Từ thầy thuốc đến Trưởng ty Công An
Theo tiểu sử tên đường do Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An cung cấp, chúng tôi tìm về quê của thầy thuốc Lê Minh Xuân ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Nhưng rất tiếc, hầu như không ai biết gì về ông, không có thông tin nào được tìm thấy ở quê nhà của Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Lê Minh Xuân.
Chân dung Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Lê Minh Xuân (Ảnh: Nhà nghiên cứu lịch sử - Đỗ Thanh Bình cung cấp)
Nhà nghiên cứu lịch sử, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh - Đỗ Thanh Bình cho biết: Giáo sư Lê Minh Xuân tên khai sinh là Lê Văn Hộ, SN 1910 tại làng Hựu Thạnh, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông tham gia cách mạng từ những năm 1930, nhà ông từng là nơi nuôi giấu đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ - Phó Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn.
Khoảng thời gian từ khi ông bắt đầu tham gia cách mạng và học nghề thuốc, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nhắc đến, tuy nhiên, đến năm 1936, ông là chủ 2 tiệm thuốc: Nam Cường (ở Mỹ Tho) và Nam Phương (ở Phú Mỹ).
Được sự chỉ đạo của cấp trên, ông về tỉnh lỵ Tân An, thuê căn nhà số 17, đường Nguyễn Duy bây giờ để mở tiệm thuốc Bắc và bán hàng xén. Bên ngoài, thầy thuốc Lê Minh Xuân và phụ tá của ông (đồng chí Hà Tây Giang và đồng chí Lưu Tấn Xương) kê đơn, hốt thuốc, làm cao đơn hoàn tán,... Bên trong, họ giữ nhiệm vụ liên lạc, chuyển tài liệu, sách, báo của Đảng.
Năm 1938, do một vài cơ sở “vỏ bọc” của ta tại Tân An bị địch “đánh hơi” nên đồng chí Trần Trung Tam (Bí thư Chi bộ Tân An lúc bấy giờ) chuyển đến hoạt động tại nhà thuốc Minh Xuân Đường với vai trò thầy lang bốc thuốc. Lúc bấy giờ, thầy thuốc Lê Minh Xuân là trung gian đưa đón và liên lạc cho các hoạt động bí mật tại nhà thuốc Minh Xuân Đường.
Trải qua giai đoạn khó khăn của cách mạng, từng bị địch bắt rồi trả tự do, đồng chí Lê Minh Xuân vẫn tiếp tục tham gia hoạt động, có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng tại Long An. Ông có vai trò khá quan trọng trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Tân An. Năm 1943-1944, đồng chí Lê Minh Xuân là Thường vụ Tỉnh ủy Tân An, cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoằng lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh. Khi thời cơ đến, gặp lúc đồng chí Ba Hoằng bận đi họp với Xứ ủy chưa về, ông cùng đồng chí Chín Trọng (Bí thư Tỉnh ủy) nhận định chính xác tình hình và mạnh dạn trực tiếp tổ chức cướp chính quyền, giành thắng lợi tại tỉnh lỵ Tân An vào ngày 21/8/1945.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là một trong những người tiếp quản tỉnh lỵ Tân An, được phân công làm Ủy trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Tân An (sau này là Trưởng ty Công An) và một số vị trí khác tại tỉnh lỵ Tân An.
Tận tâm với ngành y, dược
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục có nhiều cống hiến trong lĩnh vực y học của nước nhà, lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Phó Viện trưởng Viện Đông y Hà Nội, Ủy viên Ban Dân y miền Nam, Viện trưởng Viện Y dược dân tộc tại TP.HCM (thuộc Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội Y học dân tộc Việt Nam,... Ở vị trí nào, ông cũng dành hết tâm sức cho công việc, được đồng đội và thuộc cấp yêu quý, kính nể.
Giáo sư Lê Minh Xuân và tác giả hồi ký Những tháng năm đáng nhớ - Lê Minh Điểm (Ảnh: suckhoedoisong.vn)
Trong bài viết Chú Năm Xuân và khoa dược của chúng tôi trích từ hồi ký của bản thân, tác giả Lê Minh Điểm viết: “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, chú Năm luôn yêu cầu người thầy thuốc phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Bài học này đã theo tôi suốt cuộc đời làm thuốc sau này. Càng sống và làm việc dưới quyền Giáo sư - lương y Lê Minh Xuân, tôi càng phát hiện ra ở chú nhiều phẩm chất cao quý mà lớp trẻ chúng tôi phải noi theo”.
Thầy thuốc Lê Minh Xuân luôn tận tụy, hết mình vì sức khỏe của bệnh nhân, say sưa nghiên cứu khoa học để tìm ra những loại thuốc mới và phương pháp chữa bệnh mới.
Trong suốt những năm tháng cống hiến cho y học, ông được phong hàm Giáo sư, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Huy chương Vì sức khỏe nhân dân. Ông mất năm 1992 tại TP.HCM. Hiện nay, tên ông được đặt cho một tuyến đường thuộc xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An. Căn nhà số 17, đường Nguyễn Duy (nhà thuốc Minh Xuân Đường năm xưa) vẫn được giữ gìn như một “chứng nhân” lịch sử./.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh ta còn có một nhà hoạt động cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tên Lê Minh Xuân. Ông sinh ra ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa và hy sinh năm 1969. Tên ông được đặt cho 1 con đường, 1 xã và 3 trường học tại TP.HCM. Tại huyện Đức Hòa cũng có ngôi trường mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Minh Xuân. |
Tài liệu tham khảo:
- Hồ sơ di tích lịch sử Nhà thuốc Minh Xuân Đường.
- Lê Minh Xuân (1910-1992), tác giả Đỗ Thanh Bình.
- Một số hiểu biết về lịch sử nhà 17 (hay còn gọi là nhà thuốc Minh Xuân Đường), tác giả Đỗ Thanh Bình.
- Sách Tên đường thị xã Tân An (xuất bản năm 2007).
- Chú Năm Xuân và khoa dược của chúng tôi (trích hồi ký Những tháng năm nhớ mãi), tác giả Lê Minh Điểm.
Mộc Châu