* Trung úy Đàm Văn Phương: Đội trưởng Đội Vận động quần chúng tiêu biểu
Nếu ai từng gặp Trung úy Đàm Văn Phương - Đội trưởng Đội VĐQC, Đồn Biên phòng (ĐBP) Mỹ Thạnh Tây (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An), lần đầu tiên sẽ ấn tượng bởi vẻ ngoài hiền, có phần nhút nhát. Nhưng trong công việc, anh lại xông xáo, không ngừng nỗ lực học tập để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trung úy Đàm Văn Phương sinh ra trong gia đình thuần nông tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình khó khăn khi cha mất sớm, một mình mẹ tảo tần nuôi 2 anh em trưởng thành. Cũng vì vậy, ngay từ những ngày còn trên ghế học đường, anh quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành người chiến sĩ BP vừa để bớt gánh nặng học hành, vừa giúp đỡ gia đình sau này.
Tháng 9/2020, sau khi tốt nghiệp, anh được phân công về ĐBP Mỹ Thạnh Tây. “Xa gia đình, quê hương đến một vùng đất mới, có lúc cũng buồn, nhớ nhà nhưng đó cũng chỉ là suy nghĩ thoáng qua, bởi tôi xác định khi khoác lên mình màu áo xanh của người lính BP là sẽ cống hiến trọn đời cho biên cương Tổ quốc” - Trung úy Đàm Văn Phương chia sẻ.
Theo Trung úy Đàm Văn Phương, những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, trên cương vị Đội trưởng Đội VĐQC, anh cũng gặp không ít khó khăn. “Tôi nhớ những ngày đầu xuống địa bàn, tiếp xúc với người dân, giọng miền Trung của tôi khiến những cuộc trò chuyện chỉ toàn tiếng cười, bởi nhiều người không hiểu tôi nói gì. Chưa kể đến phong tục, tập quán của địa phương cũng khác khiến tôi gặp nhiều khó khăn.
Tôi xác định, để làm tốt công tác VĐQC, trước hết phải thay đổi, hòa mình vào cuộc sống của người dân. Vì vậy, tôi cố gắng nói chậm lại, rõ hơn, những lúc rảnh rỗi thường tìm hiểu phong tục, tập quán của địa phương, cùng với đó là những tình cảm của người dân giúp tôi hòa nhập với môi trường mới” - Trung úy Đàm Văn Phương nhớ lại.
Hơn 3 năm nhận nhiệm vụ, từ chỗ xa lạ, đến nay, Trung úy Đàm Văn Phương có thể nhớ gần như toàn bộ các hộ dân trên địa bàn đơn vị phụ trách. “3 năm qua, đặc biệt là trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, gắn bó với Nhân dân, tôi cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp từ chính sự chân thành, mộc mạc của mỗi người dân biên giới. Điều đó giúp tôi có thêm động lực, cố gắng, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng tình đoàn kết quân - dân nơi biên giới” - Trung úy Đàm Văn Phương khẳng định.
* Thượng úy Hoàng Đình Ngọc: Học từ Nhân dân để hoàn thiện bản thân
Thượng úy Hoàng Đình Ngọc quê tỉnh Hà Tĩnh, vào biên giới Long An nhận nhiệm vụ. Ban đầu, anh được phân công về Đội Vũ trang, ĐBP Bến Phố. Với năng khiếu sáng tác, sau lần tham gia trại sáng tác, anh được hướng chuyển sang làm công tác VĐQC. Tháng 9-2019, anh chính thức được biên chế về ĐBP Bình Thạnh với vai trò Đội trưởng Đội VĐQC.
Nhiệm vụ mới, dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng Thượng úy Hoàng Đình Ngọc luôn tâm niệm: "Phải hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt, học hỏi từ chính Nhân dân để hoàn thiện bản thân”.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương phân giới, cắm mốc, đoạn biên giới qua địa bàn ĐBP Bình Thạnh quản lý có nhiều trường hợp người dân phải bàn giao đất sản xuất cho Campuchia. Thượng úy Hoàng Đình Ngọc cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đi từng nhà vận động.
Tuy nhiên, sau 2 năm dừng sản xuất, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ người dân chưa được thực hiện khiến nhiều hộ dân bức xúc. Để tạo đồng thuận trong Nhân dân, anh cùng đơn vị tranh thủ gặp gỡ từng người, nắm nguyện vọng để tuyên truyền. Đến nay, người dân có đất sản xuất phải bàn giao cho phía Campuchia đều đồng tình thực hiện.
Thượng úy Hoàng Đình Ngọc chia sẻ: “Với những người làm công tác VĐQC, điều quan trọng nhất là phải gần dân, sát dân. Mỗi người dân đều có những hoàn cảnh khác nhau nên khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi phải lựa chọn hình thức phù hợp. Đặc biệt, khi tuyên truyền, chúng tôi phải nắm được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm để dễ nhận được sự đồng thuận của nhân dân”.
4 năm gắn bó với công tác VĐQC, gắn bó với người dân đã cho Thượng úy Hoàng Đình Ngọc những trải nghiệm đáng quý. Cũng từ đây, anh có thêm tình yêu với mảnh đất biên cương này.
“Từ khi làm công tác VĐQC, tôi luôn xác định, trong bất cứ nhiệm vụ nào đều phải xem người dân như người thân ruột thịt trong gia đình, gần gũi, hòa mình vào cuộc sống Nhân dân. Khi ấy, chúng tôi sẽ nhận được sự tin yêu, tín nhiệm từ Nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Thượng úy Hoàng Đình Ngọc khẳng định.
* Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chính: Trọn một đời cống hiến cho biên cương Tổ quốc
Tháng 9 này, Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chính - Đội phó Đội VĐQC, ĐBP Bến Phố, sẽ nhận quyết định nghỉ chờ hưu, hưởng chế độ sau 34 năm khoác lên mình màu áo xanh BP. 34 năm công tác, Trung tá Nguyễn Văn Chính có đến 31 năm gắn bó tại ĐBP Bến Phố. Mảnh đất biên cương này đã níu chân người con quê hương Tiền Giang đến lập nghiệp, xây dựng hạnh phúc gia đình.
31 năm gắn bó với ĐBP Bến Phố trong công tác VĐQC, trên địa bàn xã Khánh Hưng và Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, hầu như không có nơi nào chưa có dấu chân Trung tá Nguyễn Văn Chính. “Ngày trước, tuyến biên giới còn nhiều khó khăn, đường vào đơn vị cũng khó, việc tuần tra, kiểm soát cũng như công tác tuyên truyền trong Nhân dân lại càng khó hơn.
Mỗi chuyến công tác, có khi phải tá túc tại nhà dân. Chính những tình cảm, sự đùm bọc của Nhân dân đã bồi đắp cho tôi lòng yêu nghề, quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” - Trung tá Nguyễn Văn Chính nhớ lại.
Cùng từ công tác VĐQC, mô hình Tiếng kẻng vùng biên được Trung tá Nguyễn Văn Chính cùng đội VĐQC xây dựng thành công và sau đó được nhân rộng, trở thành mô hình hiệu quả của các địa phương trong phòng, chống tội phạm, cứu nạn, cứu hộ trên toàn tuyến biên giới. "Năm 1997, trên địa bàn ấp Bàu Sen xảy ra vụ cướp tài sản có vũ trang do các đối tượng bên Campuchia thực hiện. Thời điểm đó, việc thông tin liên lạc còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tiễn công tác, chúng tôi nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả. Chỉ cần khi phát hiện vụ việc, theo quy tắc, người dân sẽ thông báo cho nhau qua tiếng kẻng. Mô hình Tiếng kẻng vùng biên ra đời từ đó. Từ hiệu quả tại ấp Bàu Sen, những năm sau, mô hình nhanh chóng được nhân rộng ra các ấp biên giới như ấp Tà Nu, Cả Trốt và được nhân rộng trên toàn tuyến biên giới" - Trung tá Nguyễn Văn Chính kể.
54 tuổi đời, 34 năm tuổi quân, Trung tá Nguyễn Văn Chính cống hiện trọn cuộc đời cho biên cương Tổ quốc. “Vài tháng nữa, tôi sẽ nhận quyết định nghỉ chờ hưu, về với gia đình. Vui vì tôi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao nhưng cũng có chút buồn khi phải xa đồng chí, đồng đội, xa công việc gắn bó trọn cuộc đời mình. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ các thế hệ bộ đội BP sau này với mong muốn xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị” - Trung tá Nguyễn Văn Chính chia sẻ ./.
Kiên Định