Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 04:54

Nghệ sĩ Ánh Hoa: 70 chưa gọi là lành!

Nghệ sĩ Ánh Hoa vẫn thường nói về cuộc đời của mình bằng nguyên lý sống: “Hãy sống chậm lại. Nghĩ khác đi ... để chút tình người còn lại sưởi ấm tâm hồn nhiều người khác”.

 NS Ánh Hoa bên bàn thờ Tổ

Phóng viên: Có phải những lo toan, chộn rộn của cuộc sống hối hả bon chen, cộng với những thăng trầm, vất vả của nhiều mảnh đời còn lắm gian truân nghèo khó đã cho bà chất liệu để thể hiện những vai bà mẹ đầy xúc động?

- NS Ánh Hoa: Tính tôi hay quan sát. Lúc còn bán cơm tấm bên chân cầu chữ Y khi sàn diễn cải lương hiu quạnh, tôi thấy mỗi ngày hàng trăm người qua lại, mỗi người đều được sinh ra dưới cùng một bầu trời, và sẽ nằm xuống dưới cùng một mặt đất. Nhưng tôi tự hỏi sao cuộc sống họ được trao tặng lại khác biệt nhau nhiều? Người khổ vì tiền, vì tình, người sung sướng trong nhung lụa…Nhưng đã là con người thì cái khổ luôn chực chờ. Tôi đã luôn tin vào số phận của những cuộc đời. Tôi chỉ sợ mình mất niềm tin trong cuộc sống. May thay, tôi vẫn còn chỗ để trút hết tâm sự, đó là những vai diễn. Dù trên phim, trên sân khấu hoặc chỉ minh họa qua clip video ca nhạc, tôi đều có dịp đem những chất liệu cuộc sống ra để sử dụng.

Hôm qua, giữa phố xá đông đúc, chật chội người xe, tôi vẫn đi với chú xe ôm quen thuộc, hình ảnh một đứa trẻ đen đúa, áo rách vai, tóc tai lấm lem, người gầy guộc, tay cầm xấp vé số chìa trước mặt tôi:"Bà ơi mua cho con, con đói quá bà ơi!". Giọng nói của cậu bé làm tim tôi thắt lại. Đôi mắt cậu ướt và đỏ ngầu. Tôi kêu chú xe ôm tấp vô lề mua 10 tờ vé số cho cháu. Hồi nào đến giờ tôi không thích chơi vé số, máu tôi hỏng có hạp với những đen đỏ thắng thua. Tôi chỉ có thề giúp em được như vậy thôi. Nhiều người nhìn em với đôi mắt ái ngại. Nhưng tôi thì khác, trái tim nghệ sĩ, dẫu có bị em gạt thì tôi vẫn cảm ơn cảm xúc mà em mang lại cho tôi. Nó đau điếng, nó dày vò trái tim. Lớn tuổi rồi, trải đời nhiều rồi, sợ nhất là mình bị chai lì cảm xúc. Và tôi mừng là mình còn nhiều nước mắt để có thể sống với nghề. Tôi hiểu nhiều người đã không mua vé số giúp em, đơn giản vì họ sợ lòng tốt đặt không đúng chỗ. Tội cho những cậu bé bán vé số. Chẳng biết cuộc đời này sẽ đưa các em về đâu khi càng ngày cuộc sống càng trở nên khó nhọc? Số tiền em kiếm được có thể giúp em qua cơn đói, nhưng em đói tri thức thì em sẽ đói suốt đời.


Bà luôn khấn nguyện có được sức khỏe để tiếp tục làm nghề

Phải chăng quan niệm của bà trong thể hiện những vai diễn là hãy cứ tin để sống, đặt niềm tin vào một điều tốt đẹp nào đó?

- NS Ánh Hoa: Đúng vậy. Đây chẳng phải lần đầu tôi bắt gặp những hình ảnh như thế này. Đó là chuyện hằng ngày, đầy rẫy những hình ảnh các cậu bé đánh giày, những cô bé bán bánh chuối chiên, những cậu bé níu kéo khách mua hàng rong... Nhưng tôi chẳng thể nào mỗi ngày đều mua vé số để giúp các em. Cuộc sống của mình tôi còn lo chưa xong nữa mà ... Có người còn cười tôi rằng: "ăn chưa no mà lo chuyện thiên hạ" hoặc đại loại “bà quan tâm đến những chuyện đó sẽ mệt cho tuổi già”. Tôi cũng có những đứa cháu, biết đâu nó cũng cần những bài học từ việc làm nho nhỏ của niềm tin. Vậy thì xin hãy cứ tin là như vậy vì nghệ sĩ chúng tôi cần cảm xúc để không bị chai lì. Tôi bán ngôi nhà cũ, dọn về nhà mới cũng là vì niềm tin vào sự tốt đẹp.May mắn là tôi có được những hàng xóm tốt, tiếp tục giúp tôi có được cuộc sống tử tế. Già rồi, sợ lắm những điều trái khoáy khiến mình rơi vào thế “70 chưa gọi là lành”, nên cố gắng gìn giữ.

Rất nhiều mãnh đời bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời nhanh đến chóng mặt. Có những phút giây để sống chậm như bà có làm cho bà bị lạc hậu?

- NS Ánh Hoa: Không. Trái lại tôi bắt nhịp cuộc sống rất nhanh. Có hai câu thơ: " Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được, mất, bại, thành bỗng chốc hoá hư không"...Tôi nghĩ người nghệ sĩ có dự cảm được điều này, luôn sợ đối diện với những được – mất. Tôi lăn lộn nhiều trong nghề, từ khi ông nhà tôi – Nghệ sĩ Minh Chí qua đời, người đời tặng ổng danh hiệu “Vua xàng xê”, vì ổng ca bài bản này hay lắm. Và dù đã sẵn sàng hay chưa chuẩn bị, một ngày kia, tôi cũng phải chia tay thế giới này để đoàn tụ với ổng. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả với tôi cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì tôi tạo ra đối với nghề diễn viên của mình. Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của con người nghệ sĩ trong cuộc sống? Không riêng gì tôi đâu mà tất cả những ngành nghề, con người nào cũng phải nhìn vào Được – Mất để hiểu về cuộc đời mình đã làm được gì để không mất gì? Theo tôi, điều quan trọng không phải là những thứ tôi mang theo bên mình mà là những gì tôi đã đóng góp cho sân khấu, cho điện ảnh. Hồi đó, sân khấu khép màn nhung, đời cơ cực, tôi buộc phải gánh cơm tấm ra cầu chữ Y để bán. Cứ ngỡ sẽ khó mà sống nổi, nhưng rồi cũng quen, vì mỗi ngày mấy ông xe ôm, xe ba gác, chị bán xôi ăn cơm, mà hôm nào tôi nghĩ thì họ lại trách. Vậy đó, đóng góp một chút thôi, cũng thấy mình hạnh phúc. Theo tôi, quan trọng không phải là những thứ nhận được, mà là những gì đã cho đi. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ tiền bối như: Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam…đã nói quan trọng trong nghệ thuật không phải là những thành công có được mà là ý nghĩa thật sự của thành công đó có tác động đến đời sống của công chúng.


NS Ánh Hoa và NS Cẩm Thu

Một lần xem bà diễn vở “Góc nhìn số phận”, thấy bà rất xúc động khi diễn vai người quản gia bảo tàng, vai diễn này có ý nghĩa gì đối với bà?

- NS Ánh Hoa: Vai đó nhắc tôi nhớ lời các thầy cô đã dạy, quan trọng không phải là những thứ tôi đã học được mà là những gì tôi đã truyền lại cho người khác. Bà quản gia bảo tàng trong giấc mơ thấy thầy mình về trách sao bảng vẽ hồi đó lại bôi đi hình trái tim bằng một màu xám xịt. Bà quản gia yêu thầy, yêu nghề vẽ, nhưng lại che giấu cảm xúc. Tôi cũng yêu ông xã tôi, vì xét cho cùng ổng lớn hơn tôi hơn một con giáp, là thầy tôi trong nghề. Bà quản gia đã làm theo lời thầy, truyền dạy cho học trò tất cả những kinh nghiệm vẽ tranh, ở đó là sự bộc bạch chân thành của tình yêu. Nghệ sĩ có yêu, sáng tác mới hay. Không yêu, đừng làm nghệ sĩ. Còn rất nhiều điều quan trọng để sống đúng như tâm nguyện của một người tử tế.

Theo bà có những điều cần thiết nào cần truyền lại cho con cháu là thế hệ diễn viên sau này?

- NS Ánh Hoa:Tôi tin những điều quan trọng này: Thành quả có được không còn là năng lực của mỗi nghệ sĩ mà chính là từ tính cách, là những gì nghệ sĩ cư xử với mọi người xung quanh để học hỏi, lắng nghe, sửa chữa và để thành công. Quan trọng là những khoảnh khắc mà người nghệ sĩ khắc ghi trong lòng công chúng. Đơn giản là một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã. Bây giờ các em sống vội quá. Đi quay phim với nhiều em trẻ ở lãnh vực ca nhạc, điện ảnh, thời trang, tôi nhìn thấy điều đó. Làm người nghệ sĩ tử tế khó lắm.

Bà có đặt ra cho mình nguyên tắc sống của tuổi già?

- NS Ánh Hoa: Có chứ, không ăn mỡ, ăn mặn. Mỗi sáng đi bộ 8 vòng. Muốn sức khỏe ổn định, có được sức đề kháng, bản thân phải có những nguyên tắc. Trong kinh nhật tụng, tôi có câu “Thôi kệ” để sống. Tôi rất sợ đến một lúc nào đó mọi thứ đối với tôi trở nên vô nghĩa. Danh vọng không còn cần thiết, tiền bạc không mua được cái mình cần. Theo tôi hạnh phúc chỉ đến với đời người một giai đoạn ngắn, như tôi chẳng hạn, khi ông nhà tôi mất, hạnh phúc cũng đi theo. Bây giờ tôi đếm từng suất diễn, từng buổi quay hình. Vui cười mỗi khi về đến nhà bình an như mọi ngày../


NS Ánh Hoa, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang và kép độc Thanh Phú trong chương trình Làn điệu phương Nam

Theo Thanh Hiệp/NLĐ online

Chia sẻ bài viết