Tiếng Việt | English

21/04/2025 - 04:05

Lưu ý khi chọn mua sữa

Theo Thông tư số 18/2019/TT-BYT, ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn. Bộ phận đảm bảo chất lượng phải ký đạt sản phẩm mới được xuất kho, trong quá trình phân phối phải được Cục An toàn thực phẩm cấp “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” mới được lưu thông trên thị trường và phải bảo quản đúng quy định đã ghi trên nhãn.

Về phương diện sản xuất có các dạng sữa sau:

- Sữa tươi (Milk, Dairy): Là sản phẩm tự nhiên từ động vật có vú (trong công nghệ chế biến hay vắt sữa từ bò, dê vì tiết ra nhiều sữa). Sữa tươi ở thể lỏng chứa khoảng 87-90% nước, protein, chất béo, đường lactose, vitamin và khoáng chất. Ví dụ như sữa tươi Vinamilk.

-  Sữa hạt: Có nguồn gốc thực vật (như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân) được chế biến bằng cách tách các chất bổ từ hạt đậu nành, hạnh nhân, óc chó, hạt điều, yến mạch,… rồi nấu theo phương pháp truyền thống hoặc dùng máy nấu sữa. Ví dụ như sữa đậu nành Fami.

Các sản phẩm chế biến như trà sữa, yaourt cần bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và có hạn sử dụng rất ngắn. Cơ sở kinh doanh mặt hàng này phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Sữa bột (Milk Powder): Là sữa đã được sấy khô để loại bỏ gần hết nước, tạo thành dạng bột mịn, khô. Có thể là sữa bột nguyên kem (whole milk powder) hoặc sữa tách béo (skim milk powder). Khi dùng cần pha với nước ấm khoảng 40-50°C để ra thành phẩm dạng lỏng. Bảo quản sữa bột ở nơi khô ráo, nhiệt độ thường. Hạn dùng phải ghi rõ trên hộp thành phẩm. Ví dụ như sữa bột Ensure.

- Sữa công thức (Formula milk): Là sữa vắt từ động vật, được xử lý thành sữa bột thông qua dây chuyền sản xuất giữ lại các loại dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và có thể bảo quản lâu dài (hạn dùng có thể là 2 năm). Công thức sữa phù hợp với từng đối tượng khác nhau như người già, phụ nữ mang thai và trẻ em, người bị bệnh ung thư, đái tháo đường. Thành phần chính của sữa vẫn là protein, carbohydrate, chất béo, canxi, chất khoáng nhưng có bổ sung thêm các chất cần thiết cho từng đối tượng sử dụng.

Sữa bột công thức phải được sản xuất trong nhà máy GMP, nội kiểm đảm bảo chất lượng đúng như hồ sơ công bố mới được xuất xưởng và ngoại kiểm bởi Viện Kiểm nghiệm.

Các đối tượng sử dụng khác nhau cần các loại sữa bột khác nhau:

- Bà bầu: Cần sữa bột nguyên kem chứa chất béo được làm từ sữa tươi, theo công thức cung cấp dinh dưỡng cho cả mẹ và bé và thêm những chất cần thiết như sắt, axit béo DHA (Docosa Hexaenoic Acid) và vitamin thiết yếu, đạm; đồng thời, bổ sung các lợi khuẩn tiêu hóa probiotic giúp mẹ hấp thu tối đa dưỡng chất để thai nhi phát triển khỏe mạnh.

- Trẻ nhũ nhi: Viện Dinh dưỡng khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ trong 1 năm đầu, tuy nhiên nếu mẹ ít sữa quá có thể bổ sung sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 12 tháng tuổi (Infant formula) có thành phần mô phỏng công thức của sữa mẹ, mùi vị tương tự như sữa mẹ dùng thay thế hoàn toàn hoặc một phần cho sữa mẹ. Sữa mẹ chứa thành phần dinh dưỡng 90% nước, giàu carbonhydrat (lactose chiếm khoảng 7%), chất béo, globulin miễn dịch (kháng thể), enzyme, vitamin, protein, axit amin, sắt.

- Người lớn tuổi: Sự thoái hóa của cơ thể, làm cho vị giác và khứu giác của người già suy giảm nên cần bổ sung sữa bột có vị thanh đạm, không đường, vị ngọt tương đối để tránh các bệnh về tim mạch. Khi lớn tuổi, nhu cầu về năng lượng cũng giảm dần, sữa công thức cho người già chứa chất béo có lợi, linoleic, cholin và acid oleic nhằm tăng cường trí nhớ và hạn chế những ảnh hưởng của cholesterol xấu. Công thức sữa cho người già còn bổ sung canxi , các vitamin, khoáng chất giúp ăn ngon ngủ yên, chống loãng xương và tăng cường sức đề kháng.

- Người đái tháo đường: Cần sữa giàu tinh bột, ít béo, không đường, cung cấp vitamin và khoáng chất như canxi cùng các axit béo bão hòa có lợi cho tim mạch, có hàm lượng inositol cao giúp cải thiện đề kháng insulin, đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho chế độ ăn kiêng của người tiểu đường; đồng thời, giảm lượng đường và chất béo dung nạp hàng ngày mà không làm đường huyết tăng cao. Cần bổ sung nhiều chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, kiểm soát đường huyết, tạo môi trường cho lợi khuẩn đường ruột phát triển, tăng miễn dịch và phòng ngừa táo bón.

- Bệnh nhân ung thư: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư bị suy nhược, sút cân, kiệt sức. Cần giảm suy kiệt cơ thể, giảm sự hình thành và phát triển của khối u, bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch. Công thức sữa cần bổ sung vitamin, khoáng chất thiết yếu như canxi, D3, photpho giúp cải thiện hệ xương khớp, ổn định cân nặng, tăng lực cơ bằng EPA (axit eicosapentaenoic) và protein chất lượng cao, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn bằng hàm lượng lớn chất xơ hòa tan FOS (Fructo-Oligosaccharide) giúp thúc đẩy nhu động ruột hoạt động ổn định, hấp thu tốt dưỡng chất. Đặc biệt có Fucoidan là 1 polysaccharide được tìm thấy từ các loài tảo biển như tảo nâu có tác dụng chống oxy hóa, ngăn chặn tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra, bảo vệ tế bào khỏi sự lão hóa, chống đông máu, chống huyết khối, chống vi rút và chống viêm. Lợi ích của Fucoidan là tăng cường hệ miễn dịch, ức chế sự phát triển và hình thành khối u ác tính, giảm khả năng di căn của các tế bào ung thư và tác dụng hiệp đồng với các thuốc điều trị ung thư.

Từ nhu cầu sử dụng sữa công thức của từng đối tượng, nhà sản xuất phải nghiên cứu thành phần hoạt chất phù hợp, ghi rõ công thức nồng độ, hàm lượng trên hồ sơ công bố, nội dung này phải khớp với nhãn in trên bao bì.

Với người bệnh mãn tính đang uống thuốc theo đơn bác sĩ mà có dùng thêm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì cần sự hướng dẫn chi tiết của chuyên gia y tế để tránh trùng lắp hoạt chất đưa đến dư liều, tránh tương tác giữa các hoạt chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Sữa giả là gì?

Sữa giả là sữa được làm giả từ thành phần, bao bì đến nhãn mác, không đảm bảo giá trị dinh dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Sản phẩm giả được sản xuất không chứa hoạt chất, nguyên liệu, chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe hoặc có nhưng không đúng với nồng độ hàm lượng đã công bố. Cũng bao gồm giả giấy tờ nhãn, mác nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo: "Sữa công thức giả hoặc không đạt chuẩn an toàn vẫn hiện diện tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi việc kiểm soát thương mại điện tử còn nhiều kẽ hở".

Khuyến nghị với người tiêu dùng khi chọn mua sữa bột:

- Kiểm tra kỹ bao bì, đọc kỹ thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng và lưu ý hạn dùng.

- Kiểm tra tem xác thực, quét mã vạch: Nhiều thương hiệu sữa uy tín hiện nay tích hợp mã QR, mã SMS xác thực, hoặc tem phản quang vỡ. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên truy xuất mã để xác thực nguồn gốc. Nếu hệ thống trả về "không tồn tại", mã trùng lặp hoặc không nhận diện được cần dừng sử dụng ngay.

- Quan sát mùi, màu, độ hòa tan: Sữa thật sẽ có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, mùi thơm nhẹ đặc trưng. Khi pha với nước ấm, bột tan đều, không vón cục. Ngay ly sữa đầu khi pha ra cảm quan thấy biến màu biến mùi thì không được uống

- Phương diện lâm sàng: Nếu dùng sữa bị đau bụng, tiêu chảy nhà bán lẻ phải nhận hàng lại, báo cáo ngay cho nhà cung cấp sỉ hoặc nhà sản xuất để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
- Chọn nơi bán tin tưởng: Chọn nhà thuốc GPP trong giấy phép kinh doanh có xin phép bán sữa hoặc các cửa hàng uy tín, đại lý phân phối chính hãng hoặc siêu thị lớn được nhà nước cho phép, nơi có cam kết đổi trả và hóa đơn hợp lệ. Không mua bán ở các kênh không chính thống như shop cá nhân trên mạng xã hội, hàng xách tay không có nguồn gốc rõ ràng./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết