Tiếng Việt | English

23/03/2021 - 09:41

Nâng tầm đô thị

Đô thị trên địa bàn tỉnh Long An không ngừng được đầu tư, mang diện mạo khang trang, góp phần phục vụ sự phát triển KT-XH địa phương.

Nâng chất lượng cuộc sống

Chương trình phát triển đô thị đã và đang mang đến những hiệu quả, tín hiệu tích cực cho địa phương. Mỗi năm, tỉnh đều bố trí vốn, huy động các nguồn lực xã hội để cải thiện, chỉnh trang đô thị theo kế hoạch chung. Từ đó, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp hơn, thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH địa phương.

Đức Hòa là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh về phát triển công nghiệp. Huyện phát triển mạnh mẽ, vươn lên là một trong những địa phương phát triển thuộc tốp đầu của tỉnh. KT-XH phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Diện mạo đô thị trên địa bàn đổi thay tích cực.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, thị trấn bây giờ khác xưa nhiều lắm! Diện mạo, cảnh quan tươi mới, đô thị phát triển rõ rệt. Mảng xanh cũng được huyện chú trọng, tạo không gian thoáng mát. Địa phương quan tâm, chú trọng đầu tư công viên, chỗ vui chơi, giải trí để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đức Hòa hướng đến xây dựng đô thị loại III

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh cho biết: Hàng năm, huyện đều dành kinh phí và huy động nguồn lực xã hội để nâng cấp đô thị trên địa bàn huyện. Diện mạo xã hội địa phương không ngừng được cải thiện trong thời gian qua. Giai đoạn tới, huyện hướng đến mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại III, vươn tầm lên thị xã. Hiện nay, huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh thực hiện công tác quy hoạch, chỉnh trang và chuẩn bị đầy đủ các bước theo lộ trình để nâng tầm đô thị theo kế hoạch.

Diện mạo đô thị thị xã Kiến Tường cũng không ngừng được đổi mới trong thời gian qua, nhất là sau khi được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV (2007) và thị xã được thành lập vào năm 2013. Hàng năm, Kiến Tường đều thực hiện các kế hoạch chỉnh trang đô thị, củng cố các chỉ tiêu, tiêu chí, hướng đến thị xã đạt chuẩn đô thị loại III.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, ngụ phường 2, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: Người dân chúng tôi ai nấy đều phấn khởi vì thị xã ngày một đổi mới, diện mạo khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm. Nhiều công trình phúc lợi xã hội được địa phương đầu tư, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, chất lượng cuộc sống không ngừng cải thiện, phát triển.

Diện mạo đô thị thị xã Kiến Tường có nhiều khởi sắc

Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, thị xã tập trung quyết liệt các chương trình, giải pháp nâng chất đô thị theo kế hoạch chung của tỉnh. Bên cạnh đó, thị xã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, công trình trên địa bàn vừa chỉnh trang diện mạo đô thị, vừa phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với lộ trình đề ra. Để củng cố, nâng chất đô thị, từ năm 2015 đến nay, thị xã đã thực hiện hơn 1.000 danh mục công trình với số vốn khoảng 800 tỉ đồng.

Hướng đến đô thị thông minh

Diện mạo thay đổi toàn diện, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố được nâng lên rõ rệt, nhất là từ khi TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2019. Trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh nhà từng bước hoàn thiện, củng cố các tiêu chí đô thị loại II và hướng đến đạt chuẩn đô thị loại I.

TP.Tân An được chọn thí điểm đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh

Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Quang Thái, cảnh quan, diện mạo thành phố ngày càng được cải thiện, thay đổi tích cực. Cuộc sống của người dân trên địa bàn ổn định, phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao. Tân An đạt chuẩn đô thị loại II mở ra nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý. Định hướng chung của TP.Tân An tiếp tục hoàn thiện và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đô thị loại II, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. Lãnh đạo thành phố phối hợp các sở, ngành thực hiện phát triển đô thị thông minh theo chủ trương, định hướng của tỉnh và tổ chức huy động tối đa các nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu xây dựng, phát triển đô thị, đô thị thông minh, nhất là việc phấn đấu sau năm 2025, TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại I.

“Chương trình phát triển đô thị trên địa bàn được lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Diện mạo đô thị địa phương có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Long An đang tập trung triển khai, thực hiện chương trình phát triển đô thị định hướng đến năm 2030. Việc triển khai chương trình tạo động lực mới, từng bước định hướng để từng địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng tầm các đô thị hiện có và hình thành phát triển các đô thị” - Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng thông tin.

Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đô thị thông minh hướng tới chính phủ số, chính phủ điện tử, nền kinh tế số và xã hội số. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển đô thị thông minh, chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và giai đoạn hội nhập ngày càng sâu, UBND tỉnh triển khai học tập, quán triệt những quyết sách quan trọng, ban hành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đạt kết quả bước đầu.

Bên cạnh đó, với vị trí là cửa ngõ nối liền giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Đông Nam bộ, phía Đông giáp trung tâm đô thị lớn của cả nước là TP.HCM, Long An có nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới, đang có những bước đột phá để trở thành địa phương có vị thế tương xứng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Yêu cầu phát triển của Long An trong hiện tại và tương lai đặt ra tính cấp thiết phải xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử nhằm thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH nhanh và bền vững. TP.Tân An được chọn thí điểm mô hình đô thị thông minh trên địa bàn và tỉnh sẽ triển khai Dự án thực hiện mô hình điểm triển khai dịch vụ đô thị thông minh tại TP.Tân An trong Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025.

Mặt khác, Sở sẽ tập trung phối hợp các sở, ban, ngành triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình phát triển ĐT tỉnh theo kế hoạch. Sở tăng cường quản lý chất lượng của đô thị, lập lại trật tự trong quản lý đất đai, quản lý đô thị. Sở phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện tốt các quy hoạch, các quy hoạch đô thị, bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái, hướng đến đô thị thông minh. Các quy hoạch không gian đô thị phải bảo đảm hài hòa hiệu quả kinh tế sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng./.

Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố); 18 đô thị: 1 đô thị loại II là TP.Tân An, 6 đô thị loại IV ( thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa), 11 đô thị loại V (thị trấn Tân Hưng, thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Trụ, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Đông Thành, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Bình Phong Thạnh, đô thị Rạch Kiến).

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết