Tiếng Việt | English

18/12/2021 - 19:07

Ngoại giao kinh tế là đòn bẩy quan trọng hướng tới phục hồi toàn diện

Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) được các địa phương đặc biệt quan tâm; xác định là đòn bẩy quan trọng hướng tới phục hồi toàn diện.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Trong đó, công tác NGKT được các địa phương đặc biệt quan tâm; phản ánh việc các địa phương đều xác định NGKT là đòn bẩy quan trọng phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, hướng tới phục hồi toàn diện. NGKT cũng được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa qua là: “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước”.

Đoàn ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trong lần đầu tiên tham dự Hội nghị cũng đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất xác đáng, thiết thực trong công tác đối ngoại địa phương. Đáng chú ý là đề xuất xây dựng các “doanh nghiệp xanh”, “khu công nghiệp xanh” thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí về an toàn lao động để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao và kết quả của HNNV 20, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, trong đó địa phương là một chủ thể quan trọng. Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh và phát huy vai trò của NGKT trong đối ngoại địa phương. Hỗ trợ địa phương tích cực chủ động tham gia vào công cuộc “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thích ứng với tình hình mới, thúc đẩy phục hồi toàn diện.

Hai là, thông qua mạng lưới 94 cơ quan đại diện tại nước ngoài, tăng cường hỗ trợ các địa phương trong thu hút các nguồn lực quốc tế chất lượng cao phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Ba là, hỗ trợ tham vấn cho các địa phương về mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với sự phát triển của quốc tế và thế mạnh của từng địa phương như kinh tế “xanh”, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo....

Bốn là, đảm bảo sự toàn diện của đối ngoại địa phương thông qua đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao.

Năm là, tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ đối ngoại địa phương; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của địa phương trong triển khai công tác đối ngoại./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết