Tiếng Việt | English

14/05/2017 - 04:55

Những bí quyết đưa Chelsea thành nhà vô địch sớm hai vòng đấu

Mùa trước, Chelsea kết thúc Premier League 2015/16 không kèn không trống với vị trí thứ 10, giành chẵn 50 điểm sau 38 vòng đấu với hiệu số + 6. Mùa này, The Blues đã lên ngôi vô địch sớm hai vòng đấu. Đâu là cơ sở để Chelsea thực hiện một cuộc lột xác ngoạn mục tới vậy?

 

Các cầu thủ CLB Chelsea ăn mừng sau khi giành chiến thắng trước West Bromwich ngày 12/5. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Không phải thi đấu nhiều đấu trường

Khác với những đối thủ như Tottenham, Arsenal hay Manchester City, Chelsea sở hữu một lịch thi đấu nhàn hạ trong cả mùa giải khi không phải bung sức ra những đấu trường như Champions League hay Europa League.

Mùa này Chelsea “chỉ” phải chơi có 38 trận tại Premier League, 6 trận tại cúp FA và 3 trận tại League Cup (bị West Ham loại tại vòng 4).

Như vậy, Chelsea của Conte chơi chưa tới 50 trận/mùa. Trong khi đó. Tottenham sẽ phải chơi 53 trận/mùa, con số với Arsenal cũng là tương tự.

Antonio Conte

Sự xuất hiện của Antonio Conte rõ ràng đã thay đổi toàn bộ cán cân quyền lực tại Premier League trong mùa giải này. Manchester City có Pep Guardiola, Man United có Jose Mourinho, Arsenal có Arsene Wenger, Liverpool của Juergen Klopp và giờ thì Chelsea có Conte.

Nhà cầm quân người Ital​y không mất quá nhiều thời gian để thích nghi với giải Ngoại Hạng, lấy lòng các cổ động viên Chelsea.

Thu phục được yếu tố con người trong thời gian đầu, Conte bắt đầu đưa ra những thay đổi lớn của mình trên sân cỏ thông qua việc sử dụng thành công sơ đồ 3-4-3 kể từ sau trận thua 0-3 trước Arsenal hồi tháng 10/2016.

Sau khi đưa ra “phát kiến” này, Chelsea của Conte không hề bị mất điểm trong hai vòng liên tiếp dù chỉ một lần cho tới khi họ vô địch.

Sơ đồ 3-4-3 cũng trở thành mốt ở xứ sở Sương mù, từ huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh, Gareth Southgate tới Arsene Wenger giờ đều tính tới phương án sử dụng cách sắp xếp triệt để này hòng tận dụng được tối đa sức mạnh.

Mua sắm khôn ngoan

David Luiz, N’Golo Kante và Marcos Alonso là những thương vụ mà Chelsea chi tiền trong mùa Hè 2016. Và tất cả số này đều cho thấy tầm ảnh hưởng trong chức vô địch của nửa xanh thành London. Kante tới Stamford Bridge từ Leicester City với giá 30 triệu bảng.

Người ta so sánh anh với người đồng đội đắt đỏ ở đội tuyển Pháp, Paul Pogba (tới M.U với giá 89 triệu bảng) và giờ thì không ai dám khẳng định ngôi sao của Quỷ đỏ hơn Kante về mặt giá trị.

Sở hữu một động cơ gần như bất tử ở tuyến giữa như Kante giúp Chelsea luôn vượt mặt hầu hết những đối thủ tại Premier League.

Sự xuất hiện của Kante cũng giúp David Luiz hoàn thiện hơn. Hậu vệ người Brazil trong giai đoạn đầu tiên gắn bó với Chelsea luôn được nhớ tới như một mẫu cầu thủ phòng ngự vô kỷ luật, nhưng mùa này Luiz là nhân vật không thể thiếu trong hàng phòng ngự ba người của Chelsea bằng kỹ năng chuyền bóng tốt.

Cuối cùng, Marcos Alonso. Hậu vệ trái người Argentina tưởng chừng như không có gì đặc biệt đã vươn mình trở thành bản hợp đồng kiểu mẫu tại Premier League bằng sự cần cù bên hành lang trái.

Chiều sâu đội hình

Sau giai đoạn Chelsea thắng 13 trận liên tiếp tại Premier League, báo chí Anh đã nói rằng Chelsea của Conte chỉ có đúng một đội hình dùng đi dùng lại, và không sớm thì muộn sẽ bị đối phương bắt bài hoặc đơn giản hơn là các trụ cột kiệt sức. Quan điểm này đã lầm.

Trong giai đoạn khó khăn, Conte đã biết cách sử dụng những nguồn lực từ các cầu thủ dự bị để tạo ra sức mạnh cho Chelsea, đưa đội bóng tới chiến thắng. Cesc Fabregas, Willian hay Mitchy Batshuayi là những ví dụ như thế.

Kỷ luật

Cuối cùng là kỷ luật. Đây là điều tạo ra sự khác biệt lớn nhất giữa Chelsea mùa này và mùa trước. Nếu như mùa trước, mâu thuẫn của Jose Mourinho với nữ bác sỹ Eva Carneiro đã phá nát phòng thay đồ Chelsea từ thời điểm đầu tháng 10, làm tiền đề cho cuộc sụp đổ triều đại sau đó, thì mùa này không còn chuyện những mâu thuẫn bên ngoài sân cỏ ảnh hưởng tới câu lạc bộ.

Antonio Conte với kỷ luật thép của người Ital​y đã kiểm soát được tất cả những ngôi sao tại Stamford Bridge dù đó có là Eden Hazard hay Diego Costa. Còn nhớ khi Costa làm mình làm mẩy đòi rời Chelsea hồi giữa tháng Một, Conte đã rất bình tĩnh hạn chế tiếp xúc với báo giới, bố trí tiền đạo người Tây Ban Nha tập riêng, và dần dần giải quyết vấn đề.

Mọi chuyện sau cùng cũng được giải quyết êm thấm mà phòng thay đồ của Chelsea không hề bị rơi vào tình cảnh “hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại.”

Tất cả đều là nhờ kỷ luật thép mà Conte đã đặt ra cho các học trò. Chức vô địch Premier League cũng từ đó mà ra./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết