Tiếng Việt | English

02/05/2021 - 15:29

Mách bạn cách điều trị bong tróc da do cháy nắng

Da bong tróc là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang tự phục hồi, nhưng nó có thể gây khó chịu, ngứa ngáy và mất thẩm mỹ.

Các vết cháy nắng có thể gây mẩn đỏ, sưng tấy, đau nhức và trong trường hợp nặng hơn có thể gây bong tróc da. Da bong tróc là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang tự phục hồi, nhưng nó có thể gây khó chịu, ngứa ngáy và mất thẩm mỹ.

Nếu da của bạn bắt đầu bong tróc sau một đợt cháy nắng đặc biệt nghiêm trọng, điều bạn tuyệt đối không nên làm là lột hoặc gãi vùng da bị bong tróc. Theo các bác sĩ, đừng lột da vì có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Việc kéo hoặc gãi lớp da bong tróc có thể làm lộ ra lớp da chưa lành bên dưới, lớp da này sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, nếu không có hàng rào chống vi khuẩn có hại.

Vì vậy, nếu da bị bong tróc, tốt nhất bạn nên để cơ thể tự phục hồi. Da của bạn thường sẽ tự ngừng bong tróc sau khi vết cháy nắng đã lành, mất khoảng một tuần đối với các vết bỏng nhẹ đến trung bình.
Dưới đây là năm mẹo về cách điều trị da bong tróc, cùng với các bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện để tránh bị cháy nắng.

1. Chườm lạnh hoặc tắm nước mát

Chườm lạnh hoặc tắm nước mát không chắc chắn ngăn được tình trạng bong tróc da. Tuy nhiên, nếu vết cháy nắng của bạn có cảm giác nóng, sưng tấy và khó chịu, nhiệt độ mát của nước có thể giúp giảm tạm thời triệu chứng. Cần tránh sử dụng xơ mướp và bàn chải cọ khi tắm vì những thứ này có thể kéo theo hoặc kích ứng da bong tróc.

Bạn có thể chườm lạnh tại nhà bằng cách cho đá viên vào túi nhựa. Không bao giờ chườm đá trực tiếp lên vùng da bị cháy nắng vì lạnh quá có thể làm tổn thương da nghiêm trọng hơn và có khả năng làm bong tróc trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi da.

2. Thoa lô hội hoặc kem dưỡng ẩm

Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và giảm bong tróc. Nên sử dụng sản phẩm có chứa gel lô hội, vì lô hội có thể giúp dưỡng ẩm làn da của bạn và có các hợp chất chống viêm, có thể làm giảm sưng tấy và thúc đẩy quá trình phục hồi da. 

3. Dùng thử mật ong y tế (MediHoney)

Mật ong y tế bạn có thể mua không cần kê đơn tại hiệu thuốc gần nhà. MediHoney khác với những gì bạn mua ở cửa hàng tạp hóa địa phương để làm bánh mì và bánh quy. Hàm lượng đường cao trong mật ong giúp nó trở thành một chất kháng khuẩn hiệu quả, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Tuy nhiên, mật ong mua ở cửa hàng có thể chứa nhiều chủng vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng. Vì vậy, MediHoney vô trùng là lựa chọn an toàn nhất. Bạn có thể áp dụng MediHoney trực tiếp lên vết bỏng hoặc trên một miếng quấn thoáng khí như băng gạc.

4. Uống thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm không steroid như aspirin hoặc ibuprofen có thể giúp làm dịu da và giảm một số cơn đau do cháy nắng. Bạn có thể dùng thuốc bằng đường uống hoặc nghiền nát viên aspirin hoặc ibuprofen, trộn chúng với nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt sau đó nhẹ nhàng thoa lên vết cháy nắng. Bạn cũng có thể mua các loại kem chống viêm. 

5. Tắm bằng bột yến mạch

Keo yến mạch có đặc tính chống viêm có thể làm giảm sưng tấy. Nó cũng giúp da giữ được độ ẩm, hỗ trợ quá trình chữa bệnh. Bột yến mạch dạng keo không giống như bột yến mạch bạn ăn vào bữa sáng, tuy nhiên, bạn có thể sử dụng yến mạch nguyên hạt để làm bột yến mạch dạng keo. Cho một ít yến mạch nguyên hạt chưa nấu chín vào máy xay thực phẩm hoặc máy xay sinh tố và xay thành bột mịn. Cho khoảng 1 cốc vào bồn nước ấm hoặc mát và ngâm mình trong 10-15 phút.

Các biện pháp phòng tránh:

Để tránh tình trạng này bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị cháy nắng ngay từ đầu. Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là bảo vệ làn da của mình bằng cách đội mũ, mặc áo dài tay, quần dài hoặc giày ôm sát. Cháy nắng xảy ra khi da của bạn tiếp xúc với quá nhiều tia cực tím (UV). Bằng cách che phủ, bạn có thể ngăn ngừa cháy nắng hoặc bảo vệ vết cháy nắng hiện có khỏi những tổn thương nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là một số mẹo khác để ngăn ngừa cháy nắng:
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số ít nhất là SPF 30 
- Tránh ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm từ 10h sáng đến 4 h chiều. 
- Nếu bạn không có kem chống nắng, hãy đội mũ rộng vành, áo dài tay và quần dài.
- Luôn được bảo vệ ngay cả khi bạn đang ở trong nhà hoặc đang lái xe vì bạn vẫn có thể bị cháy nắng qua cửa sổ./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết