Tiếng Việt | English

16/04/2019 - 08:35

Nhớ về cội nguồn - nghĩ đến trách nhiệm


“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Tháng ba âm lịch hàng năm, các thế hệ người Việt Nam đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và người Việt ở nước ngoài luôn dành tất cả tình cảm, hướng về đất Tổ, Đền Hùng- nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước với lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc.
Từ xưa đến nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tưởng nhớ, tri ân các vua Hùng có công dựng nước và các bậc tiền nhân vì dân giữ nước luôn khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và sức mạnh của lòng yêu nước. Đây chính là nền tảng sức mạnh, động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày hội chung của toàn dân, là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của ông cha, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Giỗ Quốc Tổ được tổ chức với mục đích tăng cường văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Việt, tăng cường sự đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Đây là nghi lễ cần được giữ gìn và phát huy giúp cho mọi người dân Việt Nam hiểu được lịch sử cội nguồn của dân tộc, của truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đại đoàn kết, yêu nước nồng nàn, “Uống nước nhớ nguồn” được phát huy cao độ. Dưới ngọn cờ hiệu triệu của Đảng, các dân tộc anh em đoàn kết một lòng, vượt qua gian khổ, hy sinh đã lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do và thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ngày nay, thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng cao trên trường quốc tế. Đó cũng nhờ Đảng, Nhà nước ta phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, ý thức yêu nước của toàn dân, mà truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc chính là sức mạnh nội sinh to lớn.

Nhớ đến cội nguồn - nghĩ đến trách nhiệm, càng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, chúng ta phải nỗ lực học tập, công tác, lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, non sông gấm vóc ngày càng to đẹp hơn. Đồng thời, tâm nguyện với lòng, sống sao cho xứng đáng với truyền thống oai hùng của cha ông; phát huy truyền thống quý báu đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ từng ghềnh đá, tấc đất, mét biển cha ông đã dày công khai phá, giữ gìn. Mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải có trách nhiệm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hướng về đất Tổ, nén hương thơm xin sâu sắc nhớ ơn!

Long An

Chia sẻ bài viết