Báu vật của bản
Tại nhà văn hóa cộng đồng bản Lạ (xã Lượng Minh, H.Tương Dương, Nghệ An) đang thờ một bức tượng phật tọa thiền được đúc bằng đồng màu đen với chiều cao hơn 70 cm, nặng 57 kg. Ông Lô Văn Đoàn (82 tuổi), một cựu giáo viên ngụ ở bản Lạ, đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu bức tượng này. Ông Đoàn cho biết bản Lạ được lập năm 1757. Lúc đó, tại xã Thạch Giám (cách bản Lạ khoảng 7 km) có một ngôi chùa nên ở địa phương này có khá nhiều người theo đạo Phật. Sau khi lập bản, người dân bản Lạ muốn có một vị thần phù hộ cho bản nên đã góp tiền đồng để đúc bức tượng phật này.
Bức tượng phật đang được thờ tại nhà văn hóa cộng đồng bản Lạ
K.HOAN
“Bức tượng được thuê đúc, nhưng phải đúc đến lần thứ 3 mới thành. Hai lần đúc trước đều bị khuyết ở chân và tay. Khi dân bản họp lại để rà soát thì phát hiện có một bà góa chưa đóng góp tiền đồng để đúc tượng. Sau khi bà này góp tiền thì lần đúc thứ 3 thành công”, ông Đoàn kể.
Sau khi có bức tượng, người dân bản Lạ thỉnh tượng về, xây tháp để thờ. Những năm kháng chiến chống Pháp, tháp bị đổ. Do không còn tháp nên từ năm 1953, người dân quyết định mang pho tượng đến nhà trưởng bản để thờ. Kể từ đó, ai được bầu làm trưởng bản thì được thờ và bảo quản bức tượng. Đến năm 2005, người dân bản Lạ quyết định rước tượng ra thờ ở nhà văn hóa cộng đồng của bản.
Ông Đoàn cũng cho biết hiện nay nhiều người dân bản Lạ không phải là tín đồ của Phật giáo, nhưng họ đều rất quý và tôn thờ tượng, coi đó là báu vật của bản. “Dân bản chúng tôi rất ít bị bệnh tật, tai ương. Người dân trong bản sống yên bình, thuận hòa, luôn giữ được nền nếp gia phong, con cháu đều ngoan ngoãn, lễ phép”, ông Đoàn nói.
Bức tượng tại nhà văn hóa cộng đồng bản Lạ được đúc bằng đồng màu đen, kẻ gian cho là đồng đen nên thường xuyên dòm ngó. Ông Đoàn cũng cho biết tượng đã nhiều lần bị trộm, trong đó ông chứng kiến 3 lần bị mất. Năm 1987, khi bức tượng đang đặt tại nhà trưởng bản thì bị trộm khoét vách, mang đi. Ông Đoàn là người lập đàn cúng, xin Phật phù hộ để tìm bức tượng. 20 ngày sau, bức tượng được tìm thấy ở con suối gần bản. Khoảng 3 năm sau, bức tượng lại bị khiêng đi, nhưng chỉ ít ngày sau, kẻ trộm lại mang trả. Năm 2006, khi bức tượng được đưa đến thờ ở nhà cộng đồng, lợi dụng đêm mưa gió, kẻ gian phá vách trộm tượng mang đi. Khoảng 1 tháng sau, một người dân của bản đi cắt cỏ, phát hiện bên kia sông Nậm Nơn (chảy qua bản) có một chiếc xe tải và một nhóm người có hành vi kỳ lạ nên báo cho trưởng bản. Khi dân bản Lạ đổ ra, nhóm người này lập tức lên xe bỏ chạy. Kiểm tra khu vực, người dân phát hiện bức tượng đang bị giấu dưới lùm cây ở mép sông.
Ông Lô Văn Hiến, Trưởng bản Lạ, cho biết sau lần đó, bản đã xây bệ thờ trong nhà cộng đồng để thờ tượng. Do được thiết kế chống trộm cẩn thận nên kể từ đó, bức tượng không bị trộm nữa. Theo thông lệ, mỗi năm dân bản tắm tượng một lần bằng nước ngâm vỏ quế. Khi bản có lễ hội, sự kiện lớn đều thắp hương khấn Phật.
Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh Lô Văn Hùng cho biết bức tượng này đã trở thành báu vật của bản Lạ, được người dân gìn giữ cẩn thận.
Các bức tượng phật đang được cất giữ ở xã Mỹ Lý
K.HOAN
Những bức tượng trong tháp cổ
UBND xã Mỹ Lý (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) và người dân ở đây đang bảo quản 7 bức tượng phật bằng đồng từng được thờ trong một ngôi tháp cổ có tuổi đời hàng trăm năm ở xã này. Tháp cổ có tên gọi là tháp Yên Hòa, cao khoảng 30 m, được xây từ nhiều thế kỷ trước. Tháp xây bằng gạch nung, nằm trong rừng, gần bên sông, là ngọn tháp duy nhất còn sót lại ở vùng này. Ngôi chùa nằm gần tháp cũng đã bị hư hỏng và mất dấu vết từ hàng chục năm trước. Trải qua nhiều biến động và do kẻ gian nhiều lần đục tháp để lấy trộm tượng phật khiến tháp bị xuống cấp.
Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, cho biết trước đây bên trong tháp cổ này có nhiều tượng phật bằng đồng màu đen. Hơn 20 năm trước, khi tin đồn đồng đen có giá cao, kẻ gian đã đến đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng phật bên trong. Sau một thời gian ngắn, tháp bị đục thủng rất nhiều chỗ do những kẻ trộm tượng.
Ông Bảy cũng cho biết điều bất ngờ là sau đó không lâu, có 7 bức tượng bị trộm được kẻ gian âm thầm trả lại, đặt bên trong những lỗ thủng của tháp. “Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, kẻ gian lấy trộm tượng phật hầu hết là người ở địa phương khác, sau khi lấy trộm tượng, gia đình gặp chuyện không may nên lo sợ mang đến trả, có người bán tượng rồi cũng tìm cách chuộc lại để trả”, ông Bảy kể.
Hiện nay, tháp cổ này đã xuống cấp, các vị trí đặt tượng ở tháp không còn và do không có người bảo vệ nên 7 bức tượng phật đang được UBND xã Mỹ Lý và người dân ở bản Yên Hòa bảo vệ, cất giữ. Ông Bảy cũng cho biết sau khi tháp cổ được trùng tu, tôn tạo, các bức tượng sẽ được trả về lại cho tháp. Bên cạnh những câu chuyện tâm linh kỳ bí, những bức tượng ở đây là giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà người dân muốn gìn giữ, duy trì./.
Theo Thanh Niên