Tiếng Việt | English

27/03/2018 - 14:43

Nhật Bản thông qua dự luật thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/3 đã thông qua các dự luật nhằm tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này.


Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tokyo . (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng phụ trách CPTPP của Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định CPTPP là một kết quả bước ngoặt trong quan điểm thúc đẩy thương mại tự do. 

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình các dự luật này lên phiên họp của Quốc hội hiện nay, kéo dài đến ngày 20/6 tới. Tokyo hy vọng động thái này sẽ dẫn dắt các tiến trình cần thiết trong nước cũng như tạo động lực phê chuẩn CPTPP tại các nước thành viên khác. 

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn thành các thủ tục trong nước. 

Để CPTPP có hiệu lực tại Nhật Bản, nước này cần sửa đổi tổng cộng 10 đạo luật, trong đó bổ sung các quy định và biện pháp mới đối với những thay đổi từ hiệp định thương mại tự do này. 

Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi này không lớn như việc ấn định thời điểm thực thi hoặc thay đổi tên của hiệp định. 

Khi CPTPP đi vào thực thi, bản quyền và thương hiệu sẽ được bảo vệ trong 70 năm sau khi các chủ sở hữu thương hiệu không còn tồn tại, lâu hơn 20 năm so với quy định hiện nay tại Nhật Bản. 

Chính phủ cũng sẽ tìm cách giúp đỡ những người chăn nuôi gia súc trong nước khi họ phải chịu thiệt hại do giá sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn từ các nhà cạnh tranh nước ngoài. 

Ngày 8/3 vừa qua, đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tham gia lễ ký CPTPP. 

Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. 

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. 

CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. 

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết