Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Mai Thanh Hải theo học ngành Tự động hóa tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Với tinh thần cầu tiến, sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại một số doanh nghiệp trong suốt 3 năm để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Thời gian công tác trong môi trường doanh nghiệp, anh có cơ hội hướng dẫn sinh viên thực tập.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ lại kinh nghiệm cho các em nhưng càng hướng dẫn lại càng cảm thấy thích thú. Từ lúc nào không hay, tôi nhận ra mình có thể gắn bó lâu dài với công việc giảng dạy” - anh Hải chia sẻ. Đó cũng là bước ngoặt khiến anh quyết định học thêm nghiệp vụ sư phạm và nộp hồ sơ thi tuyển vào Trường Cao đẳng Long An.

Thầy Mai Thanh Hải - giảng viên Trường Cao đẳng Long An, tạo điều kiện cho các sinh viên cùng nghiên cứu khoa học để các em nâng cao kiến thức
Đến nay đã gần 2 năm công tác và giảng dạy bộ môn Điện tử, những ngày đầu bước lên bục giảng là một thử thách không nhỏ với thầy giáo trẻ. “Trước đây chỉ hướng dẫn vài em thực tập, còn đứng lớp chính thức thì mỗi lớp đến vài chục em, mỗi em một tính cách, có em thì năng động quá, có em lại nhạy cảm,... nên đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt để có cách truyền đạt riêng. Trong môi trường học thực hành với các thiết bị điện tử, chỉ cần một sơ suất nhỏ là rất nguy hiểm, vậy nên khi dạy phải cực kỳ cẩn thận và kiên nhẫn” - thầy Hải chia sẻ thêm.
Không chỉ dừng lại ở công việc giảng dạy, thầy Hải còn đặc biệt đam mê nghiên cứu khoa học. Sau khi vào trường giảng dạy được một thời gian, thầy được Ban Giám hiệu tạo điều kiện tham gia các đợt tham quan, tập huấn, giao lưu học hỏi tại các đơn vị bạn.
Từ những chuyến đi ấy, thầy nhận ra rằng trường vẫn còn thiếu nhiều thiết bị phục vụ giảng dạy. Thế là thầy giáo trẻ bắt tay vào hành trình nghiên cứu khoa học. Nhà trường hỗ trợ cho thầy một căn phòng để làm phòng nghiên cứu, cấp kinh phí mua một số thiết bị, nguyên liệu.
Tuy nhiên, việc mua linh kiện chuyên dụng ở Long An gặp nhiều khó khăn vì không có cửa hàng chuyên về vật tư điện tử, thầy Hải phải thường xuyên đặt hàng hoặc lên TP.HCM để tìm mua, mất nhiều thời gian. Dù vậy, những kết quả bước đầu đã phần nào bù đắp cho công sức của thầy. Hiện tại, thầy đã hoàn thiện một số sản phẩm như máy ấp trứng, xe điều khiển (bản nâng cấp), cánh tay robot (phiên bản 4 bậc và 6 bậc) phục vụ trực tiếp cho giảng dạy.
“Những sản phẩm này nếu mua bên ngoài thì chi phí gấp 2-3 lần so với tự nghiên cứu và chế tạo. Hơn nữa, tự làm ra thiết bị giúp tôi hiểu sâu về nguyên lý hoạt động để giải thích rõ ràng cho sinh viên” - thầy Hải nói.

Thầy Mai Thanh Hải nghiên cứu, nâng cấp xe điều khiển
Không chỉ vậy, thầy Hải còn nâng cấp xe điều khiển theo hướng hiện đại: Xe có thể di chuyển ngang mà không cần quay đầu. Hiện thầy cũng nghiên cứu để gắn thêm cánh tay robot hay hệ thống cảm biến dò vật thể lên chiếc xe này. Một trong những dự án mà thầy Hải ấp ủ và dành nhiều tâm huyết là nâng cấp cánh tay robot có thể tự động cử động theo ý muốn của con người, hướng đến hỗ trợ người khuyết tật. Nếu thành công, thiết bị này không chỉ có giá trị trong giảng dạy mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thầy Hải luôn tạo điều kiện để những sinh viên có mong muốn được tiếp cận nghiên cứu cùng tham gia các đề tài, dự án nhỏ. Nhờ đó, nhiều sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được trực tiếp “chạm” vào các thiết bị, máy móc thực tế, từ đó hiểu và yêu hơn ngành mình theo học.
Tâm huyết và luôn gợi mở sự sáng tạo cho học sinh, thầy Hải là người thầy thời đại mới khi không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng./.
Khánh Duy