Tiếng Việt | English

21/04/2025 - 16:09

Người 'giữ hồn' đình làng

Đình làng là nơi thờ tự, tín ngưỡng của người dân, lưu giữ công trình kiến trúc độc đáo. Và ở đó luôn có những người âm thầm gánh vác trọng trách "giữ hồn" cho mái đình, kết nối quá khứ với hiện tại, truyền lại những giá trị văn hóa quý báu cho thế hệ mai sau. Ông Lương Thành Long - Trưởng ban Hội hương đình Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là một người như thế!

Tiếp nối truyền thống gia đình

Những ngày diễn ra Lễ hội Kỳ yên đình Tân Chánh, người đến cúng đình thường bắt gặp hình ảnh ông Năm (ông Lương Thành Long) tất bật ngược xuôi lo chuyện đối ngoại, đối nội cho lễ hội. Ông là đời thứ 3 trong gia đình góp công, góp của giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương.

Ông Năm kể: “Hồi chiến tranh, đình bị cháy, ông nội tôi ôm sắc phong đi gửi nhà người quen, sau đó vận động người dân xây dựng lại đình. Ba tôi - ông Lương Thành Ba nhận việc giữ và tổ chức cúng đình, còn tôi thì đi lập nghiệp ở Ninh Thuận với nghề ươm tôm giống nhưng sau này khi sức khỏe ba yếu, ông mong muốn tôi quay về quê để tiếp tục công việc của ông. Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi sắp xếp công việc 6 tháng đầu năm phục vụ đình, 6 tháng cuối năm trở ra Ninh Thuận lo chuyện làm ăn”.

Các nghi thức của lễ Kỳ yên đình Tân Chánh (huyện Cần Đước) đều được thực hiện chỉn chu, bày bản, nghiêm trang qua nhiều thế hệ

Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống "giữ hồn" đình làng, ông Năm nằm lòng các nghi thức cúng đình. Nhờ vậy, ông được các cụ cao niên bầu làm Trưởng ban Hội hương đình Tân Chánh. Dù là một chức nhỏ liên quan đến hoạt động tâm linh nhưng ông luôn trăn trở và cố gắng làm tốt nhiệm vụ.

Trước sự xuống cấp của đình và lăng mộ Xuân Quang hầu - Nguyễn Khắc Tuấn, ông kiến nghị các cấp, các ngành; đồng thời, vận động người thân và người dân chung tay góp công, góp của trùng tu, xây dựng đình. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, đến nay, đình đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp và năm 2012 được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trao truyền giá trị văn hóa

Đình Tân Chánh là một trong những thiết chế văn hóa làng xã sớm ở huyện Cần Đước, được thành lập cuối thế kỷ XIX. Đình thờ thần Thành Hoàng Bổn cảnh, biểu tượng cho khí thiêng của một vùng đất.

Về sau, người dân tôn thần Xuân Quang Hầu - Nguyễn Khắc Tuấn và đưa vào đình phối thờ như vị thần Thành Hoàng thứ 2 của làng. Theo thời gian, trong tâm thức của người dân, danh tự đình đã có sự tích hợp với tên của ông: Đình thần Nguyễn Khắc Tuấn - Tân Chánh. Hiện nay, đình vẫn còn giữ 176 sắc phong và 3 chiếu chỉ của vua Gia Long và Minh Mạng ban.

Ông Lương Thành Long là đời thứ 3 trong gia đình luôn tâm huyết, giữ gìn văn hóa đình Tân Chánh

Lễ Kỳ yên đình diễn ra từ ngày mùng 04 đến mùng 06/02 (Âm lịch) hàng năm. Cũng trong ngày mùng 05 và 06, người dân còn tổ chức lễ Cát kỵ (kỷ niệm ngày mất) cho Xuân Quang hầu - Nguyễn Khắc Tuấn. So với những ngôi đình khác, đình Tân Chánh vẫn giữ trọn vẹn các nghi thức cúng đình Nam Bộ.

Tiến sĩ Đỗ Thị Hà Thơ - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Đây là năm thứ 2 tôi may mắn được dự Lễ hội Kỳ yên đình Tân Chánh. Hầu như các lễ đều được Ban Hội hương đình thực hiện rất chỉn chu, nghiêm trang và lưu giữ được nét văn hóa làng quê Nam Bộ xưa. Để làm được điều này, ông Năm nói riêng, các bác trong Ban Hội hương đình đóng vai trò rất quan trọng bởi nếu không có những người am hiểu nghi lễ thì sẽ không bảo tồn trọn vẹn các tiết lễ, giúp giới trẻ có thể tiếp thu và lưu truyền nét văn hóa của làng quê mình".

Hiện đình Tân Chánh vẫn còn lưu giữ 176 sắc phong và 3 chiếu chỉ của vua Gia Long và Minh Mạng

Đối với người dân Tân Chánh nói riêng, người dân Cần Đước nói chung, tham gia lễ Kỳ yên đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian. Về thăm đình cũng đồng nghĩa về với cội nguồn quê hương, giúp chúng ta hiểu về lịch sử, văn hóa của mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên.

Anh Lê Trung Toàn (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Tôi làm việc, sinh sống ở TP.HCM. Hàng năm, tôi và gia đình đều về cúng đình, đây là truyền thống và là nét văn hóa của quê hương, tôi rất tự hào về quê hương mình”.

Trải qua bao biến thiên của dòng chảy lịch sử, gia đình ông Năm vẫn bền bỉ, âm thầm dành trọn tâm huyết "giữ hồn" văn hóa đình làng. Hy vọng, thời gian tới "ngọn lửa" tâm huyết ấy không ngừng được lan tỏa đến nhiều người, góp phần cho văn hóa dân gian được trường tồn./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết