Tiếng Việt | English

05/04/2021 - 16:07

Những thách thức gì đang chờ đón ASEAN trong năm 2021?

Mặc dù mỗi năm mới đều mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho ASEAN và các Quốc gia thành viên, nhưng năm 2021 sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với vị trí Chủ tịch của Brunei.


Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan gặp gỡ Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah hôm 22/3 (Nguồn: Bộ Ngoại giao Singapore)

Mặc dù mỗi năm mới đều mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho ASEAN và các quốc gia thành viên, nhưng năm 2021 sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với vị trí Chủ tịch của Brunei khi chọn chủ đề “Chúng tôi quan tâm, Chúng tôi chuẩn bị, Chúng tôi thịnh vượng” trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ đã đưa ra nhận định về những thách thức mà ASEAN phải đối mặt trong năm 2021.

Vị trí chủ tịch và cả hiệp hội sẽ đứng trước thử nghiệm phải cải thiện khả năng phục hồi cũng như phải đối mặt với những tình cảnh chưa từng có, những diễn biến trong hiệp hội cũng như bối cảnh bên ngoài. Những chuyển biến ấy đã xuất hiện trong suốt quá trình phát triển liên tục của kinh tế xã hội-kinh tế-chính trị-ngoại giao-chiến lược.

Đầu tiên là về đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan. Nhiều quốc gia ASEAN đang trải qua Làn sóng thứ ba của dịch bệnh và đang chuẩn bị cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, đang đặt ra những thách thức chưa từng có.

Nhìn sơ qua về Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) và kế hoạch triển khai khuôn khổ, có thể thấy rằng có năm chiến lược rộng lớn mà ASEAN dự kiến sẽ tập trung vào đó là (a) Nâng cấp hệ thống y tế; (b) Tăng cường an toàn cho người dân; (c) Tối đa hóa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế rộng hơn; (d) Đẩy mạnh Chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện; và (e) Tiến tới một tương lai bền vững và dễ phục hồi hơn.

Các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách ASEAN cũng cần nghĩ đến vấn đề “số hóa, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển kỹ năng” như một phần của quá trình phục hồi tổng thể và chiến lược tăng trưởng. Hơn nữa, các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động trong quá khứ sẽ cần phải thay đổi và phát triển kỹ năng sẽ là chìa khóa để duy trì tính cạnh tranh mà theo đó người lao động ASEAN sẽ phải trau dồi các loại kỹ năng phù hợp.

Thứ hai, các cuộc khủng hoảng chính trị trong nước đang diễn ra ở Myanmar là một khoảng thời gian thử thách đối với đường lối ngoại giao nội khối ASEAN.

Các quốc gia thành viên ASEAN dường như bị chia rẽ về những diễn biến liên quan đến việc quân đội nắm quyền lãnh đạo chính trị ở Myanmar; Indonesia, Singapore và Philippines đã thẳng thắn tuyên bố rằng “Indonesia kêu gọi tất các bên ở Myanmar tự kiềm chế và đối thoại để tìm ra giải pháp cho các thách thức và để không làm trầm trọng thêm tình hình;” một tuyên bố của Singapore bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với sự diễn biến tình hình; và quan điểm của Philippines là chính sách không can thiệp trong công việc nội bộ của một nước thành viên “không phải là sự chấp thuận chung hay sự đồng ý ngầm về những hành động sai trái diễn ra ở đó.”

Trong khi đó, Campuchia tuyên bố rằng họ không “bình luận” do họ kiên quyết tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên. Điều tốt nhất mà Brunei với tư cách là Chủ tịch luân phiên của AESAN có thể làm là nhắc lại các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN về vấn đề dân chủ và ban hành một tuyên bố nhấn mạnh về "đối thoại, hòa giải và trở lại trạng thái bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar."

Mặc dù trong quá khứ đã có ít nhất hai sai lệch so với nguyên tắc trên và những điều này khiến Myanmar lo ngại. Năm 2007, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chọn nhượng bộ cho Myanmar đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN trước lo ngại về chính phủ độc tài của nước này vào năm tới.

Vào năm 2008, sau khi Myanmar bị ảnh hưởng bởi cơn bão Nargis và cách xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng của nước này, ASEAN đã “trực tiếp tham gia với chính phủ và đóng vai trò như một kênh hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.”

ASEAN cũng đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách hành động liên quan đến việc xét xử người Hồi giáo Rohingya của Myanmar. Không có gì ngạc nhiên khi các Nghị sỹ ASEAN về Nhân quyền không chỉ bày tỏ sự thương xót trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar mà còn cáo buộc Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên “bị mắc kẹt giữa việc tôn trọng các nguyên tắc quan trọng về đồng thuận và không can thiệp.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 25/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ ba là về những thay đổi địa-chính trị ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden mà giống như cách người tiền nhiệm của ông đã chọn để tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc về một số vấn đề chính trị, kinh tế và chiến lược.

Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời được ký gần đây đã nhắm mục tiêu vào Trung Quốc và dán nhãn nước này là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.”

Mỹ có những kỳ vọng lớn đối với ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc và quan tâm hỗ trợ các Quốc gia thành viên của ASEAN thông qua việc phát triển năng lực quân sự để chống chọi với áp lực từ một Trung Quốc rất hung hăng, đặc biệt là ở Biển Đông cũng như để phản ứng với Luật Hải cảnh Trung Quốc mới được ban hành.

Đây là những thách thức phức tạp và một tình thế tiến thoái lưỡng nan kéo dài đang đặt ra trước mắt ASEAN. Ngoài ra, Chủ tịch ASEAN không thể tự mình gánh vác trách nhiệm trong khủng hoảng. Đây là thời điểm cơ hội để Việt Nam phát huy sự nhạy bén trong ngoại giao vốn được thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ trong vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

Việt Nam chịu được áp lực từ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; ngăn chặn thành công mọi hành động tấn công của Mỹ chống lại Trung Quốc; và điều hành các hoạt động của ASEAN một cách thông minh bất chấp đại dịch COVID-19.

Về bản chất, đường lối ngoại giao khéo léo của Việt Nam đại diện cho cả ASEAN đã nhận được sự tôn trọng từ các nước thành viên. Ngày nay, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ vai trò Chủ tịch của Brunei thông qua chính sách ngoại giao chủ động trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch giữa các nước thành viên ASEAN, đóng vai trò chủ động trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar, và giải quyết căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ./.

Tiến sỹ Vịay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết