Tiếng Việt | English

23/11/2018 - 10:15

Người "giữ hồn" di sản - Bài 3: Những tài tử bình dân

Long An có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây, tục cúng việc lề và nghề dệt chiếu lác. Đờn ca tài tử Nam bộ, trong đó có Long An, cũng được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất cả đều là những tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật, phong tục dân gian, nghề truyền thống được sinh ra và gìn giữ bởi chính người dân, để đến hôm nay, các giá trị di sản ấy được công nhận và trân trọng. Người dân chính là người “giữ hồn" di sản.

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam bộ. Bộ môn này được hình thành và nuôi dưỡng trong cuộc sống đời thường của những người bình dân. Trải qua bao thăng trầm, ĐCTT vẫn tồn tại giữa nhân dân, được người dân giữ gìn và nuôi dưỡng. Không quá ồn ào, nổi bật nhưng mỗi ngày, từng điệu bắc, điệu nam vẫn vang lên đâu đó trên khắp mọi nẻo đường.

Sáng nào, thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử TP.Tân An, người yêu đờn ca tài tử cũng tập hợp đờn hát với nhau bên ly cà phê

Sáng nào, thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử TP.Tân An, người yêu đờn ca tài tử cũng tập hợp đờn hát với nhau bên ly cà phê

Từ nơi thành thị

Mỗi sáng, quán cà phê Cây Xanh ở phường 3, TP.Tân An như vui hơn vì tiếng đờn ca dìu dặt. Đó là nơi tập hợp, sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT TP.Tân An. Trước khi bắt đầu ngày mới, thành viên CLB và những người yêu ĐCTT tập hợp lại với nhau, dạo mấy điệu đờn, ca đôi bài hát để thỏa đam mê. Chủ nhiệm CLB ĐCTT TP.Tân An - Trần Đức Nhẫn cho biết: “Những buổi sáng này không phải là sinh hoạt CLB. Mọi người đến uống cà phê và hát nhau nghe cho thỏa đam mê thôi. CLB chúng tôi sinh hoạt 2 lần/tháng và giao lưu với người yêu ĐCTT vào thứ năm hàng tuần. Những buổi sáng thế này chỉ là “cây nhà lá vườn” thôi!”.

CLB ĐCTT TP.Tân An có lịch sử trên 15 năm hoạt động, thu hút đông đảo người yêu ĐCTT trong thành phố đến giao lưu, sinh hoạt. Chị Võ Thị Ngọc Nga - thành viên CLB, vui vẻ cho hay: “Vợ chồng tôi cùng là thành viên CLB, ban đầu thấy anh ấy tham gia, tôi chưa có nhiều hứng thú. Nghe vài lần lại thấy đam mê. Giờ, sáng nào tôi với chồng cũng dành chút thời gian đến đàn hát cùng anh chị em!”.

Trong câu chuyện của mình, chị Nga thường nhắc nhiều về “thầy Nhẫn” - người tận tâm hướng dẫn vợ chồng chị từng lời ca, tiếng hát, từng cách lấy hơi, điệu luyến láy trong bài. Đó chính là Chủ nhiệm CLB - ông Trần Đức Nhẫn. Bất cứ ai muốn học ĐCTT cứ đến gặp ông, hễ có thời gian rảnh là ông dạy, một cách nhẫn nại, tận tình, không kể thời gian và hoàn toàn miễn phí. Bởi tâm niệm của ông đơn giản chỉ là muốn bộ môn ĐCTT được nhiều người biết, có thể “sống” lâu bền giữa lòng dân. Vì tâm niệm đó, ông Nhẫn sẵng sàn đầu tư kinh phí cá nhân mua nhạc cụ, âm thanh phục vụ việc đờn hát, sinh hoạt của CLB. Ông nói: “Tôi chỉ muốn anh em trong CLB có nơi sinh hoạt tử tế để giúp phong trào phát triển mạnh hơn. Ai muốn nghe ĐCTT thì cứ đến đây. Muốn học thì tôi rất sẵn lòng chỉ dạy!”. Và mặc dù là thầy dạy hát của nhiều người nhưng ông Nhẫn hầu như... không hát. Nói về điều đó, chị Nga cười: “Thầy là người đờn, trước giờ tôi chưa từng nghe thầy hát, nhưng thầy biết cách hát thế nào cho hay. Vợ chồng tôi thường tham gia giao lưu, thi ĐCTT trong và ngoài tỉnh,... đều do thầy tập và trau chuốt hết”. Ông Nhẫn như “linh hồn” của CLB!

Đờn ca tài tử là bộ môn nghệ thuật không phát triển ồn ào, nhưng sức sống vô cùng mạnh mẽ (Trong ảnh: Liên hoan đờn ca tài tử được tỉnh tổ chức hàng năm tại Cần Đước)

Đờn ca tài tử là bộ môn nghệ thuật không phát triển ồn ào, nhưng sức sống vô cùng mạnh mẽ (Trong ảnh: Liên hoan đờn ca tài tử được tỉnh tổ chức hàng năm tại Cần Đước)

Đến chốn thôn quê

Nếu ở Tân An có CLB ĐCTT TP.Tân An thì huyện Thủ Thừa cũng có CLB ĐCTT - cải lương huyện Thủ Thừa hoạt động khá sôi nổi, có tiếng trong giới mộ điệu ĐCTT tỉnh nhà. CLB phát triển khá mạnh khi có đến 70 thành viên, tổ chức sinh hoạt cụm hàng tháng. Không chỉ là CLB mạnh trong tỉnh, Thủ Thừa còn giành nhiều giải thưởng các cuộc thi ĐCTT ngoài tỉnh. Và tất nhiên, CLB ĐCTT - cải lương Thủ Thừa cũng có một “linh hồn”. Đó là ông Vũ Xuân Đam - Chủ nhiệm CLB. Ông là người “thổi bùng ngọn lửa”, làm bật dậy tiềm năng trong các thành viên CLB.

Mặc dù là người quê gốc Thái Bình nhưng ông Đam lại say mê bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống của Nam bộ. Không chỉ nắm rõ ngón đờn, ông còn là một giọng ca “cừ”. Nghe ông hát tài tử, ít ai biết đó không phải là người con vùng đất Nam bộ. Ông Đam cho biết, chỉ vì yêu mến bộ môn nghệ thuật này mà ông mày mò tự học, càng học càng say mê nên ông cố gắng truyền lại cái say mê ấy cho thế hệ trẻ sau này.

Bằng cách thường xuyên đưa CLB tham gia các cuộc thi, giao lưu ngoài tỉnh, ông tạo cơ hội cho thành viên CLB, đặc biệt là thành viên trẻ được cọ xát, trưởng thành. Nhiều thành viên của CLB ĐCTT - cải lương Thủ Thừa là cốt cán của đội ngũ ĐCTT tỉnh. Đa số các bạn trẻ lớn lên từ CLB ĐCTT - cải lương Thủ Thừa chọn học về âm nhạc dân tộc sau khi tốt nghiệp THPT. Không chỉ hướng dẫn trực tiếp cho các thành viên CLB, nhiều lúc, ông Đam còn hướng dẫn học trò của mình qua điện thoại, Internet. Ông kể: “Có một cháu trong CLB đang học tại TP.HCM, cháu dự thi Bông lúa vàng, được vào chung kết. Ngày nào cháu cũng thu âm bài hát gửi về cho tôi nghe, chỉnh sửa, hướng dẫn. Cứ vậy, 2 ông cháu tập với nhau. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào cháu, đó là thành viên trẻ nhiều triển vọng của CLB”. Trần Thị Mỹ Dung - thành viên trẻ của CLB ĐCTT - cải lương Thủ Thừa, bộc bạch: “Em thực sự rất biết ơn ông Sáu (tên gọi thân mật của ông Đam). Ông chỉ dạy em từng chút một. Khi tập bài, chỉ cần ông Sáu gật đầu khen là em tự tin hẳn. Ông Sáu khiến em cảm thấy mình có duyên nợ với ĐCTT!”.

Chung kết Hội thi đờn ca tài tử Thủ Thừa năm nay diễn ra tại đình Vĩnh Phong nhằm tưởng nhớ tiền nhân Mai Tự Thừa

Chung kết Hội thi đờn ca tài tử Thủ Thừa năm nay diễn ra tại đình Vĩnh Phong nhằm tưởng nhớ tiền nhân Mai Tự Thừa

Bằng tấm lòng thiết tha dành cho ĐCTT, ông Sáu Đam nỗ lực đưa bộ môn này đến gần với người dân. Hàng năm, với vai trò Chủ nhiệm CLB ĐCTT - cải lương Thủ Thừa, ông xin phép phối hợp tổ chức thi ĐCTT, tạo sân chơi, giao lưu bổ ích cho người đam mê đờn ca. Năm nay, hội thi thêm phần ý nghĩa khi chung kết được tổ chức trùng lễ giỗ tiền nhân Mai Tự Thừa tại đình Vĩnh Phong. Trong không gian trang nghiêm, ấm cúng của đình, điệu tài tử vang lên dìu dặt, khi thì vui tươi, trong sáng, khi lại ai oán, bi hùng. Lời ca, tiếng hát vừa dâng lên bậc tiền nhân, vừa phục vụ người dân về dự lễ. Thí sinh Bùi Văn Cuộc, đơn vị xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, vui vẻ: “Từ trên đó xuống đây cũng xa, nhưng đã tham gia thì ở đâu tôi cũng đi. Nhiều năm rồi, năm nào tôi cũng dự thi. Đây là dịp để anh em gặp nhau, nghe người khác hát, đờn, cũng rút được kinh nghiệm cho mình nữa chứ!”. Với giới chơi ĐCTT Thủ Thừa, hội thi trở thành sinh hoạt định kỳ không thể thiếu trong suốt 17 năm qua.

ĐCTT là bộ môn nghệ thuật không phát triển ồn ào, nhưng sức sống thì vô cùng mạnh mẽ. Có lẽ, bởi vì được sinh ra từ dân và được nuôi bởi dân nên dù có nhiều đổi thay, được - mất thì còn dân là còn ĐCTT lưu truyền. Những người như ông Nhẫn, ông Đam vẫn tìm được cho mình thế hệ kế thừa xứng đáng, để tiếng hát, lời ca vẫn vang lên đâu đó giữa đời thường!

(còn tiếp)

Bài cuối: Tìm người “níu hồn” xóm chiếu

“Chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt

Bấy nhiêu tình em đặt hết vào đây

Chiếu hoa em dệt thật dày

Mong đây với đó xuân này nên duyên”

(Trích Đôi chiếu Long Cang)

Chúng tôi tìm về làng dệt chiếu Long Cang (Cần Đước) để gặp cô thợ dệt chiếu hoa trong câu hát. Nhưng Long Cang giờ có nhiều đổi khác, làng chiếu ngày xưa cũng thay đổi ít nhiều...

Phương Phương

 

Chia sẻ bài viết