Tiếng Việt | English

16/09/2018 - 09:58

Nhớ nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Nói đến cải lương là nói đến vọng cổ, nói đến vọng cổ lại nhớ đến nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong bài viết này, người viết muốn nhắc lại vài chi tiết về Tổ quán của người nhạc sĩ tài hoa và hoàn cảnh ra đời của bản Dạ cổ hoài lang.

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Thương biết mấy khi lược qua tiểu sử trong gia phả họ Cao của nhạc sĩ. Ông sinh ngày 22/12/1892. Mới 4 tuổi (1896), cậu bé Cao Văn Lầu theo cha mẹ và 20 gia đình cùng xóm phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn - thôn Thuận Lễ, làng Thuận Mỹ, tổng Thuận Hội Hạ, phủ Tân An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), xuống miệt thứ, bị sóng gió tấp vào bờ biển tỉnh Bạc Liêu, khai khẩn đất hoang. 8 tuổi (1900), cậu bé Lầu làm chú tiểu chùa Vĩnh Phước học chữ Nho và kinh Phật. Sau, cậu học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp ở trường làng. 17 tuổi, anh thanh niên Cao Văn Lầu vừa cố gắng lo việc gia đình, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi học nhạc ở thầy Hai Khị mù lòa, khó tính, nổi tiếng đờn hay nhất vùng. Với tư chất thông minh, hiếu học, đặc biệt có gen âm nhạc của dòng họ (từ ông nội, cha và mấy anh em đều biết đờn), Cao Văn Lầu học gì cũng giỏi, từ học chữ Nho, chữ Pháp đến học đờn. Những bản chưa biết, nghe ai đờn một lần là ông có thể đờn theo được. Chỉ vài tháng theo học, thầy Hai Khị để ý thấy người học trò này có ngón đờn rất “tươi”, đánh trống điệu nghệ nên đưa vào làm thành viên ban nhạc lễ của ông. Sau khi thầy Hai Khị mất, ông tập hợp các bạn đờn thành lập ban nhạc lễ riêng rất nổi tiếng.

23 tuổi, người thanh niên Cao Văn Lầu sánh duyên cùng cô thôn nữ đẹp người, đẹp nết Trần Thị Tấn. Dù nhà nghèo nhưng cha mẹ cũng vay tiền của hương sư Chơn 80 đồng bạc Đông Dương lo đám cưới đàng hoàng. 26 tuổi, bi kịch gia đình xảy ra, vợ 3 năm không sanh được con “Tam niên vô tử bất thành thê”, cha mẹ buộc ông phải bỏ vợ. Đau buồn, ông càng đi sâu nghiên cứu âm nhạc.

May mắn, tôi được xem bản viết tay do ông Sáu Lầu ghi lại nói rõ hoàn cảnh sáng tác ra bài Dạ cổ hoài lang còn lưu lại ở gia đình: “... Kể từ đó, ba không nguôi lòng thương nhớ. Khi cực nhọc có nhau, ăn thảm nuốt sầu hơn mấy năm trường, ngày nay xa cách. Ban đêm (trước đây - TB) ba đi xúc tép về thì có má con ra lựa tép, ngày nay xúc về không còn má con. Có đêm ba nằm mơ màng kêu “mình dậy sáng rồi”. Hỡi ôi, tay rờ chiếu không nào thấy ai đâu. Đêm nằm trằn trọc không yên giấc, mơ màng hình bóng của má con; nên chiều buồn tay cầm viết chì, miếng giấy trắng, nhìn trời mây mặt hướng về Giồng Giữa chép miệng hút gió lựa những siêu âm sầu muộn ghi vào. Ba ngày rồi 20 câu vọng cổ. Từ đó ba thui thủi làm trả nợ”. Tuy vậy, ông Sáu Lầu thỉnh thoảng lén cha mẹ đi thăm vợ, rồi vợ ông có thai, vợ chồng ông được sum họp.

Tình cảm sâu nặng da diết của ông đối với người vợ thân yêu là vậy, cộng với thực tế xã hội lúc bấy giờ đang còn biết bao người vợ có chồng bị giặc Pháp bắt lính đi làm bia đỡ đạn ở phương trời xa, phải trở thành chinh phụ. Nỗi đau riêng hòa nỗi đau chung của người dân mất nước, ông đã viết nên bản Dạ cổ hoài lang. Tính khái quát đó là linh hồn khiến cho bài Dạ cổ hoài lang (sau là vọng cổ) tồn tại và phát triển gần trăm năm qua, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong nhân dân.

“Bản Dạ cổ hoài lang từ khi ra đời là một bài ca yêu nước, phản đế phản phong” (Lư Yến văn). “Bản Dạ cổ hoài lang là khúc nhạc mầu nhiệm, gợi nỗi buồn man mác, buồn với nội dung xây dựng, tin tưởng…” (Sơn Nam).

Hay như mang ý tổng kết “Bài Dạ cổ hoài lang không những khái quát được tâm tư, tình cảm của một lớp người ở thời đại đó, mà còn nêu lên tính độc đáo về cấu trúc kỹ thuật, cấu tạo âm dương, phối hợp khéo léo những điệu thức của một loại hình mới về nghệ thuật âm nhạc, được phát triển dựa trên những đường nét cổ truyền... làm cho tác phẩm được tăng cường sức hấp dẫn và sự thể hiện phong phú về mặt hình tượng nghệ thuật khiến cho người nghe như cảm thấy có cuộc đời mình trong đó” (Đắc Nhẫn, Tìm hiểu âm nhạc cải lương, NXB TP.HCM, 1987). Cố giáo sư Trần Văn Khê thì cho rằng: “Chân phương hoa lá trong bài Vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi mát, cái đẹp đẽ, cái phong phú, cái dồi dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác Sáu Lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ...”.

Còn nhạc sĩ Cao Văn Lầu nói về “đứa con” của mình: “Bây giờ bản Vọng cổ nhịp đôi đã đổi đến nhịp 32 (mỗi câu - TB) là nhờ công sửa đổi của quý vị nhạc sư, nhạc sĩ, soạn giả để trở thành đứa con tinh thần chung của quý vị. Tôi xin giao đứa con ấy cho quý vị thương nó mà giữ giùm nó, đừng để nó biến thành một đứa con hoang mất hết căn gốc về nhịp điệu và lối ca... tôi cũng khẩn thiết ước mong quý vị thương tôi, thương nó mà dùng bản Vọng cổ đúng giọng hợp cảnh, hợp tình”... (Báo Dân Quyền Sài Gòn, ngày 21/11/1963).

Để tưởng nhớ công ơn và tự hào về người nhạc sĩ tài hoa, lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu lấy tên Cao Văn Lầu đặt cho tên đoàn hát, nhà hát, câu lạc bộ đờn ca tài tử, ở TP.HCM cũng đã có đường Cao Văn Lầu như để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa./.

Thanh Bền

Chia sẻ bài viết