Tiếng Việt | English

23/08/2020 - 08:40

Nguy cơ vỡ đê biển Cà Mau, đề xuất ban bố tình huống khẩn cấp

Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nhiều đoạn đê biển của tỉnh Cà Mau lại bị sóng đánh sạt lở rất nghiêm trọng.

Người dân sống gần những điểm sạt lở này rất lo lắng. Cơ quan chức năng địa phương đã đề xuất xem xét công bố tình huống khẩn cấp để nhanh chóng khắc phục, đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân hàng chục ngàn hộ dân sống trong đê. 


Đê phòng hộ của tỉnh Cà Mau không còn rừng bảo vệ.

Tại đoạn đê biển bị sạt lở nghiêm trọng nhất tỉnh Cà Mau hiện nay là Đá Bạc – Kênh Mới  (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), bên ngoài đê nhiều điểm không còn rừng phòng hộ bảo vệ, sóng biển đánh trực tiếp vào đê. Tại những điểm chân đê phòng hộ bị sóng biển đánh sạt lở nham nhở vào đầu tháng 8 vừa qua, lực lượng chức năng đang làm các rọ đá để gia cố, bảo vệ.

Bà Trịnh Kim The - người dân sống trong đê cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái cơn triều cường kỷ lục đã làm nước mặn tràn qua đê. Nhà cửa của hàng chục hộ dân khu vực cửa biển Đá Bạc bị thiệt hại trở thành nỗi ám ảnh với bà con. Trong đợt ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua, triều cường lại dâng cao, sóng dữ tiếp tục uy hiếp đê nên họ đang rất lo sợ điều đó lặp lại: "Ban đêm có ngủ gì được đâu, miễn nước lên là quấn đồ bỏ chạy. Năm trước nước lên tràn qua đê luôn. Bây giờ vào mùa mưa bão, biển động hoài đó. Mới hồi trưa nước lên nữa, ngày hôm qua, rồi hôm nay nước lớn. Bây giờ sợ có nguy cơ đê bẻ vô trong đó, đoạn này thấy dễ vỡ lắm".


Nhiều đoạn đê vừa qua lại bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng.

Ngoài đoạn Đá Bạc – Kênh Mới (chiều dài 850m) không còn rừng bảo vệ, trên tuyến đê biển Tây của tỉnh còn nhiều điểm khác cũng trong tình cảnh tương tự, như: đoạn bờ Bắc - bờ Nam cống Kênh Mới (chiều dài 765m); đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (chiều dài khoảng 957m). Những đoạn này được ngành chức năng địa phương đánh giá có nguy cơ xảy ra vỡ đê. Trong khi, đê biển Tây của tỉnh Cà Mau có vai trò bảo vệ sản xuất cho vùng ngọt có diện tích khoảng 90.000 ha, với khoảng 26.000 hộ dân. Trong đó, đa số bà con canh tác lúa. Ồng Huỳnh Văn Khởi, người dân sống gần cống Kênh Mới (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) lo lắng chia sẻ: "Đê kiểu này nghiêm trọng, bất lợi lắm. Đê quốc phòng, làm để ngăn mặn, sợ sau này nước lớn tràn nữa. Cần nhanh chóng bảo vệ, bởi bên trong nước ngọt làm ruộng. Lo sợ xâm nhập nước mặn, cần làm đê quốc phòng lại để cản triều cường".

Trước tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở NN-PTNT Cà Mau vừa đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.


Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tập trung khắc phục.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, toàn tuyến đê biển Tây của tỉnh đang có 6 đoạn sạt lở rất nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 5.000 m. Tại các đoạn này, có nơi không còn đai rừng phòng hộ, có nơi còn mỏng nên nguy cơ vỡ đê rất cao. Đặc biệt, khi thời tiết cực đoan xảy ra kết hợp với triều cường dâng cao thì cực kỳ nguy hiểm. Từ đó, cần khẩn cấp bảo vệ để đảm bảo tính mạng, tài sản người dân sống trong đê. Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ biển Đông cũng rất nan giải, tỉnh đang triển khai các giải pháp và kiến nghị trung ương hỗ trợ để khắc phục: "Sạt lở ven biển thì hiện nay tỉnh cũng đang tiếp tục khắc phục bằng các nguồn vốn, bảo vệ khẩn cấp những nơi sung yếu nhất. Còn ở biển Đông cũng đang trình Trung ương hỗ trợ làm khoảng 15 km kè, ngoài ra, Trung ương đầu tư bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới khoảng 8km nữa. Còn lại, tỉnh đang trình xin và cũng đang triển khai, bằng mọi cách bảo vệ những nơi sung yếu nhất".

Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Khoảng 80% đường bờ biển của tỉnh này đang bị sạt lở mất khoảng 20 mét/năm, cá biệt có những nơi mất 50 mét/năm. Khoảng 10 năm qua, tỉnh Cà Mau đã bị mất khoảng 9.000 ha đất rừng phòng hộ ven biển./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết