Tiếng Việt | English

20/11/2021 - 15:35

Người thầy của những học trò đặc biệt vùng biên

Đối với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện biên giới Tân Hưng, anh không chỉ là người thầy mà còn là người thân - người cho các em con chữ, bảng tính và những kỹ năng sống để các em bước vào đời dù rằng phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn.

Người thầy đặc biệt

Không chuyên môn sư phạm, chưa một lần dạy học nhưng kể từ ngày nhận lớp đến nay, anh Trương Văn Thùy - Bí thư Đoàn thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã gắn bó gần 6 năm với các em. Học trò của anh hầu hết là những đứa trẻ chưa một lần biết đến môi trường giáo dục học đường, chưa hề biết đọc, biết viết và đủ các lứa tuổi. Các em đa số là con của những gia đình từng sinh sống tại Biển Hồ, Campuchia trở về quê hương. Không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu hay giấy khai sinh, cũng vì thế mà các em chẳng được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Thiệt thòi trong cuộc sống, các em lại phải bôn ba cùng cha mẹ mưu sinh. Năm 2015, lớp học tình thương được UBND thị trấn Tân Hưng mở nhằm giúp các em biết được con chữ và những phép tính cơ bản.

Anh Trương Văn Thùy được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Long An (Ảnh tư liệu)

“Mình có thời gian rảnh, lại là thủ lĩnh Đoàn, nếu mình không đứng ra thì sao kêu gọi được các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia”, nghĩ sao làm vậy, từ đó mỗi buổi chiều, anh Thùy cùng một số cán bộ Đoàn chính thức đứng lớp hỗ trợ các em. Ban đầu là phụ lớp, đến năm 2016, anh Thùy tình nguyện nhận dạy 1 lớp với 25 học sinh. Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn khi hàng ngày phải đi bán vé số, theo cha mẹ cắt lục bình để phụ giúp gia đình. Vì vậy, anh Thùy chủ động sắp xếp thời gian dạy các em từ 17 đến 18 giờ 30 phút hàng ngày. Sau 1 năm học, các em học sinh đầu tiên của lớp đều hoàn thành chương trình, biết đọc, biết viết và làm các phép tính cơ bản.

Cũng từ đó, dưới ánh sáng mờ mờ trong lớp học nhỏ, những vần “ê, a” cứ thế ngân lên vào mỗi buổi chiều. Bên cạnh đó, năm 2019, anh còn vận động thêm được 9 em tham gia lớp học, nâng tổng số học sinh của lớp tình thương hiện nay lên 34 em gồm có lớp 1 và lớp 3. Đến nay, đa số các em đã biết đọc, biết viết. Ngoài dạy các em biết đọc, biết viết, với vai trò là thủ lĩnh thanh niên, anh Thùy còn cùng các bạn đoàn viên thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các em nhằm giúp các em thay đổi lối sống, có kỹ năng giao tiếp ngoài xã hội.

Anh Thùy cho biết: “Ngày đầu đứng lớp với các em, bản thân tôi không có kinh nghiệm bởi chưa từng qua các lớp nghiệp vụ sư phạm hay tập huấn chuyên môn. Khi bắt đầu, tôi cũng không biết phải dạy các em từ đâu, loay hoay chẳng khác gì một học sinh mới. Nhưng thấy các em nhỏ với những ánh mắt thơ ngây, tôi không kìm được cảm xúc. Những lúc rảnh, tôi lại mày mò tìm kiếm tài liệu, phương pháp giảng dạy, nhất là chuẩn bị tốt tâm lý để từng bước uốn nắn các em. Ban đầu, nhiều em còn nghỉ học nhưng dần dần các em chăm chỉ hơn, đến lớp hàng ngày và đặc biệt sau thời gian, các em đều rất ham học”. Với tình thương và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cứ thế lớp học tình thương được anh và các bạn đoàn viên duy trì ổn định cho đến hôm nay.

Vui nhất là các em biết chữ, có việc làm

Gần 6 năm gắn bó với lớp học, chứng kiến những lớp học trò biết đọc, biết viết qua từng ngày và nhiều em có việc làm đối với anh không khác gì “quả ngọt”. Anh Thùy cho biết: “Hầu hết các em đến với lớp học đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhiều em trái tính, trái nết, thậm chí không muốn học nhưng với vai trò người đứng lớp, tôi phải uốn nắn từng li, từng tí. Mỗi em một tính nết, vì thế tôi phải theo sát từng em. Cũng may, các em thương tôi nên mỗi ngày một cố gắng. Để các em có kỹ năng sống, cứ chiều, tôi cùng các bạn đoàn viên đứng ra tổ chức cho các em tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở địa phương, dạy các kỹ năng sống như tiết học làm người con hiếu thảo, tổ chức cho các em tham quan các khu di tích lịch sử, giới thiệu việc làm nhằm giúp các em có việc làm ổn định. Tôi hy vọng rằng, lớp học không chỉ mang đến con chữ, phép tính cho các em mà còn rèn cho các em biết đối nhân xử thế, coi trọng đạo đức để vững bước hơn trên bước đường đời sau này”.

Anh Trương Văn Thùy bên lớp học tình thương (Ảnh tư liệu)

Từ lớp học của anh cùng các bạn đoàn viên, đến nay, nhiều em sau khi hoàn thành lớp học đã được anh giới thiệu việc làm, 3 em tiếp tục theo học tại các trường tiểu học và nhiều em có đủ kiến thức, kỹ năng để tự mình đi xin việc ở các tỉnh lân cận. “6 năm gắn bó với lớp, vui có, buồn có nhưng có lẽ tôi nhớ nhất vào năm 2017 khi tôi đi học lớp Trung cấp Lý luận Chính trị tập trung 6 tháng và phải giao lớp học cho bạn khác phụ trách, nhiều em trong lớp liên tục điện thoại cho tôi hỏi thăm. Sau 1 tháng về thăm lớp, tự nhiên tôi thấy cả lớp im ắng lạ thường. Đến khi tôi hỏi, mấy em vừa khóc, vừa hỏi tôi sao lại bỏ các em, rồi nói các em sẽ chăm ngoan, chỉ mong tôi đừng bỏ lớp. Nước mắt tôi cứ thế rơi vì xúc động. Gắn bó với lớp, đến giờ này với tôi, các em cũng như những người em trong gia đình. Một cảm giác của tình thương ruột thịt” - anh Thùy tâm sự.

Lớp học tình thương của anh và các bạn đoàn viên 6 năm qua chưa khi nào vắng tiếng “ê, a” nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc học của các em bị gián đoạn, chưa biết khi nào mới tổ chức lại được. Vắng các em, anh cũng cảm thấy buồn. “5 tháng nay, lớp học phải nghỉ bởi dịch Covid-19, nói thực tôi cũng nhớ các em, thường tới lui thăm hỏi các em. Niềm động viên lớn nhất đối với tôi là dù lớp học phải tạm nghỉ nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được các em gọi điện hỏi thăm. Những câu hỏi: Khi nào học lại thầy ơi? Tụi con còn tiếp tục được học chứ? nhiều lúc khiến tôi rơi nước mắt. Nhất định khi được chính quyền cho phép việc học tập trung, tôi sẽ trở lại lớp học cùng các em” - anh Trương Văn Thùy khẳng định./.

Từ lớp học của anh cùng các bạn đoàn viên, đến nay, nhiều em sau khi hoàn thành lớp học đã được anh giới thiệu việc làm, 3 em tiếp tục theo học tại các trường tiểu học và nhiều em có đủ kiến thức, kỹ năng để tự mình đi xin việc ở các tỉnh lân cận”.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết