“Chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt
Bấy nhiêu tình em đặt hết vào đây
Chiếu hoa em dệt thật dày
Mong đây với đó xuân này nên duyên”
(Trích Đôi chiếu Long Cang)
Chúng tôi tìm về làng dệt chiếu Long Cang (Cần Đước) để gặp cô thợ dệt chiếu hoa trong câu hát. Nhưng Long Cang giờ có nhiều đổi khác, làng chiếu ngày xưa cũng thay đổi ít nhiều...
Vì “lỡ nhớ lỡ thương” nghề dệt chiếu thủ công, vợ chồng ông Võ Thành Gia, tuy ở tuổi xế chiều, ông và vợ vẫn miệt mài bên khung dệt
Niềm tự hào một thuở
Theo con đường len lỏi giữa cánh đồng, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Thành Gia, ngụ ấp 1, xã Long Cang, nghe ông kể về nghề dệt chiếu. Vừa đều tay dập, ông vừa kể chuyện: “Nghề dệt chiếu ở đây chắc có tới trăm năm tuổi. Từ thời nội tôi, cha mẹ tôi rồi vợ chồng tôi đều theo nghề dệt chiếu. Ở xứ này, trẻ con 5 tuổi đã biết giúp gia đình dệt chiếu”.
Chiếu Long Định, Long Cang một thời vang tiếng vì độ bền, đẹp và khéo léo. Với thợ dệt chiếu vùng này, những người lớn tuổi như ông Gia, hầu như chiếu gì cũng biết dệt: Chiếu bông dâu, chiếu mặt gối, chiếu Bắc,... Đặc biệt, thợ dệt lành nghề còn có thể dệt chiếu lảy như một hình thức thêu trên mặt chiếu. Tùy vào yêu cầu của khách và sự sáng tạo của người thợ dệt mà đôi chiếu lảy có hoa văn khác nhau, như một bức tranh. Đôi chiếu lảy vừa dày, vừa nặng, 2 mặt chiếu đều có hoa văn, đòi hỏi người thợ dệt phải giỏi, lành nghề và tỉ mỉ.
Đôi chiếu lảy Long Cang là niềm tự hào, thuở vàng son của làng nghề truyền thống! Kể về nghề dệt chiếu lảy, bà Phạm Thị Thanh Phượng (Tổ trưởng Tổ làng nghề dệt chiếu Long Cang) hào hứng: “Má chồng tôi ngày trước là người dệt chiếu lảy lành nghề, bà có thể lảy cả cái nhà lầu với hàng bông trước ngõ. Đẹp lắm!”. Rồi bà Phượng ngập ngừng: “... Nhưng bây giờ thì hết rồi! Các cô, các bác vì lớn tuổi nên không dệt nữa. Trước có nghệ nhân Nguyễn Thị Chiều còn dệt chiếu lảy, nhưng gần đây, bà cũng nghỉ rồi!”. Vậy là... hình ảnh đôi chiếu lảy chỉ còn trong ký ức đẹp của người dân làng chiếu.
Nhưng nghề dệt chiếu Long Cang vẫn còn và dần hiện đại, máy móc thay con người nên năng suất cũng cao hơn. Người dệt chiếu tay chỉ còn số ít, chủ yếu là những người lớn tuổi, “lỡ nhớ lỡ thương” nghề dệt chiếu thủ công. Như vợ chồng ông Gia, tuy ở tuổi xế chiều, ông và vợ vẫn miệt mài bên khung dệt.
Ngày nào không dệt chiếu, ông bà cảm thấy thật buồn chán và phí phạm thời gian. Dẫu biết số tiền kiếm được cho cả ngày lao động của 2 người chỉ từ 50.000-100.000 đồng nhưng ông bà vẫn không bỏ được nghề. “Thôi kệ, còn làm được thì làm thôi! Chứ tụi tui nghỉ rồi chắc nhà cũng không ai dệt nữa, mấy đứa con đi làm hết, đâu có đứa nào theo nghề đâu!” - ông mỉm cười, dập mạnh khung dệt sau khi bà chuồi sợi lác vào.
Chiếu dệt xong phải đem phơi nắng trước khi giao lại cho xưởng thu mua
Nghề dệt chiếu ở Long Cang vẫn âm ỉ sống. Ngoài những cơ sở dệt máy với số lượng lớn theo đơn đặt hàng thì người nhàn rỗi cũng dệt chiếu để có thêm thu nhập. Trẻ em trong vùng cũng biết dệt chiếu nhưng không thông thạo cách dệt các loại chiếu bông như lớp người lớn tuổi. Họ chủ yếu đi làm, nhà ai có ruộng thì trồng lác nguyên liệu để cung cấp cho xưởng dệt, ít người theo nghề dệt chuyên nghiệp như xưa.
Long Cang xóm chiếu bây giờ
Tạm biệt ông Gia, chúng tôi đến thăm gia đình cô Huỳnh Thị Hương, ở ấp 1, xã Long Cang. Cô theo truyền thống của gia đình, làm thợ dệt chiếu từ ngày còn trẻ. Vì đã chọn dệt chiếu làm nghề nên theo đòi hỏi của thị trường, cô Hương cũng phải dần thay đổi. Cô chuyển từ dệt tay sang dệt máy, các khâu nhuộm lác, in hoa cho chiếu trắng đều được “chuyên môn hóa”, giao cho những người chuyên làm dịch vụ nhuộm và in ở địa phương. Cô nói: “Trước cô cũng tự nhuộm, tự in, nhưng làm vậy thì vất vả mà lâu quá. Giờ trong gia đình chỉ còn có cô dệt chiếu thôi, nên thỉnh thoảng cô lại nhờ thợ nhuộm, thợ in đến nhuộm, in một lần với số lượng lớn. Như vậy tiết kiệm hơn”.
Hôm chúng tôi đến, cô Hương đang dệt mẫu chiếu bông dâu theo đặt hàng của xưởng. Mỗi ngày, cô dành khoảng 8 tiếng bên máy dệt, được 10 đôi chiếu. Tùy vào mẫu chiếu xưởng yêu cầu mà cô có cách chọn trân và phối lác màu khác nhau. Tay cô thoăn thoắt lấy lác đỏ rồi vàng, chúng tôi thắc mắc có khi nào lỡ quên công thức hay không, cô cười: “Không quên được đâu, làm quen rồi nên chỉ cần nhìn là biết sợi lác kế tiếp màu gì. Mấy mươi năm trong nghề rồi còn gì!”. Máy dập đều đều, cô Hương lại nhanh tay rút lác, trước mặt cô là dãy chiếu dài vừa dệt xong.
Tiếng máy dập đều đều như trở thành một phần cuộc sống của cô Huỳnh Thị Hương
Nghề dệt chiếu giúp cô xây lại căn nhà mới, nuôi lớn các con. Rồi các con lần lượt chọn nghề khác sinh nhai, chỉ còn cô vẫn miệt mài bên máy dệt. Tiếng máy dập đều đều như trở thành một phần cuộc sống của cô. Bước vào khu dệt chiếu nhà cô Hương, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là 2 lò hấp chiếu in, đi thêm chút nữa là những cái trả kéo màu nhuộm lác. Chiếu mới dệt xong và lác màu xanh, đỏ làm không gian đang trầm mặc bỗng vui hơn với màu sắc rộn ràng. Mấy mươi năm theo nghề, nên giờ đây cô Hương quyết giữ nghề. Xen giữa tiếng máy dập đều là tiếng của cô Hương, mong manh, được mất: “Cô mà nghỉ rồi, chắc nhà cũng không còn ai dệt chiếu. Xóm này hẳn là còn, nhưng nhà mình thì hết!”. Dứt câu, cô tắt máy, đem mớ chiếu mới dệt ra phơi ở sau nhà. Chiếu mới thơm cái mùi thơm khó thể nào lý giải!
Có lẽ, chính mùi hương chiếu mới, tiếng dập máy dập khung là “thần chú” níu giữ những người như vợ chồng ông Gia, như cô Hương ở lại với nghề. Để tới Long Cang, khách lỡ đường vẫn còn nhìn thấy một vùng quê “lác ngập đường, nghề có tự trăm năm”. Xóm chiếu ngày nay có lẽ bớt chút rộn ràng, thợ dệt chiếu tay hay nghệ nhân dệt chiếu cũng dần vắng bóng, đôi chiếu lảy tay chỉ còn trong ký ức, nhưng bằng tình yêu và nỗ lực của mỗi người, Long Cang vẫn là làng dệt chiếu tiếng tăm của tỉnh nhà./.
Phương Phương