Tiếng Việt | English

21/11/2018 - 10:00

Người "giữ hồn" di sản - Bài 1: Lễ hội từ dân

Long An có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây, tục cúng việc lề và nghề dệt chiếu lác. Đờn ca tài tử Nam bộ, trong đó có Long An, cũng được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất cả đều là những tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật, phong tục dân gian, nghề truyền thống được sinh ra và gìn giữ bởi chính người dân, để đến hôm nay, các giá trị di sản ấy được công nhận và trân trọng. Người dân chính là người “giữ hồn" di sản.

Long An có 3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội Vía bà Ngũ Hành (Cần Giuộc), Lễ hội Làm Chay (Châu Thành) và Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây (Tân Trụ). Đó đều là những lễ hội thể hiện bản sắc của cộng đồng, được cộng đồng đồng thuận và cam kết bảo vệ trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện để các lễ hội ngày càng mở rộng và thêm phần ý nghĩa.

Gần 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Công cùng những người trong Ban Hội hương âm thầm phục vụ Lễ hội Vía bà Ngũ Hành

Gần 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Công cùng những người trong Ban Hội hương âm thầm phục vụ Lễ hội Vía bà Ngũ Hành

Người "vác tù và hàng tổng"

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ở Long Thượng, huyện Cần Giuộc là tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương. Mỗi năm, lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, thu hút hàng ngàn người tham dự. Và đằng sau sự thành công đó là nỗ lực của tập thể những người làm công tác hậu cần, những người “vác tù và hàng tổng”.

Chúng tôi gọi đó là người “vác tù và hàng tổng” bởi lẽ họ toàn tâm, toàn ý phục vụ lễ hội mà không nhận lại bất cứ điều gì. Họ là những người đến đầu tiên và ở lại sau cùng trong lễ hội. Những ngày thường, họ là người hương khói và giữ gìn miếu luôn sạch sẽ, an ninh. Mọi công tác hậu cần cần thiết đều một tay những người “vác tù và hàng tổng” lo. Điều duy nhất “giữ chân” họ lại với công việc thầm lặng ấy chính là sự tín ngưỡng và lòng tin vào những điều tốt đẹp, để những người như Phó Hội trưởng ban Hội hương miếu bà Ngũ Hành - Nguyễn Văn Công và Thủ quỹ ban Hội hương - Nguyễn Hồng Phát duy trì công việc của mình trong suốt gần 30 năm qua.

Ông Công nhớ lại ngày còn là thanh niên, ông hay đến giúp các bô lão trong làng chuẩn bị lễ hội. Lúc ấy, ông và các bạn đồng trang lứa là “chân sai vặt” đắc lực. Ông kể: “Ngày trước, miếu bà còn nghèo lắm, miếu nhỏ và đơn sơ, chưa có nhiều người biết đến lễ hội. Tất cả mọi công tác chuẩn bị đều do người dân và Ban Hội hương tự làm. Chúng tôi mất gần nửa tháng để chuẩn bị, sửa sang trước lễ hội. Từ quét dọn, đánh bóng lư, trang trí, chuẩn bị lễ vật,... mọi người cùng chia nhau làm”.

Dù lễ hội ít người hay đông người dự thì những nghi thức cúng tế cũng không thay đổi. Hồn cốt, truyền thống được gìn giữ nguyên vẹn qua nhiều thế hệ. Đó là điều ông Công khẳng định, ông giải thích: “Các nghi thức, phong tục trong lễ hội được truyền từ đời này sang đời khác, không có văn bản ghi chép nào nhưng chắc chắn không có gì thay đổi. Vì chúng tôi là người dân ở đây, từ nhỏ đã được xem lễ hội, lớn lên được tham gia chuẩn bị cùng cha chú, nên mọi thứ đã “thấm nhuần”, không quên được.” Và cũng bởi vì đó là truyền thống, là tín ngưỡng có tính thiêng liêng nên càng được trân trọng và gìn giữ. Nhờ vậy, Long Thượng - Cần Giuộc, Long An mới có được lễ hội tín ngưỡng dân gian được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.

Trong ngày diễn ra lễ hội, rất đông người dân tự nguyện đến phụ việc. Họ âm thầm tạo nên sự thành công cho lễ hội

Trong ngày diễn ra lễ hội, rất đông người dân tự nguyện đến phụ việc. Họ âm thầm tạo nên sự thành công cho lễ hội

Khi lễ hội đi qua, miếu bà Ngũ Hành lại trở nên yên tĩnh, ít người lui tới. Để giữ sự trang nghiêm, sạch sẽ, khu miếu luôn có người chăm sóc. Đó chính là ông Nguyễn Hồng Phát. Mỗi ngày, ông Phát đều đến thắp nhang, dọn dẹp. Công việc thầm lặng ấy ít người biết đến và ông cứ âm thầm làm việc, chăm sóc miếu, xem đó là trách nhiệm của mình. Ngày ngày, ông đều đặn thắp nhang, đôi ngày lại quét dọn một lần. Ông còn để lại số điện thoại của mình tại miếu, kèm bảng thông báo ai muốn vào viếng thì gọi ông ra mở cửa. Ông giải thích: “Miếu mở cổng hờ suốt ngày, nhưng gian thờ phải đóng cửa vì bên trong có nhiều đồ vật. Nhưng khi có người muốn thắp nhang thì cứ gọi là tôi ra mở cửa, dễ mà!”. Tiếng “dễ mà” buông ra nhẹ tênh như cách ông thầm lặng làm công việc của mình suốt mấy mươi năm qua.

Chuyện không của riêng ai

Lễ hội nào cũng vậy, muốn thành công cần có sự chung tay, góp sức của nhiều người, đặc biệt với những lễ hội là tín ngưỡng dân gian như Lễ hội Vía bà Ngũ Hành, Lễ hội Làm Chay. Không ai bảo ai, trong lễ hội lúc nào cũng có đội ngũ những người giúp việc nhiệt tình, không kể ngày đêm. Ông Phát kể: “Lễ Vía bà mỗi năm mỗi lớn nên số người đến hỗ trợ cũng đông hơn. Chỉ tính riêng bếp ăn có tới 60-70 người cùng làm. Chưa kể những khâu khác: Trang trí, an ninh,... nữa!”. Điều đó thể hiện sự đồng lòng của người dân trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Đó cũng là một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian. Nếu không có những người giúp việc âm thầm ấy, chắc gì lễ hội đã thành công!

Điều đó lần nữa được chứng minh tại Lễ hội Làm Chay khi đội ngũ người giúp việc không khi nào dưới con số 100 người. Tại bếp ăn, mỗi người một việc: Lặt rau, gọt củ, nhóm lò, nấu nướng,... Ngoài đường thì thanh niên trai tráng treo cờ, dựng giàn, tiếng cười nói xôn xao. Ông Ngô Minh Đa - Phó ban Quản trị đình Tân Xuân, cho biết: “Nói tới người đến giúp trong Lễ hội Làm Chay thì không biết bao nhiêu mà kể. Ai ở gần, rảnh rỗi đều góp mặt giúp cho lễ hội. Có gia đình đi hết cả nhà. Ngoài ra, mọi người còn đóng góp kinh phí để xây dựng đình mới nữa. Nhìn vào danh sách đóng góp mới thực sự thấy sự đồng lòng của dân mình trong việc gìn giữ lễ hội Làm Chay”.

Rất đông người dân tự nguyện đến phục vụ tạo nên sự thành công cho lễ hội

Rất đông người dân tự nguyện đến phục vụ tạo nên sự thành công cho lễ hội

Sự đồng lòng đó khẳng định lễ hội là không của riêng ai, muốn có sự thành công của lễ hội cần sự góp sức, góp của của tất cả mọi người. Có dịp về Tầm Vu, huyện Châu Thành trước Lễ hội Làm Chay sẽ thấy lễ hội ở từng ngóc ngách, ngõ nhà của người dân. Các cỗ bánh, thuyền, xe hoa được người dân chuẩn bị công phu tại nhà để dâng vào ngày lễ hội. Và điều đó trở thành truyền thống. Ông Bùi Văn Sảnh, ở thị trấn Tầm Vu, là người có hơn 30 năm làm ghe đăng cho Lễ hội Làm Chay. Ông chia sẻ: “Ghe đăng, xe hoa không thể thiếu trong lễ hội nên năm nào cũng phải làm. Cứ đến ngày là những người ở gần đây tự động tụ họp lại bàn bạc, rồi đóng góp tiền làm ghe đăng. Các thanh niên bây giờ ngày càng giỏi và khéo tay nên nghe đăng năm sau đẹp hơn năm trước. Giờ tôi không còn lo sẽ không có người nối nghiệp nữa rồi!”.

Và nhờ có những người nhiệt tình như vậy mà các lễ hội được duy trì, phát triển đến ngày nay. Long An tự hào có 3 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Đó là những di sản của dân, thuộc về dân và được “nuôi sống” bởi người dân. Sự hồn hậu và tín ngưỡng giúp người dân Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ gìn giữ lại cho đời sau những giá trị tốt đẹp không gì thay thế được./.

(còn tiếp)

Bài 2: Tục cúng việc lề - dấu gạch nối về quá khứ

Bên cạnh những lễ hội, Long An có tục cúng việc lề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Tục cúng việc lề là dịp tưởng nhớ tổ tiên, người mở cõi, giúp dòng họ tồn tại và phát triển tại vùng đất mới. Đó là ngày cả dòng họ ngồi lại với nhau, kết nối tình “máu mủ, ruột rà”. Ngày cúng việc lề cố định trong năm và là lệ riêng của từng dòng họ. Không ai bảo ai, ngày cúng được cả dòng họ giữ gìn, mà quan trọng nhất là người giữ căn nhà hương hỏa!


Phương Phương

Chia sẻ bài viết