Quỹ Khuyến học Nguyễn Thị Một tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập
Người phụ nữ “bất khuất, trung hậu, đảm đang”
Bà tên Nguyễn Thị Nho (bí danh Nguyễn Thị Một), nguyên Chánh Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ và là thân mẫu của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình.
Bà Nguyễn Thị Một là cán bộ lão thành cách mạng, người con ưu tú của quê hương Long An trung dũng, kiên cường; đồng thời, là nữ cán bộ bất khuất, nhân hậu; người đảng viên đã nhiều lần bị địch bắt cầm tù, lưu đày ra Côn Đảo nhưng vẫn một lòng kiên trung, bất khuất, tận tụy với nước, tận hiếu với dân, giữ vẹn lời thề sắt son với Đảng.
Bà sinh ngày 20/02/1918 tại ấp Xóm Chùa, xã Long Đước Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). 14 tuổi, bà đã tham gia cách mạng. Năm 1938, lúc vừa tròn 20 tuổi, bà là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời khóa đầu tiên của tỉnh Trà Vinh; năm 1940, là Khu ủy viên Khu Chợ Lớn lúc vừa bước sang tuổi 22. Năm 1959, bà bị địch bắt khi đang là Trưởng ban Cảnh sát vận của Xứ ủy. Địch kết án bà 20 năm tù giam và đày đi khắp các nhà tù chính trị tại miền Nam hồi ấy như An ninh quân đội Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, Đề lao Gia Định, 3 lần nhà tù Phú Lâm, 5 lần ở khám lớn Chí Hòa, 3 lần lưu đày Côn Đảo,...
Năm 1974, bà được trao trả tù binh tại Lộc Ninh. Khi đất nước thống nhất, bà và chồng là ông Trương Văn Bang (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và cũng là người con của quê hương Long An) được Đảng điều động về công tác tại miền Nam. Năm 1976, bà được phân công tham gia Ban Phụ vận Trung ương và đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VI, đến cuối năm 1978, bà nghỉ hưu.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà Nguyễn Thị Một là tấm gương sáng tiêu biểu về truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Dù bị địch bắt cầm tù, tra tấn 15 năm (từ năm 1959-1974), bà vẫn một lòng kiên trung với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.
Trong hồi ký Cuộc đời của mẹ - Gia tài các con, bà viết: “Tôi không viết sách để in bán, mà vì một cuộc đời hoạt động quá dày. Xuôi tay, nhắm mắt cũng tròn trách nhiệm người đảng viên với Đảng. Nhưng viết để lại cho con cháu. Gia đình không có tài sản thừa kế nhưng còn cuộc đời gắn với lịch sử cách mạng để lại cho con cháu, cho bạn bè, cho những địa phương nơi tôi hoạt động,…”.
Tự hào ngôi trường mang tên nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung
Học sinh tự hào khi được học tập dưới mái trường mang tên bà Nguyễn Thị Một
Năm 2013, bà Nguyễn Thị Một qua đời. Một năm sau đó, huyện Cần Giuộc tổ chức Lễ công bố quyết định đặt tên Trường THCS Phước Lại thành tên Trường THCS Nguyễn Thị Một theo nguyện vọng của chính quyền và Nhân dân xã Phước Lại (sau này là Trường THCS&THPT Nguyễn Thị Một).
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình cho hay, việc đặt tên cố cụ bà Nguyễn Thị Một nói riêng, những danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc nói chung cho các trường trên địa bàn tỉnh mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với các thế hệ học sinh, cán bộ, giáo viên, Nhân dân địa phương. Từ đó, tạo động lực để nhà trường tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Qua gần 1 thập kỷ, vào tháng 3/2024, UBND tỉnh phối hợp đơn vị tài trợ tổ chức khởi công xây dựng Trường THCS&THPT mang tên nữ cách mạng lão thành kiên trung Nguyễn Thị Một. Công trình xây dựng mới có tổng diện tích gần 2,4ha, đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 1.900 học sinh. Khối nhà chính có 2 tầng, gồm 25 lớp học và các hạng mục: Hành chính quản trị, nhà truyền thống, nhà đa năng,... dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2025. Tổng kinh phí xây dựng trường khoảng 100 tỉ đồng do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình vận động Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển DB tài trợ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Cần Giuộc là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Công nghiệp, thương mại - dịch vụ đang thu hút nhiều nguồn lao động nhập cư kéo theo việc gia tăng dân số cơ học. Vì vậy, hạ tầng giáo dục phải tương xứng và đồng bộ để phục vụ việc dạy và học. Hiện dân số của huyện khoảng 250.000 người, trong đó, có hơn 38.800 học sinh đang theo học tại 54 trường trên địa bàn huyện. Dự báo đến năm 2030, sẽ có gần 45.000 học sinh, cần khoảng 60 trường học ở các cấp học mới đáp ứng đủ nhu cầu học tập của các em. Vì vậy, việc xây mới trường góp phần giải quyết tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất; đáp ứng nhu cầu học tập cho con em công nhân các xã có khu, cụm công nghiệp.
Những năm học qua, Ban Giám hiệu trường chú trọng giáo dục để học sinh thêm tự hào, yêu quý ngôi trường mang tên bà Nguyễn Thị Một. Tập thể giáo viên luôn đoàn kết, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, năm 2023, Chi bộ trường được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Em Trần Hoàng Như Ý - học sinh lớp 10A1, Trường THCS&THPT Nguyễn Thị Một, chia sẻ: “Em cảm thấy may mắn và tự hào khi được học tập dưới mái trường mang tên cụ Nguyễn Thị Một. Em mong muốn ngôi trường mới sớm được hoàn thành để chúng em có điều kiện học tập tốt hơn”.
Ghi nhớ công lao của người phụ nữ kiên trung không chỉ thể hiện qua việc đặt tên trường, năm 2022, Quỹ Khuyến học Nguyễn Thị Một (huyện Cần Giuộc) được thành lập. Đây là tâm huyết của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình. Từ khi thành lập đến nay, quỹ tiếp nhận hàng tỉ đồng, đã xét và trao học bổng cho nhiều học sinh, sinh viên nghèo có ý chí vươn lên trong học tập của huyện Cần Giuộc và Cần Đước./.
Trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Một luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công. Bà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cùng nhiều danh hiệu và huân, huy chương khác. Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ (29 Huỳnh Khương Ninh - Đa Kao - Sài Gòn năm 1956-1957) do bà làm Chánh Văn phòng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước,... |
Như Nguyệt