Tiếng Việt | English

29/10/2016 - 21:55

Màu hoa tim cỏ

Nửa đêm, dì kêu ú ớ, “Trạng, Trạng, cứu dì, cứu dì con ơi!”. Tôi xô cửa phòng bước vào. Dì ngồi gục đầu, mặt tái mét, không còn chút thần sắc. Dì kêu tôi đỡ dì nằm xuống, dì bị tuột máu. Dì nói nhỏ như cơn gió, chỉ tôi, “lấy trà trong tủ, pha trà đường; lấy chai dầu dì để trong tủ...”. Mấy người ở cùng nhà, là em, là cháu, là máu mủ ruột thịt của dì, cũng như tôi. Họ nhìn tôi, không nói. Nhưng họ hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Như quán tính, tôi gọi điện thoại cho Năm. Năm nói chuyện tỉnh bơ như Năm không ngủ. Năm chống cây nạng đi vào, tụi nhỏ gặp, không chào, im lặng.

Năm lại kế dì, nắm tay dì, hỏi, “Bà đỡ chưa?”. Dì thì thào gì đó trong miệng, tôi nghe không rõ, nhưng Năm gật đầu. Năm lấy khăn lau mặt, có cả lau nước mắt. Rồi lấy hộp dầu cù là trong túi, thoa lên bàn tay lạnh ngắt của dì. Năm đi vào bếp lục đục nấu cháo. Như Năm quen lắm từng ngõ ngách cái nhà này. Như thuộc cả nơi để đường, để muối. Cháo vừa chín, Năm mang ra, đút dì từng muỗng.

Minh họa: Thiện Mỹ

Mẹ tôi kể, hồi mẹ mới sinh, dì thoát ly đi theo giải phóng. Ông ngoại là sĩ quan Sài Gòn, nghe con gái theo quân giải phóng, ông buông lời thề, gặp dì ở đâu, bắn nát sọ ở đó. Bà ngoại khóc hết nước mắt, lặng lẽ, giấu ông ngoại đi về Gò Công giỗ cố. Thật ra, đó là nỗ lực cuối cùng của ngoại, cố tìm lại đứa con, để nhìn nó. Chỉ nhìn thôi, không nói. Vì khi mấy ông em ruột của ngoại, là dân giải phóng, chèo xuồng cho ngoại vào căn cứ gặp dì, ngoại khóc suốt cả đường đi.

Như gửi những giọt nước mắt bưng biền kênh rạch, vào đất đai trầm thủy, để con mình lần theo đó mà nhớ từng bờ ao, ngọn cỏ quê mình. Vào căn cứ gặp dì, hai mẹ con ôm nhau khóc, không nói được một lời. Đến lúc ra về, ngoại để lại cho dì đôi bông mù u như của hồi môn. Và mấy chai dầu gió để phòng khi đau yếu. Bịn rịn, ngoại về!

Dì ở cùng đơn vị với Năm, Năm là Trung đội trưởng của dì. Sau ngày ngoại vào thăm, Năm giới thiệu dì vào Đảng. Trong đơn vị lúc này có người dị nghị, không đồng ý để dì đứng vào hàng ngũ của Đảng vì “Diệu là con của sĩ quan Sài Gòn!”. Nhưng đơn vị xem xét, thấy hợp lý, nên kết nạp. Từ ngày vào Đảng, dì và Năm sát cánh bên nhau, băng rừng, vượt núi, hụt chết dưới tầm pháo giặc mấy lần.

Trong chiến tranh, không ai đoán trước số mạng của mình, cái chết như kề bên, như bạn, như thù, thân quen từng giọng cười, tiếng nói. Vậy nên cái chết trở nên bình thường. Vượt qua đạn bom, mạng sống được đem ra phơi trước mặt, đối diện sống và chết. Vượt qua nó, người ta quý nhau, yêu nhau thật hơn, bằng cả trái tim và nước mắt.

Năm không phải người dì yêu và dì cũng không phải người Năm yêu. Điều đó được đơn vị chứng minh bằng một buổi tiệc cưới nho nhỏ tại căn cứ. Đơn vị đứng ra làm đám cưới cho Năm với người yêu của Năm, dì với người yêu của dì.

Vừa tan tiệc cưới, bom đạn vô tình đánh xuống miệng hầm trú ẩn, tạo thành một cái hố to, như có bàn tay ác quỷ vừa nhận xuống đất, để lại lòng đất cái dấu tay hung bạo, lở loét, đau thương. Nhưng cái dấu hung bạo ấy, phá vào tim dì một vết thương to bằng bầu trời thăm thẳm.

Chồng dì mở nắp hầm ra lấy xấp hồ sơ bỏ quên, bị đạn xuyên tim, ngã vào lòng đất mẹ. Từ ngày đó, Năm hay tới lui, chăm sóc cho dì. Vợ Năm cũng vậy. Rồi miền Nam giải phóng. Đất nước bước vào giai đoạn khó khăn, dì và vợ chồng Năm chung tay cùng bà con trong xã vá lại vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Lúc này, người ta lại thầm thì với nhau về “mối tình tay ba” của dì, Năm và vợ Năm.

Mặc kệ thiên hạ, họ vẫn bình tâm, sống và sống tốt. Nhưng cái “phụ nữ” trong vợ Năm trỗi dậy. Bà thủ sẵn dao phay, lưỡi lam, axít đến nhà dì, nấp bên ngoài nhìn vào căn nhà lá ấy. Bà lại không có cái cớ gì để đổ cơn ghen lên dì. Bà thấy lòng mình như rộng hơn. Rồi bà lặng lẽ ra về. Chắc khó khăn lắm mới nói lên được những điều kỳ lạ với luật đời mà trái tim kêu bà nói:

- Ông à, hay là, ông cho cô Diệu một... đứa con. Dù sao, cổ cũng cần có một đứa con để khi tuổi già có người phụng dưỡng.

Năm nhìn vợ, không nói, nhưng lắc đầu, thở dài. Tiếng thở dài của Năm chất chứa biết bao điều, mà đớn đau nhiều hơn là hạnh phúc. Hơi thở như muốn bốc cháy, như muốn bay lên thật cao chứ không hề rơi xuống mặt đất quê hương nhiều vết thương bom đạn.

Từ đó, Năm dạy mấy đứa con, phải coi dì như mẹ ruột của mình. Dì săn sóc, ẵm bồng từng đứa khi tụi nó còn đỏ hỏn. Rồi khi lớn lên, một tay dì kiếm nơi, kiếm chỗ, dắt vợ Năm đi coi mắt, gả cưới đàng hoàng cho từng đứa. Dì lại tiếp tục cùng vợ chồng Năm chăm sóc mấy đứa cháu như chăm sóc máu mủ của mình... Người đời nhìn thấy mà lắc đầu: “Kiếm được ba người như mấy ổng bả, cũng đâu phải dễ!”. Nghe đến câu nói đó của thiên hạ, đám em của dì sôi máu. Tụi nó đua nhau ghét bỏ, chửi rủa dì và vợ chồng Năm. Thằng em út, đứa mà dì nuôi từ hồi bà ngoại mất nỡ dầm nát trái tim dì bằng những câu độc địa:
- Bà tối ngày lo cho thiên hạ. Bà làm thiên hạ cười trên đầu tui, bà mới hả dạ hả?

Mấy lần Năm ra nhà, đem con cá lóc, nấu cháu cho dì ăn, nói “của bả gửi tặng bà”. Mấy cậu tức: “Nghe ổng nói, thấy chua tới bản họng, muốn dộng liền!”. Nhưng trái tim tôi cảm nhận, thấy lời Năm nói ngọt làm sao, ngọt như vị cháo cá lóc đồng Năm nấu, có thêm vị gừng, giải cảm thiệt hay. Ghét Năm, không biết làm gì, cậu giấu cây nạng gỗ của Năm. Năm không có cái chân phụ đi, Năm lê chân đi cà nhắc một cách khó khăn về nhà. Nhưng Năm vẫn đi, không hề than vãn. Chiến tranh cướp mạng sống con người như cơn thác dữ vỡ bờ, Năm còn không sợ, còn vượt qua. Vậy thì chút ít đùa cợt vô tâm của cậu, có làm Năm hết thương, hết tình, hết nghĩa được hay không?

Nhìn theo dấu lết của Năm trên con đường đất nóng đổ lửa, tôi thấy trái tim mình đạp thật mạnh, như bàn chân của đứa trẻ, không chịu, đạp vào lồng ngực thình thình. Nhưng Năm lại khác. Năm không nói gì cả, Năm chỉ im lặng. Cũng vì Năm im lặng, nên thiên hạ mặc sức mà vẽ rồng, thêu phụng. Nhưng trái tim cũng vậy, có bao giờ trái tim lên tiếng đâu. Nhưng trái tim lại là thứ thành thật nhất!

Tôi nghĩ, dì cũng cần có một chỗ dựa, cần có một tình yêu, cần có một người yêu, cần có một đứa con như bao người khác. Người ta, và có cả tôi đôi lần nghĩ, dì với Năm là vợ chồng chắp nối. Nhưng cái ý nghĩ đó là điều ác ôn nhất tôi từng đối xử với dì và với Năm. Ở tuổi tôi, thì chưa thể biết tình yêu bao la đến cỡ nào...

Năm kêu xe chở dì lên bệnh viện, cả nhà bắt đầu rục rịch. Định đứng ra cản, nhưng cản rồi, lỡ dì đổ bệnh, ai nuôi? Họ im lặng, để Năm chở dì đi. Tôi xách xe máy chạy theo. Trên đường chợt nghĩ, xin số kiếp hóa sao, cho dì, Năm, vợ Năm đến tuổi cưỡi hạc quy tiên cùng ngày, cùng tháng, cùng năm; cùng nắm tay đi gặp mấy đồng chí, đồng đội. Cho họ ở có nhau, đi có nhau, cho trọn tình, trọn nghĩa, cho lòng mạnh mẽ vượt qua sóng bão cuộc đời.../.

Lê Quang Trạng 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích