Sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), Thanh Thủy không nghĩ đến việc trở thành một đạo diễn hay diễn viên mà gắn bó với công tác trợ giảng tại trường. Chị cho rằng lúc đó mình chưa đủ “can đảm” đứng trên sân khấu.
Rồi như định mệnh, Thanh Thủy rời trường để thực hiện niềm đam mê. Với bản tính nhút nhát và sống nội tâm, Thanh Thủy lo lắng mình sẽ khó gắn bó được với ánh đèn sân khấu, thế nhưng khi hóa thân vào nhân vật, chị không còn là một Thanh Thủy lặng lẽ, ít hòa đồng mà chị sống thật với từng vai diễn, thể hiện được tính cách đa dạng, phức tạp của từng thể loại nhân vật khác nhau.
Nghệ sĩ Thanh Thủy là một diễn viên hài, diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh được yêu thích ở TP.HCM Ảnh: Nguồn Internet
Cứ thế, Thanh Thủy gắn bó với sân khấu kịch đến nay đã hơn 30 năm. Không quá ồn ào, không tỏa sáng, Thanh Thủy âm thầm, lặng lẽ khẳng định khả năng diễn xuất của mình. Không chỉ khẳng định tên tuổi trên lĩnh vực kịch nói, Thanh Thủy còn lấn sân sang điện ảnh và gặt hái được nhiều thành công. Chắc hẳn khán giả sẽ không quên vai diễn người mẹ hiền lành, hết mực thương con trong phim Bỗng dưng muốn khóc, Tam nam vẫn phú, Cái bóng bên chồng,…
Trong serie phim ngắn Ngày xửa ngày xưa, Thanh Thủy lại chiếm trọn cảm tình của các khán giả nhí khi hóa thân thành nàng Két La La xinh đẹp, nhí nhảnh. Có lẽ không ngoa khi nói Thanh Thủy được trời phú cho khả năng diễn xuất rất tài tình. Bất kỳ nhân vật nào, chị cũng thể hiện được cái hồn và nội tâm nhân vật.
Vai diễn trong phim Ảnh: Nguồn Internet
Chào nghệ sĩ Thanh Thủy, chị có thể cho độc giả biết đôi điều về bản thân chị và gia đình?
Tôi sinh ra trong gia đình không có ai theo nghệ thuật và với tôi, nghệ thuật như định mệnh. Nhiều lần bén duyên rồi nhiều lần “gãy gánh” nhưng cuối cùng tôi cũng gắn bó với sân khấu kịch và nghiệp diễn. Như các bạn đã biết, tôi học về đạo diễn nhưng lại gắn bó với nghiệp diễn viên. Âu cũng là duyên số. Đến nay, hơn 30 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu, tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của đại gia đình và nhất là của chồng và 2 con gái. Hiện tại, ngoài việc tham gia các vở diễn, tôi dành thời gian còn lại cho gia đình, nhất là chăm sóc 2 cô con gái đang trong tuổi ăn, tuổi lớn.
Là nghệ sĩ kịch nói, chị nghĩ gì khi khán giả ít “mặn mà” với thể loại chính kịch?
Hiện nay, khán giả đến với sân khấu kịch chủ yếu là đến với những vở hài kịch. Có lẽ, sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, ai cũng muốn tìm đến những giây phút thư giãn thoải mái mà hài kịch làm được điều đó. Mặt khác, việc dàn dựng và tập luyện cho một vở chính kịch mất rất nhiều thời gian. Nói như vậy, không có nghĩa là đội ngũ nghệ sĩ kịch nói đang dần “đánh mất” chính kịch. Như tôi, mỗi năm, tôi vẫn nhận 1-2 vở chính kịch. Nhưng nói thật, thời buổi hiện nay, rất khó kéo khán giả đến với những vở chính kịch.
Có người nhận xét chị ngày càng sắc sảo trong từng vai diễn, chị có nghĩ cuộc đời mình bị ảnh hưởng bởi vai diễn không?
Vai diễn và con người tôi hoàn toàn khác nhau. Tôi tự nhận mình là típ người hướng nội. Tôi không quen với những nơi ồn ào, náo nhiệt và cảm thấy mình khó hòa nhập với không khí tại các sự kiện. Nhiều khi, tôi thấy mình lạc lỏng với thế giới showbiz, tôi không có nhiều bạn bè thân trong nghề. Khi hóa thân vào các nhân vật, tôi cố gắng thể hiện sao cho tròn vai, thể hiện được cá tính nhân vật và phải làm sao để khán giả không thấy nhàm chán khi xem những nhân vật có điểm tương đồng.
Chẳng hạn, vai bà mẹ trong phim Bỗng dưng muốn khóc tôi phải thể hiện tình cảm yêu thương vô điều kiện với đứa con trai nhưng phải khác với tình cảm dành cho cả 3 đứa con trai trong Tam nam vẫn phú. Cái đó, đòi hỏi người diễn viên phải không ngừng học hỏi và quan sát.
Khi thoát ra khỏi nhân vật, tôi lại trở về là một Thanh Thủy nội tâm và nhút nhát. Có lẽ, tổ nghiệp chỉ cho tôi mạnh mẽ trên sân khấu mà thôi, còn ngoài đời tôi vẫn thấy mình yếu đuối.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện và chúc chị gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên sân khấu kịch và trên phim trường.
Tường Vi