gần 79% (hơn 45,4 triệu người) dân số Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 86% (gần 49,4 triệu người) đã tiêm 1 mũi.

Các chuyên gia chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng của Anh thấp hơn là do nhiều quốc gia châu Âu đã tiêm vaccine cho trẻ dưới 16 tuổi từ tháng Sáu, trong khi London mới thực hiện chương trình này từ tháng Chín.

Theo Giáo sư Sharifah Sekalala, chuyên gia về chính sách công và y tế toàn cầu tại Đại học Warwick (Anh), việc Anh ngay từ đầu giới hạn độ tuổi người tiêm vaccine khiến những người trẻ tuổi cảm thấy việc tiêm vaccine đối với họ không quan trọng như các nhóm đối tượng khác, dẫn tới tỷ lệ tiêm vaccine ở người trẻ tuổi thấp.

Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm chủng cao tại châu Âu là nhờ các nước áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt đối với những người không tiêm vaccine.

Tại Pháp, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày tăng gần như gấp đôi sau khi nước này yêu cầu hộ chiếu vaccine vào tháng Bảy. Trong khi đó, dù mở cửa sớm hơn, Anh đã từ bỏ kế hoạch áp dụng hộ chiếu vaccine.

Bất chấp tỷ lệ nhiễm mới cao, các nhà khoa học Anh vẫn đưa ra các nhận định lạc quan. Họ chỉ ra rằng tỷ lệ nhiễm bệnh khác nhau ở châu Âu là do kết quả của các cách tiếp cận khác nhau và các nước ở trong giai đoạn khác nhau của đại dịch.

Anh chịu ảnh hưởng từ các biến thể lây lan nhanh là Alpha và Delta trước các khu vực khác của châu Âu. Đầu mùa Xuân năm nay, Anh là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất ở châu Âu do làn sóng dịch với biến thể Alpha đã qua trong khi biến thể này đang lan mạnh tại “Lục địa Già.”

Kế đến, tỷ lệ mắc COVID-19 cao hiện nay tại Anh phần lớn nằm ở nhóm thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em dưới 16 tuổi. Do trẻ em ít có nguy cơ mắc COVID-19 nặng, điều đáng quan tâm là liệu người trẻ tuổi có thể làm lây lan sang các nhóm tuổi lớn hơn.

Giáo sư Tildesley, chuyên gia về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick, nêu rõ những dấu hiệu ban đầu cho thấy điều này không xảy ra và số ca mắc ở trẻ em có thể đã đạt mức đỉnh.

Theo Giáo sư Tildesley, khi làn sóng này ở thanh thiếu niên kết thúc, kết hợp với của khả năng miễn dịch tự nhiên và chương trình tiêm chủng tiếp tục được triển khai, Anh có khả năng sẽ bắt đầu ghi nhận tỷ lệ mắc COVID-19 giảm liên tục khi mùa Đông đến gần.

Trên thực tế, tỷ lệ tử vong ở Anh đang giảm, một thành tựu mà nước này đạt được trong khi mở cửa hơn hầu hết các nước khác, và là một dấu hiệu cho thấy virus đã được kiểm soát.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý nếu không có bất thường khác xảy ra, khả năng tỷ lệ lây nhiễm gia tăng tại Anh sẽ sớm kết thúc do nước này đã đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao.

Giám đốc Viện Di truyền học Đại học London, ông François Balloux, nhận định tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao trong mùa Thu có thể là lợi thế để Anh vượt qua mùa Đông, bởi việc gia tăng các ca mắc hiện tại có thể làm giảm áp lực cho Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) trong mùa Đông vì những người đã nhiễm COVID-19 sẽ không nhiễm lại, hoặc ít nhất sẽ không bị nặng.

Đây cũng chính là tính toán của chính phủ và các nhà cố vấn khoa học cấp cao khi đưa ra khi quyết định mở cửa vào ngày 19/7 để đón "làn sóng" dịch trước khi mùa Đông đến.

Giáo sư Neil Ferguson, một trong những cố vấn cấp cao của chính phủ, cho rằng không thể biết chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, song ông nhận định các ca mắc mới có thể giảm kể từ thời điểm này.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số ý kiến quan ngại khi vào mùa Đông, không chỉ dịch COVID-19 vẫn tồn tại, mà còn xuất hiện dịch cúm mùa.

Hiện, chủng virus RSV lây lan mạnh tại Anh. Chủng virus này có thể gây ra 30.000 ca nhập viện mỗi mùa Đông ở những trẻ dưới 5 tuổi, cao gấp 6 lần so với tỷ lệ mắc COVID-19 tại nhóm tuổi này cho đến nay.

Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng việc Anh tiếp tục áp dụng một số quy định như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, và thúc đẩy chương trình tiêm vaccine tăng cường sẽ là những biện pháp hữu ích nhằm tránh cho NHS, vốn có năng lực điều trị thấp hơn nhiều quốc gia châu Âu khác, khỏi những áp lực khi mùa Đông đến./.

Minh Hợp (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết