Tiếng Việt | English

18/07/2020 - 10:21

Mali ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng

Hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô Bamako cáo buộc chính quyền Mali yếu kém khi để xảy ra liên tiếp các cuộc tấn công thánh chiến, bạo lực sắc tộc, tham nhũng tràn lan, kinh tế suy thoái.

Binh sỹ Mali tuần tra tại Gao sau các vụ đánh bom liều chết. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Mali tuần tra tại Gao sau các vụ đánh bom liều chết. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc gia Tây Phi Mali ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi phong trào phản kháng kiên quyết yêu cầu Tổng thống Boubacar Keita phải từ chức, bất chấp nỗ lực hòa giải của nhóm hòa giải quốc tế đang có mặt tại đây.

Phát biểu họp báo ở thủ đô Bamako, “Phong trào ngày 5 tháng Sáu” yêu cầu giải tán Quốc hội mới được bầu, đồng thời hối thúc chính quyền của Tổng thống Keita tiến hành một cuộc chuyển tiếp.

Trước đó, phong trào này kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình lớn trong ngày 17/7 và đã thu hút hàng nghìn người tham gia tại quảng trường trung tâm thủ đô.

Những người biểu tình cáo buộc chính quyền hiện nay yếu kém khi để xảy ra liên tiếp các cuộc tấn công thánh chiến, bạo lực sắc tộc, tham nhũng tràn lan, kinh tế suy thoái và thiếu thốn trầm trọng các dịch vụ công thiết yếu.

Những diễn biến này đang đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại Mali tới điểm nguy hiểm, dù phái đoàn hòa giải của 15 quốc gia thuộc Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã đến thủ đô Bamako từ vài ngày trước để tìm kiếm phương án hòa giải.

Phái đoàn do cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan dẫn đầu với nhiệm vụ làm cầu nối giải quyết bất đồng giữa Tổng thống Keita và phong trào phản kháng đang quyết liệt đòi ông từ chức.

Căng thẳng bùng phát tại Mali sau khi tòa án nước này ra phán quyết ủng hộ kết quả bầu cử Quốc hội gây tranh cãi.

Hôm 10/7, tại Mali đã xảy ra một cuộc biểu tình lớn dẫn tới đụng độ với cảnh sát khiến 11 người thiệt mạng và 158 người bị thương.

Đây là sự kiện đẫm máu nhất ở quốc gia 20 triệu dân này trong nhiều năm qua.

Trước căng thẳng hiện nay, ECOWAS đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Keita xem xét lại kết quả bầu cử, nhanh chóng tổ chức một cuộc bầu cử mới và sớm thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền hối thúc các bên ở Mali kiềm chế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết