Tiếng Việt | English

28/04/2018 - 15:23

Những ký ức không quên

Tháng 4 về, ký ức một thời "hoa lửa" lại bùng lên. Những người từng đi qua cuộc chiến bồi hồi nhớ lại năm tháng chiến đấu kiên cường rồi ngậm ngùi khi nhớ đồng đội mình còn nằm lại đâu đó trên từng tấc đất quê hương. Tháng 4 về, lớp trẻ lại có dịp nghe các cựu tù kháng chiến (CTKC) kể về khoảng thời gian bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man nhưng họ vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng.

Mặc dù bị địch giam, tra tấn dã man nhưng ông Nguyễn Tấn Đức vẫn một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng

Mặc dù bị địch giam, tra tấn dã man nhưng ông Nguyễn Tấn Đức vẫn một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng

Năm tháng oai hùng

Theo sự giới thiệu của Trưởng ban Liên lạc CTKC tỉnh - Hồ Thành Phương, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng CTKC Nguyễn Tấn Đức (ngụ ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), được nghe ông kể về những lần bị địch bắt, tra tấn dã man rồi bị đày ra nhà tù Phú Quốc, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” gần 4 năm. Ông Đức bồi hồi: “Năm 1966, tôi tham gia du kích ở xã Long Ngãi Thuận (nay là xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa), năm 1967, được điều qua công tác tại Văn phòng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Thủ (huyện Bến Lức và Thủ Thừa ngày nay). Tôi mưu trí gài trái đánh địch, bảo vệ an toàn cơ quan và tiêu diệt được 20 tên lính ngụy, được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ Quyết thắng cấp ưu tú”. Năm 1969, trong một trận càn, tôi không may bị địch bắt. Chúng dùng cực hình tra khảo kết hợp dụ dỗ nhưng tôi vẫn một dạ kiên trung, nhất quyết không hàng địch”.

Chưa dừng lại ở đó, đỉnh điểm của sự tàn ác của địch là khi đưa ông Đức ra nhà tù Phú Quốc. Trước khi vào Phân khu 2 Trại giam nhà tù Phú Quốc - nơi mà tên Thượng sĩ Nhất Nhu (tên thật là Trần Văn Nhu) làm Trưởng giám thị, ông Đức bị đánh “phủ đầu” bằng nhiều hình thức: Đục mất 2 cái răng cửa, dùng búa cây đánh vào 2 đầu gối và mắt cá chân,... Sự tra tấn dã man của địch khiến ông Đức nhiều tháng liền không đi lại được, việc vệ sinh cá nhân đều nhờ các anh em tù binh giúp đỡ.

Không những giữ vững lập trường, ông Đức còn cùng các anh em khác can đảm đứng lên đòi 4 yêu sách cho tù binh: Không ăn xén bớt tiêu chuẩn chế độ tù binh; không được đánh đập vô cớ; để cho anh em tự do học tập, sinh hoạt bình thường và không được bắt buộc anh em rào kẽm gai, đào công sự, chiến hào để chống lại anh em. Hình thức đấu tranh trong nhà tù của những người chiến sĩ cộng sản là cử các trưởng phòng đại diện đòi yêu sách, còn các anh em tù binh thì biểu tình nhịn đói, đặc biệt, mỗi ngày 2 đồng chí đứng ra mổ bụng tự sát, móc ruột trước mặt bọn lính ngụy. Trước sự quyết tâm của các anh em tù binh, địch chấp nhận các yêu sách trên, góp phần vào sự thắng lợi của cách mạng.

Chia sẻ về những năm tháng bị tù đày, ông Đức tự hào: “Với người chiến sĩ cách mạng, sự đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng là động lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”.

Thà chết chứ không đầu hàng

Trong những ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm CTKC Nguyễn Vĩnh Mậu (ngụ phường 4, TP.Tân An). Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang được bao quanh bởi những cây xanh rợp bóng mát, giọng người lính già hào sảng khi nhắc về quãng đời binh nghiệp và những năm tháng bị địch bắt tù đày. Năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi đang sôi nổi, ông Nguyễn Vĩnh Mậu bắt đầu tham gia các phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông thoát ly gia đình vào Rừng Sác (huyện Cần Giờ) học lớp cứu thương. Cứ ngỡ tại đây ông sẽ không chịu nổi cảnh “rừng thiêng, nước độc” mà trở lại Sài Gòn nhưng với lòng căm thù giặc, ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt lớp học. Sau đó, ông được tổ chức phân công về làm Kinh tài ở huyện Cần Giuộc.

Năm 1965, ông Mậu bị địch bắt trong một trận càn. Ông mưu trí chỉ khai mình là thanh niên trốn quân dịch, nhưng địch không tin và dùng nhiều hình thức tra tấn khiến ông bị thủng màng nhĩ, gãy tay. Sau đó, không khai thác được gì, chúng đành phải thả ông ra. Ông tiếp tục thoát ly tham gia cách mạng. Năm 1968, trong lúc đi công tác, ông bị thương bởi bom phốt-pho và bị bắt. Ông lại tiếp tục mưu trí thay tên đổi họ để địch không khai thác được gì.

Tuổi cao, sức yếu nhưng ông Nguyễn Vĩnh Mậu vẫn toát lên khí phách của một người lính Cụ Hồ năm xưa

Tuổi cao, sức yếu nhưng ông Nguyễn Vĩnh Mậu vẫn toát lên khí phách của một người lính Cụ Hồ năm xưa

Năm 1972, địch đày ông ra nhà tù Phú Quốc. Thời gian này, ông và các đồng chí khác nhiều lần đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực đòi các yêu sách. Đến năm 1973, Đảng ủy Phân khu Trại giam tổ chức tết và cử ông chúc tết các anh em tù binh nhằm động viên đoàn kết, vững lòng tin vào Đảng và cách mạng.

Ông Mậu chia sẻ: “Đấu tranh với địch trong tù vô cùng gay go, phức tạp: Một bên được trang bị vũ khí, huấn luyện cách đàn áp tù binh một cách dã man; còn một bên thì tay không, chỉ có trái tim, khối óc, lòng quả cảm, sự mưu trí để thắng địch, buộc chúng phải chấp nhận các yêu sách chính đáng của anh em tù binh. Để làm được những điều đó, các anh em tù binh phải thật sự gan dạ, tin tưởng vào tổ chức, sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài ra, bản thân tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có cha và chị đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên luôn hứa với lòng, thà chết chứ không đầu hàng địch”.

Thấm thoát 43 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, các CTKC năm nào giờ tuổi cao, sức yếu, di chứng từ những trận đòn dã man của địch lại hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Thế nhưng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường của những chiến sĩ năm xưa luôn còn đó, góp phần truyền lửa cho các thế hệ hôm nay và mai sau viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết