Tiếng Việt | English

27/08/2022 - 11:20

Nhọc nhằn nghề nhân viên tiếp thị

Ngoài phương tiện đi lại, những người làm nhân viên tiếp thị (NVTT) phải có kỹ năng giao tiếp khéo léo và sức khỏe thật tốt. Nếu cần cù, chịu khó cộng thêm một chút may mắn, công việc này mang lại nguồn thu nhập khá cao. Tuy nhiên, công việc này cũng lắm nỗi nhọc nhằn.

Anh Phạm Hoàng Khoa hiện là nhân viên tiếp thị nước giải khát

Giữa tháng 8, chúng tôi rong ruổi cùng anh Phạm Hoàng Khoa (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An), tiếp thị sản phẩm nước giải khát (Ôlong, Pepsi, Sting,...) tại các tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP.Tân An. Qua đó, giúp chúng tôi phần nào hiểu được những vất vả của công việc này.

Điểm đến đầu tiên của anh là một tiệm tạp hóa tại xã Bình Tâm, TP.Tân An. Đến nơi, người chủ không có ở tiệm nên anh phải đợi. Anh Khoa chia sẻ: “Tình huống này tôi gặp thường xuyên, chủ không có ở đây nên phải đợi. Trường hợp họ đi lâu quá thì tôi di chuyển sang các cửa hàng khác, đến khi xong việc thì quay lại sau”.

Sau hơn 30 phút, chủ tiệm trở về, anh Khoa bắt đầu chào các chương trình khuyến mãi trong tuần. Theo đó, mỗi tuần, công ty anh đều có một chương trình khác nhau nhằm thu hút khách hàng. Nhờ cách nói chuyện khéo léo, anh chốt được kha khá số lượng sản phẩm. Được biết, ngày hôm sau sẽ có một bộ phận khác phụ trách giao hàng.

Hiện anh phụ trách tiếp thị tại huyện Thạnh Hóa, Châu Thành, Thủ Thừa và TP.Tân An. Trung bình mỗi ngày, anh đi hơn 30 điểm bán. Là NVTT nước giải khát của nhãn hàng nổi tiếng, đã có chỗ đứng trên thị trường nên anh không quá vất vả trong việc giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các nhà phân phối khác là rất lớn, khách hàng quan tâm đến giá cả và những ưu đãi dành cho họ, ở đâu giá cả hợp lý thì nhập hàng. Mặt khác, những nhãn hàng tên tuổi sẽ đưa ra mức tiêu thụ khá cao cho nhân viên, nếu không đáp ứng được thì tháng đó thu nhập rất thấp.

“Trung bình mỗi tháng, tôi phải “chạy” từ 5.000-6.000 thùng, tùy vào thời điểm, con số đó sẽ tăng hoặc giảm. Vào mùa mưa và nghỉ hè, mức tiêu thụ giảm mạnh bởi hiện nay, thị phần tại các trường học chiếm khoảng 30%. Mùa mưa đi làm vất vả nhưng lượng tiêu thụ không cao, công việc nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng, bù lại vào mùa nắng, thời điểm lễ, tết thì mức tiêu thụ rất tốt” - anh Khoa bộc bạch.

Ngoài lương “cứng” từ công ty và nhà phân phối, anh Khoa còn được nhận thưởng từ doanh số và KPI. Nếu tháng nào “buôn may bán đắt” thì anh có thu nhập từ 16-17 triệu đồng, trung bình dao động từ 10-13 triệu đồng, chi phí ăn uống, xăng xe hay điện thoại do NVTT tự chi trả. Nhìn chung, công việc này cũng mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định.

Không may mắn như anh Khoa, anh Nguyễn Thành Cường (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) hiện là NVTT của một nhãn hàng mì ăn liền chưa mấy tên tuổi. Anh Cường tâm sự: “Mỗi tháng, tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng, tiếp thị sản phẩm mới nên nhà phân phối không ép doanh số như các nhãn hàng đã có tiếng. Tôi bán được bao nhiêu thì hưởng phần trăm trên tổng đơn hàng bán được trong tháng. Tuy nhiên, khi mới vào nghề và sản phẩm chưa được nhiều người biết đến nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khách hàng chưa quen mặt nên không dám lấy hàng vì sợ bị lừa. Hiện tại, bản thân đã vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, mặc dù thu nhập chưa cao nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng”.

Theo nhiều NVTT, do đặc thù của công việc phải đi đây đó nên việc chịu nắng, chịu mưa, ăn cơm bụi, ngả lưng nghỉ ngơi ở quán nước dọc đường là chuyện thường xuyên. Tương tự nhiều ngành nghề khác, NVTT cũng lắm nhọc nhằn.

Gác lại chuyện không vui và những khó khăn, vất vả, công việc này giúp mọi người rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, cải thiện khả năng giao tiếp. Tin chắc rằng, nếu mỗi người có đủ quyết tâm, cố gắng thì sẽ sớm gặt hái được “quả ngọt”./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích