Tiếng Việt | English

28/01/2021 - 10:17

'New Zealand, Việt Nam là 2 nước xử lý COVID-19 tốt nhất thế giới'

Các nhà nghiên cứu xác nhận New Zealand là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng 100 quốc gia có thành tích chống dịch COVID-19 tốt nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ hai là Việt Nam.

Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. (Nguồn: TTXVN)

Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. (Nguồn: TTXVN)

Một báo cáo công bố ngày 27/1 của Viện Lowy Australia xếp hạng New Zealand và Việt Nam là hai quốc gia xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu của Viện Lowy đã thu thập dữ liệu từ hàng loạt các quốc gia khác nhau trên thế giới để tạo ra tương tác mới, đánh giá một cách chính xác nhất phản ứng của các nước đối với dịch bệnh.

Dữ liệu thu thập tính trên 100 quốc gia, bao gồm số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở mỗi nước, tỷ lệ tử vong và số xét nghiệm được xác nhận.

Qua đánh giá, các nhà nghiên cứu xác nhận New Zealand là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng 100 quốc gia có thành tích chống dịch COVID-19 tốt nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ hai là Việt Nam và tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Ngược lại, tại một số các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia có dân số lớn như Indonesia và Ấn Độ… thành tích chống dịch bệnh là tương đối thấp.

Mỹ đứng ở vị trí thứ 94 - gần cuối bảng xếp hạng, trong khi Indonesia và Ấn Độ lần lượt đứng ở vị trí thứ 85 và 86.

Trung Quốc, quốc gia có ca khởi phát dịch bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới, không được đưa vào bản phân tích của Viện Lowy với lý do thiếu dữ liệu xét nghiệm công khai.

Nhà nghiên cứu Herve Lemahieu của Viện Lowy cho biết đánh giá tương tác của báo cáo cho thấy các nước nhỏ thường có phản ứng đối với dịch bệnh COVID-19 hiệu quả hơn so với các nước lớn. Minh chứng là một số quốc gia như Cyprus, Rwanda, Iceland và Latvia đều lọt vào tốp 10 quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng.

Ông Lemahieu cho biết các nước đứng đầu danh sách có các chế độ quản trị khác nhau, nhưng tất cả người dân đều được hưởng lợi ích từ hệ thống thể chế hiệu quả.

Điều đó cho thấy các quốc gia này có sự gắn kết xã hội và hệ thống thể chế năng lực cao, giúp cho các chính và chương trình hành động được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả hơn so với hầu hết phần còn lại của thế giới.

Ngoài ra, ông Lemahieu cũng chỉ ra một phát hiện đáng chú ý của nghiên cứu này là dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy một "sân chơi" bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển, vì các biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus SAR-CoV-2 hầu hết có công nghệ khá thấp.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu của Viện Lowy dự báo tổng sắp của bảng xếp hạng sẽ sớm bị thay đổi, sau khi vắcxin phòng bệnh COVID-19 được phân phối.

Ông nhận định các nước nghèo hơn sẽ sớm mất vị thế do khả năng có được vắcxin phòng bệnh COVID-19 chậm hơn đáng kể so với các nước phát triển./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết