Mãi nhớ về ông
Những ngày này, đường phố Long An và thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức rợp bóng cờ hoa. Công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh LS Nguyễn Hữu Thọ rất chu đáo từ tuyên truyền đến trang trí.
Chúng tôi đến khu vực chợ Bến Lức, hỏi thăm nhà thân sinh của cố LS, nhiều người dân nhiệt tình chỉ đường. Ngôi nhà thuở thiếu thời LS từng sống tọa lạc đường Huỳnh Châu Sổ, hẻm 3, khu phố 1. Ngôi nhà nằm phía sau đình thần Long Phú, được xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái. Nhà lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu màu đỏ với khoảng sân và nhà bếp khá rộng. Bên trong căn nhà còn lưu giữ nhiều hình ảnh về thân sinh của cố LS, tư liệu về cuộc đời, hoạt động của LS,... Khu nhà vừa được phục hồi, dự kiến mở cửa tham quan nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của LS.
Ông Tám Đấu - người dân sinh sống gần khu nhà thân sinh LS, chia sẻ, là thế hệ đi sau nhưng những người dân sống gần đây đều được nghe kể và cảm thấy rất tự hào về LS. Tuy thời gian LS sinh sống tại đây không dài nhưng đó mãi là niềm tự hào của quê hương Bến Lức anh hùng, giàu truyền thống cách mạng.
Khu lưu niệm là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Cách đó không xa, Khu lưu niệm LS Nguyễn Hữu Thọ - Di tích cấp quốc gia cũng tấp nập đón nhiều đoàn khách đến thăm viếng và tưởng nhớ ông. Công trình nằm cặp đường Nguyễn Minh Trung, cách Quốc lộ 1 khoảng 1km. Khu lưu niệm là công trình tôn tạo có diện tích 10.000m2 gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, khối phòng họp - khu trưng bày - thư viện, khu công viên cây xanh, thảm cỏ, nơi trồng cây lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác. Đây chính là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân và là địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh Long An - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sản sinh những người con ưu tú, góp phần làm rạng danh Tổ quốc.
Chị Huỳnh Thúy Ngọc - thuyết minh viên khu lưu niệm, nói: “Tôi may mắn được làm việc tại đây nên có cơ hội tìm hiểu về cố LS. Càng tự hào hơn khi tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất là quê hương của ông. Mỗi năm, khu lưu niệm đón tiếp nhiều đoàn khách khác nhau nhưng tôi cảm nhận, tất cả mọi người khi đến viếng khu lưu niệm đều dành sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính đối với LS”.
Phát huy truyền thống
Noi gương cố LS, huyện Bến Lức nói chung và thị trấn Bến Lức nói riêng đều đồng lòng khắc phục khó khăn, ra sức thi đua phát triển KT-XH, chăm lo đời sống nhân dân. Theo Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân, các lĩnh vực kinh tế của huyện đều có mức tăng trưởng cao, bình quân tổng giá trị sản xuất tăng 17% năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hiện nay trên 3.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên hàng năm.
Ngôi nhà thờ của song thân luật sư tại thị trấn Bến Lức
Riêng đối với Đảng bộ, chính quyền thị trấn - nơi ông sinh ra, nhiều năm liên tục, địa phương khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ - đô thị.
Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn - Huỳnh Thị Mộng Tuyền thông tin: Đảng bộ, chính quyền thị trấn luôn ra sức học tập, phấn đấu xây dựng quê hương và chăm lo đời sống nhân dân. Hiện nay, thị trấn tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa,... tác động tích cực đến phát triển kinh tế, làm cho bộ mặt đô thị thị trấn ngày càng khởi sắc.
Từ năm 2010 đến nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ ở thị trấn phát triển với hệ thống siêu thị, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, kho bãi, giáo dục, y tế, khách sạn,… Đặc biệt, tuyến đường mang tên Nguyễn Hữu Thọ được xem là tuyến đường chính của thị trấn, nơi đặt cổng chào của huyện và có khoảng 20 ngân hàng cùng các trụ sở, cơ quan, Trung tâm Y tế huyện cùng các dịch vụ khác,… Hiện nay, tuyến đường này được trang trí rất nhiều băng rôn, panô, áp phích lớn để chào mừng sự kiện ý nghĩa này. Ngoài ra, thị trấn Bến Lức cũng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, nhất là Khu công nghiệp Thuận Đạo đã lấp đầy,… góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương cũng như các tỉnh khác.
Con đường mang tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ là con đường chính, nổi bật của thị trấn
Mãi mãi là niềm tự hào
Tấm gương đạo đức tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên Việt Nam học tập và noi theo”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình
|
Trong phát biểu tại hội thảo cấp quốc gia về LS Nguyễn Hữu Thọ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đã nêu bật những đóng góp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, người con ưu tú của quê hương Long An. Theo đó, ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, được phân công hoạt động hợp pháp trong Ban Trí vận của thành phố Sài Gòn, với tài năng, nhiệt huyết và sự khiêm nhường của một trí thức chân chính, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành linh hồn, người lãnh đạo rất có uy tín của phong trào hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu những năm 1950. Trong đó, đặc biệt phải kể đến cuộc đấu tranh của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận vào tháng 01-1950, nhân sự kiện học sinh Trần Văn Ơn bị sát hại. Dưới sự lãnh đạo của Phái đoàn đại biểu các giới do LS Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu, hàng chục vạn nhân dân, đông đảo nhất là thanh niên, sinh viên, xuống đường biểu tình đòi tự do, dân chủ, tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do hội họp. Từ đó, ngày 9-1 trở thành Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã vận động các nhân sĩ, trí thức tham gia thành lập phong trào bảo vệ hòa bình. Tháng 02/1950, đồng chí cũng là người lãnh đạo cuộc biểu tình của nhân dân Sài Gòn, phản đối sự có mặt của 2 tàu chiến Mỹ ở Cảng Sài Gòn. Đây là cuộc biểu tình chống đế quốc Mỹ đầu tiên của nhân dân ta.
Phó Thủ tướng cho rằng, với tài năng và uy tín của mình, LS Nguyễn Hữu Thọ trở thành ngọn cờ tập hợp, quy tụ các lực lượng yêu hòa bình, dân chủ ở miền Nam, đoàn kết đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Điều này thể hiện rõ nét qua sự kiện khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập (tháng 12-1960), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đang bị chính quyền của Ngô Đình Diệm quản thúc ở Phú Yên, nhưng các đại biểu đã biểu quyết, thống nhất để khuyết chức danh Chủ tịch và sẽ bầu LS Nguyễn Hữu Thọ vào chức vụ này.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam và vai trò to lớn của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, cách mạng miền Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trên các cương vị lãnh đạo, đồng chí luôn nêu cao tinh thần làm việc dân chủ, tận tụy, trách nhiệm, sâu sát, hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ có đóng góp quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng; là người có công lao to lớn trong chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992; nhiều đề xuất và ý kiến của đồng chí được ghi nhận, vận dụng hiệu quả trong thực tiễn, nhất là trong việc đổi mới hoạt động của bộ máy Nhà nước, Quốc hội và MTTQ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Đồng chí xứng đáng là người học trò trung thành, người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Noi gương đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Đảng bộ và nhân dân Long An ra sức học tập, phát huy truyền thống cách mạng “trung dũng kiên cường”. Từ một tỉnh bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Long An hiện vươn lên, trở thành một trong những nhân tố tích cực, sáng tạo góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đến nay, Long An là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người vào loại khá trong cả nước; cơ cấu kinh tế giữa các ngành công, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên./.
Song Nhi