Tiếng Việt | English

22/11/2018 - 09:30

Người "giữ hồn" di sản - Bài 2: Tục cúng Việc lề - Gạch nối quá khứ và hiện tại

Long An có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây, tục cúng việc lề và nghề dệt chiếu lác. Đờn ca tài tử Nam bộ, trong đó có Long An, cũng được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất cả đều là những tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật, phong tục dân gian, nghề truyền thống được sinh ra và gìn giữ bởi chính người dân, để đến hôm nay, các giá trị di sản ấy được công nhận và trân trọng. Người dân chính là người “giữ hồn" di sản.

Bên cạnh những lễ hội, Long An có tục cúng Việc lề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Tục cúng Việc lề là dịp tưởng nhớ về tổ tiên, người mở cõi giúp dòng họ tồn tại và phát triển tại vùng đất mới. Đó là ngày cả dòng họ ngồi lại với nhau, kết nối tình “máu mủ, ruột rà”. Ngày cúng Việc lề là cố định trong năm và là lệ riêng của từng dòng họ. Không ai bảo ai, ngày cúng Việc lề được cả dòng họ giữ gìn, mà quan trọng nhất là người giữ căn nhà hương hỏa!

Nhà thờ họ Phan ở ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội là nơi diễn ra tục cúng Việc lề của dòng họ

Nhà thờ họ Phan ở ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội là nơi diễn ra tục cúng Việc lề của dòng họ

Nhà thờ họ Phan ở ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội là nơi diễn ra tục cúng Việc lề của dòng họ

Ngày hướng về tông tổ

Chúng tôi đến thăm dòng họ Phan ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, một dòng họ “có tiếng” về tục cúng Việc lề. Đây là dòng họ lớn, có tổ chức khá quy củ, có nhà thờ tổ tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên và diễn ra tục cúng Việc lề hàng năm. Hội phó Ban Điều hành gia tộc họ Phan tại Dương Xuân Hội - Phan Kim Trụ cho biết: “Dòng họ chúng tôi cúng Việc lề vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch. Đó là dịp cả dòng họ nhớ về bậc tiền nhân, cũng là lúc giáo dục con cháu giữ gìn sự đoàn kết, kết nối trong gia tộc, khuyến khích con cháu làm ăn lập sự nghiệp để nối nghiệp ông bà đến vùng đất này khai hoang mở cõi, để lại cho đời sau ruộng đất và sự nghiệp vững vàng”. Đó là ý nghĩa quan trọng của tục cúng Việc lề, cũng là nét độc đáo riêng, khiến tục lệ này được nhiều dòng họ trong tỉnh duy trì qua nhiều thế hệ.

Tại Long An, có nhiều dòng họ cúng Việc lề: Dòng họ Lê ở ấp 4, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức; họ Võ ở thị xã Kiến Tường; họ Lê ở xóm Ông Đồ, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ; họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa; họ Đặng ở Nhị Thành, huyện Thủ Thừa,... Mỗi dòng họ đều có một quy ước riêng về những vật phẩm cúng việc lề, mỗi nơi đều có đặc trưng riêng. Ông Đặng Thành Quan - người có uy tín trong dòng họ Đặng tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Theo tôi biết, tục cúng Việc lề có nhiều cách hiểu, cách nói khác nhau, chung quy vẫn là chỉ một lề lối tập tục xưa của người Việt ta để tri ân người có công trong dòng họ. Và đây cũng là một tín ngưỡng dân gian, mang tính địa phương và dòng họ nên mỗi nơi sẽ có khác biệt. Như dòng họ Đặng chúng tôi cúng vào ngày 19 tháng Giêng âm lịch, vật cúng gồm có: Cháo ám (cháo nấu cùng các loại rau cỏ bình thường ở địa phương cùng cá lóc chỉ rửa sơ qua, đánh vảy, không cắt kỳ, không cắt đuôi), bộ tam sên (cua/tôm/ốc, thịt ba rọi, trứng), nhang, đèn, hoa quả và con gà nướng hoặc cá nướng. Chính con gà nướng là “dấu hiệu nhận biết” của dòng họ chúng tôi!”.

Tương tự vậy, vật phẩm cúng của dòng họ Phan tại Châu Thành đều là những thực phẩm tưởng nhớ đến ngày đầu Nam tiến của bậc tiền nhân: Gạo, muối, cốm chuồi (lúa rang thành cốm), cá lóc nướng trui và cá lóc nấu cháo. Ông Kim Trụ giải thích: “Cốm chuồi để tưởng nhớ ngày xưa ông bà ta đi mở cõi lỡ đường thì hái lúa ma rang thành cốm đỡ lòng. Các món ăn cũng chế biến đơn giản vì ngày trước trong điều kiện khó khăn, tiền nhân không có cơ hội chế biến cầu kỳ. Sau này, khi con cháu làm ăn phát đạt thì vật cúng còn có thêm món thịt heo quay, như lời cảm ơn của con cháu dâng lên người đi trước.”

Gìn giữ nếp nhà

Sau lễ cúng là tục tống phong, một ít thức ăn được để lên tàu nhỏ đóng bằng chuối để thả trôi theo dòng nước hoặc đặt ở ngã ba đường. Thức ăn trên tàu được đặt trên lá chuối, không cần bày chén dĩa. Tục tống phong mỗi nơi có cách hiểu khác nhau, có thể là tống đi các thần ôn dịch, bệnh tật ở trong vùng, cầu bình an cho dòng họ, cũng có thể là tái hiện những ngày vào Nam mở cõi bằng thuyền của ông bà xưa. Dù với ý nghĩa nào thì tục tống phong cũng được giữ gìn, tạo nên đặt trưng của lễ cúng Việc lề tại Long An.

Và để duy trì nề nếp đó, đòi hỏi sự đoàn kết của tất cả những người trong dòng họ mà người chịu trách nhiệm chính là người “ở nhà thờ”, trực tiếp thờ cúng tổ tiên trong họ. Về cách chọn người hương hỏa, mỗi dòng họ cũng có một lựa chọn hoàn toàn khác, nơi là con trai trưởng trong dòng họ, nơi lại chọn con trai út. Người đứng cúng trong lễ cũng có nhiều thay đổi tùy dòng họ. Nếu dòng họ Đặng ở Thủ Thừa, người ở nhà thờ trực tiếp cúng thì dòng họ Phan ở Châu Thành lại chọn người trưởng họ đứng ra cúng tế. Nhưng dù cho người cúng tế là ai thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về người “hương hỏa”. Ông Đặng Thành Quan chia sẻ: “Ở dòng họ tôi, người trực tiếp cúng Việc lề là ông Đặng Thành Tâm. Cứ đến ngày, ông ấy tự chuẩn bị vật phẩm cúng, không cần ai bảo ban hay nhắc nhở. Con cháu trong họ cũng tự mình nhớ lấy ngày cúng mà về, tùy theo điều kiện mà mang theo vật cúng thể hiện tấm lòng với ông bà. Nhiều đời nay, tục cúng trong dòng họ nhà tôi chưa bao giờ thay đổi”.

Sau lễ cúng là tục tống phong, một ít thức ăn được để lên tàu nhỏ đóng bằng chuối để thả trôi theo dòng nước hoặc đặt ở ngã ba đường gọi là tống phong. (Trong ảnh: Thuyền tống phong của dòng họ Dương ở Kiến Tường). Ảnh tư liệu: Thanh Nga

Sau lễ cúng là tục tống phong, một ít thức ăn được để lên tàu nhỏ đóng bằng chuối để thả trôi theo dòng nước hoặc đặt ở ngã ba đường gọi là tống phong. (Trong ảnh: Thuyền tống phong của dòng họ Dương ở Kiến Tường). Ảnh tư liệu: Thanh Nga

Ông Kim Trụ giải thích, sự “chưa bao giờ thay đổi” đó được giữ gìn là vì tục cúng Việc lề gần như “ăn sâu vào máu”, vào tâm thức mỗi người trong dòng họ. Từ khi còn là trẻ nhỏ, người được chọn ở nhà thờ đã được thấy ông, cha mình cúng Việc lề với những lễ vật và nghi thức được giữ nguyên qua nhiều thế hệ. Lớn lên một chút, những thanh niên ấy được chọn là người phụ việc trong lễ cúng, đó là những ngày “tập sự” nghiêm túc để sau này, khi nhận lãnh trách nhiệm người thờ cúng thì họ đã hoàn toàn thuộc nằm lòng những điều dòng họ dày công gìn giữ. Nhờ vậy, lễ cúng Việc lề được truyền nối từ thế hệ này đến thế hệ khác mà không cần bất kỳ ghi chép hay văn bản nào.

Qua hàng trăm năm, nhiều thế hệ, tục cúng Việc lề trong các dòng họ được gìn giữ vẹn nguyên không hề thay đổi. Ngày cúng Việc lề hay ngày giỗ chung của dòng họ sở dĩ có sức sống bền bỉ ấy là do truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta, và cũng do những thế hệ con cháu trong các dòng họ quyết tâm giữ gìn lề lối tốt đẹp của ông bà!

(còn tiếp)

Bài 3: Những tài tử bình dân

Đờn ca tài tử là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam bộ. Bộ môn này được hình thành và nuôi dưỡng trong cuộc sống đời thường của những người bình dân. Trải qua bao thăng trầm, đờn ca tài tử vẫn tồn tại giữa nhân dân, được người dân giữ gìn và nuôi dưỡng. Không quá ồn ào, nổi bật nhưng mỗi ngày, từng điệu bắc, điệu nam vẫn vang lên đâu đó trên khắp mọi nẻo đường.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết