Nhận thức của người dân được nâng lên…
Tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, 3 con sông lớn (sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và Rạch Cát) tạo điều kiện thuận lợi cho nghề khai thác và nuôi, trồng thủy sản. Bên cạnh đó, mùa lũ hàng năm ở vùng Đồng Tháp Mười cũng mang về nhiều nguồn lợi thủy sản.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản được chú trọng và thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hình thức tuyên truyền được các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt, với nhiều hình thức phong phú: Tập huấn, dán panô, áp phích, cấp phát tờ bướm, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, vận động người dân ký cam kết,…
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng, từ đầu năm 2021 đến nay, BCĐ huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức được 13 cuộc tuyên truyền với gần 200 lượt người dự; phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện thực hiện 14 lượt phát thanh, cấp phát 30 tờ bướm, cho 56 người dân cam kết không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
Qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu tác hại của việc dùng xung điện để khai thác thủy sản không chỉ nguy hiểm đến tính mạng con người mà còn làm ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng sinh thái. Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Mấy năm trước, vào mùa lũ, tôi thường sử dụng xung điện để bắt cá nhằm cải thiện bữa ăn. Nhờ địa phương tuyên truyền về tác hại của việc dùng xung điện để bắt cá, tôi từ bỏ và cam kết không tái phạm”.
Theo số liệu của BCĐ Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, các ngành, địa phương tổ chức được 19 cuộc tập huấn, 1.695 cuộc tuyên truyền, có 24.647 lượt người dân dự, dán 41 panô, áp phích, cấp phát 2.760 tờ bướm, thực hiện 1.765 lượt phát thanh, thành lập 318 tổ tự quản, vận động 2.783 người dân cam kết không vi phạm, từ bỏ đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc.
… Nhưng khai thác thủy sản bằng xung điện vẫn còn
Hàng năm, lực lượng chức năng đều có kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra trên một số tuyến sông, kênh, rạch, nhất là vào mùa lũ ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Vẫn còn tình trạng dùng xung điện đánh bắt thủy sản
Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng BCĐ Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết: Việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản còn xảy ra trên các kênh nội đồng nhưng chỉ nhỏ, lẻ, mang tính thời vụ, thường vào ban đêm, mùa lũ rút. Các đối tượng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản thường dùng phương tiện có trang bị động cơ công suất lớn, sẵn sàng bỏ trốn và chống trả lực lượng làm nhiệm vụ nên gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Từ đầu năm 2021 đến nay, BCĐ huyện phối hợp các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức được 20 lượt kiểm tra, qua đó, phát hiện, xử lý 11 trường hợp vi phạm, tịch thu 9 bình ắc-quy, 9 bộ kích điện, xử lý vi phạm hành chính 12 triệu đồng.
Theo thống kê của BCĐ Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng và các địa phương tổ chức kiểm tra, phát hiện 336 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 44 trường hợp với số tiền hơn 210 triệu đồng; tịch thu 213 bình ắc-quy, 337 bộ kích điện, 30 công cụ vi phạm.
Theo đánh giá của BCĐ Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản tỉnh, mặc dù công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được các cấp, các ngành quan tâm nhưng ở một số nơi, sự phối hợp trong triển khai, thực hiện việc chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản chưa được thường xuyên, chưa có kế hoạch phối hợp kiểm tra, quản lý đồng bộ, nhất là khu vực giáp ranh giữa các xã với xã, huyện với huyện nên các đối tượng lợi dụng để né tránh kiểm tra, vi phạm trong khai thác thủy sản.
Phần lớn các đối tượng vi phạm là hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, không ruộng đất canh tác nên dễ dẫn đến tái phạm. Việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, một số trường hợp không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vì không có tài sản, nhà cửa.
Kiên quyết xử lý
Huyện Tân Hưng có nhiều tuyến kênh lớn đi qua, hàng năm, nước lũ về mang theo nguồn lợi thủy sản lớn nên việc khai thác thủy sản vào mùa lũ trở thành công việc mưu sinh của nhiều người dân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số người sử dụng phương tiện có gắn dàn cào, ủi dùng xung điện để khai thác thủy sản trái phép. Bên cạnh đó, địa phương còn tình trạng bán kênh, rạch để cho người dân khai thác thủy sản một cách tự do, không kiểm soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tài nguyên thủy sản bị cạn kiệt.
Xung điện dùng để đánh bắt thủy sản
“Thời gian tới, Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức hơn về tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Huyện trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến kênh, rạch nhằm phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi dùng xung điện khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn để xử lý theo đúng quy định của pháp luật” - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng BCĐ Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng BCĐ Chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh, BCĐ tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân. Qua đó, người dân biết được tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là nguy hiểm đến tính mạng con người, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Ngành tăng cường và duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tạo sự răn đe, từng bước ngăn chặn và tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, quan tâm công tác tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, kết hợp tốt giữa bảo vệ và khai thác thủy sản hợp lý, có chọn lọc để bảo đảm đời sống ổn định cho ngư dân./.
Văn Đát