Tiếng Việt | English

23/03/2016 - 16:38

Năm 2016: Long An trồng 1.500.000 cây phân tán

Đề án trồng cây phân tán giai đoạn 2015-2020 đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An triển khai tích cực. Năm 2016, huyện Tân Thạnh được chọn thực hiện đề án này nhằm triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu trồng hơn 1.500.000 cây phân tán các loại.

Cán bộ Kiểm lâm kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng và trồng cây phân tán.

Năm 2015, toàn tỉnh trồng được 3.500.000 cây phân tán các loại, đạt 100% chỉ tiêu theo kế hoạch. Trong đó, Sở NN&PTNT phối hợp Ban Quản lý Dự án rừng và Đồng bằng Việt Nam tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước, với số lượng 400 cây sao, dầu.

Ngành NN&PTNT còn vận động 8 huyện khác tự tổ chức tết trồng cây với số lượng 5.822 cây các loại; cung ứng 10.000 cây sao, dầu cho 18 xã nông thôn mới và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để trồng trên các diện tích đất trống.

Việc trồng cây phân tán được thực hiện đúng thời điểm, chất lượng cây giống bảo đảm nên tỷ lệ cây sống và phát triển đạt trên 95%. Đây là bước đi ban đầu của dự án trồng 6,5 triệu cây phân tán các loại vào năm 2020.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - Lê Hữu Lợi, năm 2016, chi cục tiếp tục triển khai chương trình trồng cây phân tán theo ủy quyền của Sở NN&PTNT. Mục tiêu của chương trình nhằm duy trì và phát triển phong trào nhân dân trồng cây mà Bác Hồ đã khởi xướng; vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng, bảo vệ đất đai, phòng hộ sản xuất; bảo vệ môi trường sinh thái, chống xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Song song với việc chuẩn bị nguồn vốn và giao chỉ tiêu cho từng địa phương, các ngành, các cấp trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, học sinh và các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS.HCM - lực lượng nòng cốt đi đầu, khơi dậy phong trào trồng cây nhớ Bác.

Đồng thời, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giúp mọi người hiểu và thấy rõ trồng cây gây rừng góp phần không nhỏ vào việc chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo đó, cây trồng phân tán áp dụng cho diện tích từ 0,5ha trở xuống tại các vị trí như: Các tuyến kênh, mương, đường giao thông, cụm, tuyến dân cư, khu cụm công nghiệp, cơ quan, trường học, trạm y tế,... với các loài cây như cừ tràm, bạch đàn, sao, dầu, phượng, bằng lăng,... Khi trồng nên sử dụng cây giống bảo đảm chất lượng từ các vườn ươm được công nhận của ngành NN&PTNT và trồng vào mùa mưa để cây đạt tỷ lệ sống cao.

Trồng cây xanh vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu (Ảnh chụp tại công viên TP.Tân An).

Theo Chi cục Kiểm lâm, nguồn vốn trồng cây phân tán năm 2016 dự kiến khoảng gần 5 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các xã vừa đạt nông thôn mới khoảng 500 triệu đồng. Vốn ngân sách cấp huyện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán để trồng trên đất công khoảng 900 triệu đồng.

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, khu - cụm công nghiệp, cơ quan, trường học tự trồng cây phân tán trên diện tích đất do mình quản lý và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vườn ươm. Tổng nguồn vốn huy động xã hội hóa trồng cây xanh phân tán dự kiến khoảng 3,5 tỉ đồng.

Hiện nay, do người dân phá rừng để nuôi tôm nên diện tích rừng phòng hộ ven sông Soài Rạp thuộc các xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc) và Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (huyện Cần Đước) chỉ còn khoảng 17ha. Vì vậy, các ngành, các cấp cần vận động người dân trồng cây chắn sóng, giảm thiểu nguy cơ mặn xâm nhập và xâm thực sâu vào đất liền.

Chỉ tiêu trồng cây phân tán năm 2016: Tân Thạnh 124.000 cây, Mộc Hóa 140.000 cây, Tân Hưng 420.000 cây, Đức Huệ 165.000 cây, Đức Hòa 60.000 cây, Cần Giuộc 30.000 cây, Châu Thành 1.000 cây, Thủ Thừa 100.000 cây, Cần Đước 25.000 cây, Tân Trụ 15.000 cây, Thạnh Hóa 150.000 cây, Vĩnh Hưng 130.000 cây, Bến Lức 45.000 cây, thị xã Kiến Tường 90.000 cây và TP.Tân An 5.000 cây.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết