Tiếng Việt | English

03/10/2023 - 11:16

Ngọt lành giọt mật ong tràm

Những cánh rừng tràm bạt ngàn là đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Trong kháng chiến, cây tràm che chở cho cách mạng, cùng quân và dân ta chiến thắng kẻ thù. Hiện nay, cây tràm cung cấp gỗ, tinh dầu,... mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Những cánh rừng tràm còn giúp nông dân vùng Đồng Tháp Mười phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Hiện ông Nguyễn Văn Thanh (ấp T3, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) có trên 100 thùng ong, mật thu hoạch được chủ yếu bán lẻ

Hiện ông Nguyễn Văn Thanh (ấp T3, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) có trên 100 thùng ong, mật thu hoạch được chủ yếu bán lẻ

Từ miền Đông về Đồng Tháp Mười nuôi ong

Có kinh nghiệm gần 20 năm nuôi ong lấy mật, ông Nguyễn Văn Thanh (ấp T3, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) khẳng định sẽ không bỏ nghề. Những cánh rừng tràm mênh mông vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã và đang mang lại cho gia đình ông nguồn lợi “ngọt lành”, bền vững.

Theo ông Thanh, nghề nuôi ong lấy mật tại Đồng Tháp Mười bắt nguồn từ những người nuôi ong ở miền Đông. Khi hoa tràm nở rộ, vào khoảng tháng 11 - 5 Âm lịch, người nuôi từ tỉnh Đồng Nai, Bình Phước,... đưa ong đến Long An “đánh” mật. Những nông dân bản địa như ông Thanh được thuê hỗ trợ trông coi và thu hoạch mật. Từ đó, nghề nuôi ong lấy mật dần được nhen nhóm và phát triển ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Ông Thanh kể: “Ngày trước, tôi cũng đi thu hoạch mật thuê và học hỏi kinh nghiệm dần dần. Khi có chút ít kinh nghiệm, tôi mua ong về nuôi thử, vừa nuôi, vừa học thêm kỹ thuật. Bây giờ, tôi tự tin rồi!”.

Chầm chậm bước đi giữa những thùng ong đặt thẳng hàng dưới tán tràm, ông Thanh giải thích: “Sáng khoảng 7 giờ là tất cả ong tản ra bay hết, chắc là đi kiếm mật ở mấy vạt tràm cách đây 5-10km. Số ong còn lại trong thùng là để “giữ nhà”. Thùng ong xếp gần nhau, vậy mà, ong không bao giờ nhầm tổ. Nếu nhầm là bị cắn, đuổi đi ngay”.

Sau từng ấy năm kinh nghiệm, ông Thanh biết rõ đặc tính của ong. Tùy theo thời tiết và biểu hiện của đàn ong, ông có cách chăm sóc phù hợp để ong khỏe, cho nhiều mật.

Mùa này chưa có hoa tràm nên lượng mật ong không nhiều, ông Thanh cho ong ăn thêm bột đậu nành, bột bắp để ong không bỏ tổ đi và không đánh nhau giành mật. Giở một thùng ong đầy mật nhưng chưa thu hoạch, ông Thanh nói: “Vào mùa này, hoa tràm không nở, ong kiếm mật rất khó khăn nên việc lấy mật cần chọn đúng thời điểm bên ngoài có nhiều hoa để ong có thể bổ sung mật và cũng tránh tình trạng ong đánh nhau cướp mật”.

Đặc trưng không thể thiếu

Trước đây, khi mật ong có giá cao, ông Thanh cũng đưa ong đi “đánh” mật ở nhiều nơi. Ông thuộc lòng mùa hoa cà phê, hoa nhãn ở khắp các vùng. Thời điểm này trong năm là lúc vợ chồng ông Thanh đang ở miền Đông “đánh” mật hoa cà phê. Đến gần tết, ông lại đưa đàn ong của gia đình về đón mùa hoa tràm. Tháng 4, tháng 5 lại đi “nằm” vườn nhãn. Đó là lúc số lượng thùng ong của gia đình ông lên đến 250 thùng. Hiện tại, ông Thanh chỉ nuôi trên 100 thùng ong vì giá mật xuống thấp, các doanh nghiệp ngừng thu mua theo hợp đồng bao tiêu.

“Mật ong nhà tôi nuôi bây giờ chủ yếu bán lẻ, giá dao động tùy thời điểm. Không đi “đánh” mật xa nữa, vợ chồng tôi làm việc khác để có thêm thu nhập, chứ bỏ nghề nuôi ong là chắc chắn không. Vùng này có tràm mênh mông, mùa hoa nở rộ, nếu chăm ong tốt thì mỗi tháng 1 xe ong (250 thùng ong) có thể cho ra từ 1-3 tấn mật, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi” - ông Thanh cho biết.

Các điểm bán mật ong dọc theo Quốc lộ 62 trở nên khá phổ biến thời gian gần đây

Các điểm bán mật ong dọc theo Quốc lộ 62 trở nên khá phổ biến thời gian gần đây

Hiện nay, diện tích tràm có xu hướng giảm dần. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 21.667,8ha tràm các loại, giảm gần 200ha rừng sản xuất do người dân chuyển đổi cây trồng. Rừng tràm giảm và giá mật không cao như trước, số người nuôi ong cũng giảm nhưng chắc chắn không bao giờ mất hẳn bởi vẫn có nhiều nông dân gắn bó với nghề. Nhiều hộ nuôi ong còn đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất mật ong đạt chuẩn OCOP.

Tại huyện Thạnh Hóa, mật ong tràm Quang Vinh được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao từ năm 2021. Năm 2023, mật ong tràm Phụng Lành (huyện Tân Hưng) tiếp tục được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao của huyện.

Mật ong tràm chính là “tinh hoa” của tự nhiên, được kết tinh nhờ những chú ong chăm chỉ. Những rừng tràm bạt ngàn ở vùng Đồng Tháp Mười sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, không cần phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật chính là nguồn cung cấp nguyên liệu an toàn tuyệt đối cho ong làm mật. Mật ong hoa tràm vùng Đồng Tháp Mười có màu vàng nhạt, không quá ngọt và thoang thoảng chút hương tràm. Mặc dù xuất phát từ nơi khác nhưng giờ đây, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành đặc trưng không thể thiếu của vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Điều đó chứng minh cho sự năng động, cần cù của nông dân trong tỉnh./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết