Tiếng Việt | English

28/04/2021 - 09:57

Kỷ vật thêu tay của nữ tù chính trị Côn Đảo

Trong số những kỷ vật thời chiến tranh được trưng bày, lưu giữ tại Phòng truyền thống Huyện đội Bến Lức, tỉnh Long An có chiếc áo gối và chiếc màn cửa được bà Nguyễn Thị Ngọc Khọn thêu bằng tay trao tặng. Hình ảnh, nét chữ được tạo nên từ đường kim, mũi chỉ và bàn tay khéo léo của bà trong điều kiện bị giam cầm, giám sát, tra tấn dã man đã toát lên phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.

Trong năm 2020, Phòng truyền thống Huyện đội Bến Lức đã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan

Trong năm 2020, Phòng truyền thống Huyện đội Bến Lức đã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan

Ý chí kiên cường của một nữ tù nhân

Được sự giúp đỡ của Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chúng tôi tìm gặp được chủ nhân của những kỷ vật thêu tay vô giá ấy, nữ cựu tù chính trị - bà Nguyễn Thị Ngọc Khọn, ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức.

Dù ở tuổi 77 nhưng ký ức về những năm tháng ở "địa ngục trần gian", bà vẫn còn nhớ. Năm xưa, bà làm công tác binh vận, ngày 21/4/1969, bà bị bắt và giam tại nhiều nhà tù khác nhau. Năm 1974, bà bị đày, biệt giam ở nhà tù Côn Đảo. Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ ấy, lòng bà lại trào dâng bao kỷ niệm xúc động về những người bạn tù thân thiết và những câu chuyện không thể nào quên.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khọn kể về ký ức lúc bị giam cầm với Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khọn kể về ký ức lúc bị giam cầm với Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

“Vào tù, ai cũng bị đem ra tra tấn để chúng truy xét. Không khai, chúng dùng dùi cui đập 2 đầu gối, lấy giày táng vào mặt, vào đầu rồi đạp vào lưng, vào bụng,… Chị em chúng tôi đoàn kết, dứt khoát không đầu hàng, không khai báo, dù có hy sinh thì cũng hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, chúng tôi động viên nhau ráng sức chịu đựng… vì Đảng, vì nước, vì dân” - bà Khọn nhớ lại.

Chính những nỗi đau đó khiến bà càng nung nấu ý chí, niềm tin sắt son vào một tương lai độc lập, tự do của đất nước. 2 chữ “Tương lai” được bà thêu trên chiếc áo gối đã thể hiện nỗi nhớ quê hương, khát vọng tự do và niềm tin tất thắng của cách mạng.

Chiếc áo gối và chiếc màn cửa do bà Khọn thêu trong tù được trưng bày tại Phòng truyền thống Huyện đội Bến Lức

Chiếc áo gối và chiếc màn cửa do bà Khọn thêu trong tù được trưng bày tại Phòng truyền thống Huyện đội Bến Lức

Từng đường kim, mũi chỉ trong tù

Bà Khọn kể, ngày đó, chi bộ Đảng trong tù và các đảng viên, những cán bộ kiên trung đã làm nòng cốt đấu tranh đòi những quyền lợi thiết yếu cho tù nhân nữ, như đòi được cho thăm nuôi, được tiếp tế đồ dùng vệ sinh phụ nữ,... Nhờ đó, những chiếc khăn tay, vỏ gối, kim, chỉ,... được giấu trong đồ tiếp tế từ bên ngoài đưa vào tù. Chị em tự hướng dẫn nhau làm nên những bức tranh thêu.

Chiếc áo gối được bà thêu xuyên suốt trong 6 tháng với những đường kim, mũi chỉ hết sức tỉ mỉ, khéo léo và chính xác. Những họa tiết như đóa hoa mai, chùm nho, chiếc lá và đặc biệt dòng chữ “Tương lai” được kết hợp hài hòa tạo nên một kỷ vật thiêng liêng vô giá, chan chứa tấm lòng của tù nhân Côn Đảo ngày đêm luôn hướng về tương lai đất nước với niềm tin mãnh liệt, son sắt một ngày nào đó cách mạng sẽ giành thắng lợi.

Ngoài chiếc áo gối, còn có những tác phẩm khác như chiếc màn cửa với dòng chữ “Kỷ niệm năm 1969”. Đây là năm bà bị bắt vào tù, xung quanh là những họa tiết đôi gà, cành hoa thể hiện một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Đây là minh chứng sinh động của lòng yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng cao cả, ý chí chiến đấu kiên cường và khát vọng hòa bình của các nữ chiến sĩ cách mạng.

Chính nét đẹp từ trong cốt cách, tinh thần của các nữ chiến sĩ cộng sản đã giúp họ có được sức mạnh phi thường chiến thắng đòn roi, gông cùm và sự bạo tàn đến man rợ của kẻ thù, góp phần to lớn vào chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Đó cũng là minh chứng cho sự anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Sau hơn 47 năm gìn giữ, bà quyết định trao tặng lại cho Huyện đội Bến Lức lưu giữ và giáo dục thế hệ trẻ sau này. Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ, khi nhận được hiện vật, anh vô cùng khâm phục và trân trọng. Tác phẩm thêu ra đời trong tù, đường kim, mũi chỉ và đề tài thêu phần nào thể hiện thái độ và tâm tư, tình cảm của người nữ chiến sĩ đang đối diện với thực tế khắc nghiệt. Anh mong, thế hệ trẻ hiểu được những khó khăn, gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh mà sống có ích và trách nhiệm hơn với cộng đồng, xây dựng đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh./.

Hiện nay, Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự Bến Lức lưu giữ và trưng bày hơn 60 kỷ vật trong 2 cuộc chiến tranh. Đây là kho tàng lịch sử quý báu nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, lực lượng vũ trang, cán bộ, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân Bến Lức hiểu hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của đất nước, của dân tộc; đồng thời, tôn vinh, trân trọng những cống hiến của thế hệ cha anh cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Trà Long

Chia sẻ bài viết