Tiếng Việt | English

27/10/2015 - 10:59

Nhớ mùa cá linh

Đã sang trung tuần tháng 9 âm lịch rồi mà ra các chợ ở TP.Tân An tìm mua cá linh chỉ thấy lác đác chỗ có chỗ không; chỗ có thì cũng chỉ một vài ký chứ không nhiều. Thường thì năm nào tới đầu mùa mưa cũng có cá linh non để nhúng lẩu chua hoặc chiên giòn cuốn bánh tráng rau sống. Anh bạn tôi làm việc ở một cơ quan Trung ương, lần nào chuẩn bị về TP.Tân An anh cũng điện hỏi tôi đã có cá linh chưa, nếu có, mua cho anh 4,5 ký để ăn cho đã thèm. Anh còn nói đùa bằng một câu tục ngữ tự đặt: “Nghe tiếng cá linh giật mình chạy kiếm”!


Bông súng và bông điên điển sẵn sàng cho món canh chua cá linh

Tôi nhớ mùa lũ năm ấy, đang ngồi tắc ráng băng đồng nước mênh mông ở Tân Hưng, bỗng một ghe chở đầy người chạy ngược chiều và có tiếng kêu tên tôi bảo trưa nay về huyện ăn cơm phải có món canh chua cá linh bông điên điển, không là,... nghỉ ăn đó! Tôi nhận ra anh bạn phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đi với một đoàn cứu trợ đang trên đường về thị trấn Vĩnh Hưng, liền đưa một ngón tay cái ra dấu “chắc cú”. Tưởng gì chớ lũ lớn thì cá linh ê hề, huyện mời cơm không thể thiếu món đặc sản mùa lũ ở vùng Đồng Tháp Mười đó đâu!

Mùa lũ, nguồn “lộc trời” từ sông Mêkông trôi về bao nhiêu là giống cá: Nào chạch lấu, rô mề, trê vàng, cá trèn,... với đủ cách chế biến dân dã mà điệu nghệ, khi chủ đã đãi khách thì đừng có ăn dè sẻn mà hãy gắp nguyên con ăn cho đã. Riêng món cá linh nấu chua bông điên điển, hãy múc cho đầy chén mà lùa vào miệng mới đã thèm.

Tôi nhớ mãi mùa lũ lịch sử năm 2000 mình đi xe ôm từ thị trấn Mộc Hóa tới ngã ba Bình Hiệp là đường ngập lút bánh xe, đành lội nước về thị trấn Vĩnh Hưng. Vừa đi tôi vừa ngắm 2 bên đường người ta đặt đủ loại phương tiện bắt cá linh. Nhiều đứa trẻ mình trần dầm trong nước giăng lưới mùng. Khi kéo lưới là túm thành nùi rồi xổ ra cái thau nhựa to! Rồi khi lũ rút, nước đứng đồng, đi miệt Thạnh Hóa tôi còn thấy từng dãy xuồng ghe đầy lu hũ. Hỏi, họ bảo từ Tân Châu, Hồng Ngự, Bến Tre đến đánh bắt. Do quê họ ở đầu nguồn nên đón lũ và cá linh non sớm nhất. Sau đó, hễ lũ dâng lên tới đâu ghe xuồng họ theo con nước tới đó mà đánh bắt, rồi số nào bán được tại chỗ thì bán, số không bán hết thì làm mắm cho vô hũ, vô khạp chở về quê tiêu thụ; cái thì nấu lẩu mắm nhúng hẹ nước, bông súng và các loại rau khác ăn với bún; cái thì làm nước mắm nhĩ, rất ngon!

Con cá linh quý thế chứ! Thế nên Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh(*) - chuyên gia nông nghiệp - đã phải lo: “Nếu mai này hết cá linh, không biết người dân nghèo ở miệt Đồng bằng sông Cửu Long sống bằng cái gì, chẳng lẽ quen ở trần, mặc quần xà lỏn, đội nón lá mà phải bơi xuồng để đi vào ăn fastfood ở nhà hàng McDonald?”. Vị Tiến sĩ nông học cho biết, ở sông Mêkông, trong họ phụ cá chép (cyprininae) nếu có loài lớn được gọi là “mẹ của các loài cá chép” thì có cá hô (Catlocarpio siamensis) với trọng lượng lên đến hàng trăm ký, thì cũng có loài nhỏ nhất (dài độ 15-20cm) gọi là cá linh (Henicorhynchus siamensis) có vảy trắng nhỏ màu ánh bạc. Đây là loài cá có trữ lượng khổng lồ và đã nuôi sống con người từ bao đời nay ở vùng châu thổ đất Chín Rồng. Nhà khoa học này còn nói, con cá linh có vai trò rất quan trọng trong đời sống và truyền thống văn hóa dựa vào thiên nhiên của người dân ở đây. Khi gió bấc bắt đầu thổi lao xao thì người ta ăn món cá linh non kho lạt gói với đọt lá vừng, lá bằng lăng,... đến khi trời ngớt mưa và nước bắt đầu đứng đồng hay vực xuống thì thưởng thức món cá linh nấu canh chua béo ngậy với bông so đũa hay bông điên điển, hoặc kho lá gừng. Ra Giêng không còn cá đồng thì ăn món mắm kho hay lẩu mắm cá linh đã được ủ để dành sẵn từ mùa nước của năm trước.

Nhà nông học này cũng cho thấy, khi Đồng bằng sông Cửu Long còn dày rừng tràm và lúa nổi thì cá linh nhiều vô kể, đánh bắt phải tính bằng giạ như đong lúa. Đến tháng 6, cá linh non theo nước lên đồng để ăn rong rêu, cỏ mục và vỗ béo ở đó cho đến khi nước rút thì chúng theo nhau đổ ra kinh rạch để về sông. Cá linh lúc này là ngon nhất vì nguồn thức ăn phong phú vô tận trên đồng đã nuôi chúng trưởng thành. Các nghiên cứu cho thấy cá linh gồm nhiều loài rất tương cận nhau, chỉ hơi khác về kích thước và hình dạng của vây lưng, trong đó loài H. siamensis là phổ biến nhất. Cá linh chỉ trúng mùa khi có mưa nhiều, nước lên đồng sớm và mùa lũ kéo dài, còn ngược lại thì chúng chậm lớn và độ béo kém.

Vừa mới rồi anh bạn láng giềng có biếu tôi mấy hộp cá linh sản xuất ở An Giang. Ăn rồi mới thấy vị ngọt, béo và thơm bùi. Có thể làm theo kiểu: Lựa cá linh to cỡ ngón tay cái cắt bỏ đầu, đuôi, ướp cà chua băm nhỏ với nhân trái gấc chín và các loại gia vị (đường, bột ngọt, muối) cho vào nồi áp suất, đổ nước dừa vừa ngập, đun khoảng 15 phút, tắt bếp để nguội là ăn được.

Tuy nhiên, con cá linh cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dần. Theo TS.Nguyễn Văn Huỳnh, việc khai thác quá độ nguồn nước và lưu vực sông Mêkông sẽ giới hạn nguồn cá linh. Hiện nay, ngoài 2 đập thủy điện lớn của Trung Quốc đã xây dựng trên thượng nguồn sông Mêkông, còn rất nhiều đập thủy điện nhỏ khác đã và đang được xây dựng ở Lào, Thái Lan, khiến Việt Nam và cả Campuchia bị giới hạn bãi đẻ của cá bố mẹ và nơi phát triển của cá con. Đê bao và làm lúa 2-3 vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long nở rộ, dư lượng của thuốc trừ sâu dùng cho việc thâm canh tăng vụ lúa làm ô nhiễm nguồn nước, từ đó sản lượng cá linh cứ giảm dần cùng với nhiều loài cá đặc trưng khác. Đó chính là hệ quả của sự phát triển thiếu đồng bộ và tự phát./.

Tạp bút của Quang Hảo

(*) TS.Nguyễn Văn Huỳnh, Báo Khoa học phổ thông Xuân Ất Dậu 2005.

 

Chia sẻ bài viết