Sau khi Chính phủ đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới” từ ngày 15/3, Việt Nam đã đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên sau gần 2 năm tạm “đóng băng” vì dịch Covid-19. Các đoàn khách này chọn Hội An, Phú Quốc,... làm điểm đến.
Theo Công văn số 829/PA-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới”, hành khách là công dân 13 quốc gia: Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh.
Hành khách là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định (bao gồm thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được phép nhập cảnh Việt Nam. Các hành khách này không cần làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, giấy cấp thị thực/giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương.
Khách chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Với khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh giống đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn. Trường hợp chuyến đi kéo dài thì xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu. Khi nhập cảnh, tất cả hành khách phải khai báo y tế tại tokhaiyte.vn trước khi khởi hành và cài đặt ứng dụng PC-Covid.
Mở cửa du lịch, đón khách quốc tế mở ra cho ngành Du lịch Việt Nam cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng. Mặc dù có nhiều lợi thế về du lịch, lại là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên du lịch Việt Nam hứa hẹn khởi sắc sau khi mở cửa đón khách quốc tế, tuy nhiên sau đại dịch, nhiều người thay đổi cách nghĩ và thường chọn du lịch trong nước. Điều này là một trong những cản trở lớn đối với việc thu hút du khách nước ngoài.
Việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài phải có lộ trình, giữ chân lượng khách cũ, tăng cường quảng bá và có chính sách thu hút để mở rộng lượng khách mới. Sau thời gian thí điểm đón khách quốc tế không thành công khi từ tháng 11/2021 đến nay, số lượng khách nước ngoài đi du lịch tại Việt Nam chưa đến 10.000 người, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có phương án đón khách quốc tế theo hướng “mở” hơn. Những chính sách này tạo điều kiện để Việt Nam đạt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Bên cạnh đó, tháng 5/2022, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần thu hút khách du lịch.
Khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế, tại tỉnh Bạc Liêu cũng đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị ký kết lần này cũng tạo cơ hội lớn cho Long An trong phát triển du lịch. Long An có lợi thế là “cửa ngõ” của các tỉnh miền Tây, kết nối với miền Đông; nổi tiếng với 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; có hệ sinh thái rất đa dạng, phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái.
Du lịch Long An không chỉ được biết đến với Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận, Làng nổi Tân Lập mang những nét đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười mà còn là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, như Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (huyện Đức Huệ), Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - kháng chiến Nam bộ (huyện Tân Thạnh), Khu tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc (TP.Tân An),... Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long mở ra cho Long An cơ hội phát triển du lịch liên kết vùng, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Mở cửa du lịch nhưng tính an toàn trong phòng, chống dịch bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu để Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”./.
Tâm Yên