Hãy đến lớp học với thầy cô!
Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng thầy cô Trường Tiểu học Đặng Thị Mành, xã Bình Hiệp - một trong những trường thuộc vùng biên giới của thị xã Kiến Tường, vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu làm tốt công việc của mình để mang con chữ đến với học trò, hy vọng các em có được tương lai tươi sáng. Ngày trước, đây là vùng biên giới nghèo, hẻo lánh, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, điều kiện đi lại rất khó khăn, các con đường chỉ toàn đá đỏ, mịt mù bụi khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Thế nhưng, các thầy cô giáo của trường quyết tâm bám trụ, tận tụy với nghề “đưa đò” và biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ ngôi trường này, đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
Cô Lê Thị Thạnh, Trường Tiểu học Đặng Thị Mành, dạy các em tập đọc
Thoáng chốc đó mà 23 năm trôi qua, thời gian nhanh thật! - cô Lê Thị Thạnh - giáo viên công tác tại trường giật mình nhớ lại, rồi cô chia sẻ về quãng thời gian dạy học tại đây. Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, cô Thạnh theo học ngành sư phạm. Ngày tốt nghiệp, cầm trên tay giấy báo nhận công tác tại ngôi trường vùng biên này, chưa kịp mừng đã thấy lo vì trước giờ, cô chưa từng đi xa như thế! Một ngày đường ngồi trên xe đò để đến nơi nhận công tác cũng là một ngày đôi mắt cô đẫm lệ vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, trong đó có một phần vì lo sợ. Dạy ở trường ròng rã 2 năm nhưng chiều nào, cô cũng nhìn về hướng nhà mình, nhớ về nơi tràn đầy không khí ấm áp với người thân, gia đình. Lúc đó, cô ở thị trấn, hàng ngày phải đạp xe gần 10km, vượt qua con đường đất đỏ ghồ ghề để đến trường dạy học. Vất vả là thế, nhưng nhìn các em chăm ngoan làm bản thân cô ngày càng thêm yêu vùng đất này và bám trụ cho đến giờ. Khó khăn lớn nhất khi gieo chữ tại đây là công tác vận động các em ra lớp. Vùng biên giới này, gia đình nào cũng nghèo, người dân làm lụng quanh năm nhưng vẫn không đủ ăn, cô và các đồng nghiệp phải tranh thủ thời gian, lúc phụ huynh các em có ở nhà để vận động họ đưa con mình đến trường học. Có nhiều gia đình, cô phải đi nhiều lần mới gặp được phụ huynh.
Cô Thạnh chia sẻ: “Lúc mới lên vùng đất này, mọi thứ đều xa lạ. Mình bị thanh niên nước bạn theo chọc ghẹo, chưa bao giờ bị vậy nên sợ run cầm cập, đạp xe như bay, nhưng đâu bằng sức của mấy anh chàng, nhiều lần như thế thành quen và mạnh dạn hơn. Điều vui nhất, mỗi ngày đến trường được gặp, dạy cho các em những con chữ, nhìn thấy các em trưởng thành là bao vất vả tan biến hết”.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Thị Mành - Trần Thị Hồng Phượng cho biết: “Bây giờ, cơ sở vật chất được hoàn thiện, công tác vận động học sinh ra lớp cũng dễ thực hiện vì điều kiện kinh tế khá hơn trước, phụ huynh bắt đầu quan tâm đến việc học của con mình. Trước đây vất vả lắm, đường đi khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc vận động học sinh ra lớp thì “trần ai”. Trước khi vào năm học mới, trường phối hợp xã thành lập ban vận động học sinh ra lớp. Năm nay, trường có 24 lớp với 4 điểm trường, gần 500 học sinh”.
Vì yêu nghề
Mới được chia tách không lâu, cuộc sống của người dân huyện Mộc Hóa thiếu thốn nhiều mặt và con chữ đối với vùng biên này cũng vậy. Nhiều năm qua, việc dạy và học nơi biên giới hết sức gian nan từ việc ăn, ở, đi lại của giáo viên đến việc vận động các em ra lớp, chuẩn bị giáo án và truyền đạt kiến thức, phòng học, trang thiết bị,... đều hạn chế. Nhưng những người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” bằng tấm lòng yêu nghề, vượt qua tất cả để cống hiến công sức, tuổi xuân của mình ươm mầm tương lai đất nước.
Đến Trường Tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa (nằm sát biên giới nước bạn), chúng tôi mới hiểu và cảm nhận hết những nhọc nhằn của thầy cô giáo dạy học tại đây. Để mang được con chữ đến với các em, thầy cô giáo của trường phải vất vả sớm hôm. Công tác 21 năm tại trường, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cô Nguyễn Thị Thanh vẫn cần mẫn trên bục giảng để dạy các em đánh vần từng chữ một. Theo cô, dạy học ở vùng biên này, giáo viên gặp nhiều khó khăn. Phòng học chật hẹp, bàn ghế chưa được đầu tư đúng mức, việc vận động các em đến lớp cũng là khó khăn lớn. Bên cạnh đó, dù nhỏ tuổi nhưng các em phải phụ cha mẹ việc đồng áng nên có phần lơ là việc học.
Cô Thanh tâm sự: “Giáo viên phải yêu nghề, thương trò mới bám trụ được nơi này. Mình cũng như những đồng nghiệp phải thức khuya để soạn giáo án và nhiều đêm trăn trở, ngủ không được để tìm phương pháp dạy phù hợp từng em. Bản thân mình bị bệnh, nhờ gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là các em học sinh động viên về tinh thần nên bây giờ sức khỏe tạm ổn. Mỗi ngày được đứng lớp dạy các em con chữ, nhìn các em ê a đánh vần và tin vào tương lai các em sẽ trở thành người có ích cho xã hội, dù khó khăn bao nhiêu cũng vượt qua được!”.
Dạy học ở vùng biên giới, dù khó khăn nhưng thầy cô giáo vẫn vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ (Trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Thanh, Trường Tiểu học Bình Thạnh, hướng dẫn em Phạm Hoàng Yến tập viết)
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh cho rằng: “Giáo viên vùng sâu phải yêu nghề, yêu học trò thì mới bám trụ được. Từ tháng 03/2017, Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ các xã khó khăn, vùng biên giới tại huyện bị dừng nên cuộc sống của giáo viên gặp khó khăn hơn...”. Không quản nhọc nhằn, vì tình yêu nghề, mong muốn được ươm mầm tương lai tươi sáng cho các em, những giáo viên nơi vùng biên vẫn ngày ngày gieo chữ./.
Thanh Mỹ