Tiếng Việt | English

18/07/2016 - 09:47

Gặp người về từ nơi nắng gió Trường Sa

B. - bạn thân của vợ tôi, mời vợ chồng tôi về quê Long Định (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chơi. Đến nơi, bất ngờ B. nói mời anh chị đến ăn đám giỗ bà nội em ở nhà cô Út em trước đã. B. cho biết, con trai thứ ba của cô Út là Nguyễn Dũng - Thiếu tá, Bác sĩ Trưởng bệnh xá Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa mới về, thế nào cũng có mặt trong đám giỗ.

Tôi được giới thiệu và ngồi cùng bàn với vợ và mẹ Dũng. Bà mẹ tỏ ra tự hào về con trai mình: “Nó học giỏi, đậu tú tài, đi bộ đội quân y rồi học bác sĩ”. Vợ Dũng còn trẻ, hiền, nói: "Vợ chồng em cưới nhau xong là anh Dũng đi Hà Nội học ngành Y 6 năm rồi về Bệnh xá Sư đoàn 5". Sau đó, Dũng ra Hà Nội học tiếp 2 năm chuyên khoa I chấn thương chỉnh hình. Học xong, về nhà có một bữa là lên đơn vị, rồi đi Trường Sa suốt 2 năm.

Tôi hỏi, chú ấy có hay về phép không? Vợ Dũng nói không, vì biển, đảo quá xa, đi lại khó khăn. Em nghĩ, thôi, mình là vợ lính, ở nhà nuôi dạy con cho tốt để chồng an tâm công tác ở xa. Anh Dũng về, em nhìn không ra. Hồi ở nhà, ảnh nặng hơn 80kg, giờ về sụt cân mất 20kg, da cháy nắng đen sạm.

Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Dũng bên cột mốc đảo Trường Sa Đông (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Dũng kéo tôi ra ngồi ở bộ bàn đá đặt trước hiên nhà lộng gió để trò chuyện. Anh vừa tròn 45 tuổi đời và 25 tuổi quân. Tháng 4/2014, anh được điều chuyển đi làm nhiệm vụ Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chiếc tàu Hải quân đưa anh vượt ngàn trùng biển xanh chao chát. Nắng chói lòa mặt biển như thủy tinh mà rạo rực, nôn nao như mây khói. Tháng tư, biển Đông ít gió, chỉ có nắng và nắng. Con tàu lừng lững lướt trên mặt biển một màu xanh sẫm; những bàn tay ngư dân của mình vẫy chào rối rít khiến lòng anh dậy lên một niềm yêu thương khó tả. Theo nhiệm vụ, tàu phải ghé từng điểm đảo do ta quản lý để xuống hàng tiếp liệu quân nhu. Phải mất một tháng, tàu mới chạy giáp vòng 22 đảo do ta nắm giữ chủ quyền.

Tháng năm, anh đặt chân lên đảo Trường Sa Đông trong nắng gió rát mặt để bắt đầu cuộc sống dài ngày ở đây. Như bao nhiêu người khác, mỗi ngày, anh được phân phối 5 lít nước để sinh hoạt nên dùng hết sức dè sẻn. Điện thì có 3 nguồn cung cấp: Máy phát, điện gió, điện mặt trời nên xài cũng thoải mái. Chỉ có nước ngọt là khan hiếm, dù trên đảo có máy lọc nước biển ra nước ngọt nhưng còn giới hạn. Đảo chỉ thừa nắng gió. Nắng nám da. Gió thổi ràn rạt, người vẫn nóng hầm hập.

Anh nhớ từng đảo mà mình vừa đi qua trong cuộc hải trình. Chỉ có đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa Lớn là có nước ngọt quanh năm nên có nhiều bóng cây xanh, vườn rau, gia súc; có trường học, chùa Phật, nhà dân,... đời sống gần như ở đất liền. Những ngày ở đảo Trường Sa Đông, anh cảm nhận nước ngọt quý giá vô cùng.

“Tuy nhiên, mỗi khi bà con ngư dân lên đảo xin nước ngọt là chúng tôi cho ngay, có khi mình nhường đến giọt nước cuối cùng. Chẳng thà mình thiếu chứ không để ngư dân bám biển thiếu nước ngọt. Cả dầu chạy máy hay thuốc chữa bệnh thông thường,... cũng vậy. Ở đây, chúng tôi cấp cứu rất nhiều ca bệnh đột xuất mà ngư dân mắc phải. Ngư dân bám biển xa bờ rất an tâm khi trông vào bệnh xá trên đảo” - anh chia sẻ.

Anh kể tiếp: “Tối hôm đó, có ca cấp cứu. Bệnh nhân là một ngư dân trẻ. Cậu ấy đang kéo tời đưa cá từ biển lên tàu thì bị đứt dây, móc tời rơi làm đứt gần lìa nửa bàn chân. Khi mọi người đưa được cậu lên bệnh xá của đảo, cậu bị mất máu trong tình trạng rất nguy kịch. Tôi tức tốc khám, truyền máu; thấy ở nửa bàn chân bị đứt gần lìa hẳn, các mạch máu còn tươi nên tiến hành phẫu thuật ngay.

Ca phẫu thuật phức tạp ấy, ê-kíp mổ mất gần trọn đêm mới hoàn thành. Bàn chân từ chỗ tím tái từ từ đỏ hồng và các ngón chân từ từ cử động được. Tôi thở phào, hạnh phúc vô cùng vì thấy mình áp dụng kỹ thuật chấn thương chỉnh hình rất hiệu quả. May mắn là, trong cơn nguy kịch, cậu ấy được thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu đưa tới bệnh xá trên đảo kịp thời, cho thấy họ rất đoàn kết, bảo vệ nhau.

Ngư dân mình nói, ra khơi bám biển, nhìn bệnh xá quân y trên đảo là thấy an tâm. Mùa hè tràn ngập nắng gió trôi qua, rồi mùa thu đến, vừa có mưa, trên đảo dậy tiếng reo hò mừng rỡ của mọi người: “Có mưa rồi! Có mưa là có tất cả!”. Có mưa, mọi người ùa ra hứng lấy nước trời. Có nước là có sinh hoạt thoải mái và trồng trọt, chăn nuôi; bữa ăn của lính đảo có thêm chất xanh.

Chuyện kể, có vị tướng lĩnh nọ nhiều lần ra đảo đều mang theo các bọc hạt giống rau quả để trao cho chiến sĩ trên từng hòn đảo sau khi ân cần thăm hỏi. Tấm lòng của vị tướng thương lính thiết thực là thế.

Rồi cuối thu sang đông, lần đầu tiên anh biết thế nào là bão biển. Sóng dựng hàng hàng, lớp lớp trên biển và ùn ùn phủ lên đảo. Nhà cửa ở đây rất kiên cố nên sóng không thể xô đổ. Mọi người cứ đóng kỹ cửa nẻo và ở trong nhà, mặc gió vụt vù quăng quật từng gốc cây bàng vuông hay cây phong ba hiếm hoi trên đảo. Từng lượn sóng ngất ngưởng lao ầm ầm qua nóc nhà. Tiếng sóng gió thét gào ghê rợn rồi cũng qua đi...

Tôi hỏi anh, về lần này rồi có tiếp tục ra Trường Sa nữa không? Bác sĩ Dũng nói, tùy đơn vị luân chuyển, có giao nhiệm vụ là đi. Gian khổ, hiểm nguy mấy cũng đi, vì đó là sứ mệnh của người lính đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết