Tiếng Việt | English

06/06/2017 - 19:54

Những vần thơ không tuổi

Dù không phải là nhà thơ nhưng những bậc “lão niên” thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thơ Long An hơn 20 năm qua vẫn miệt mài cho ra đời những “đứa con tinh thần”.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941 - 06/6/2017), chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm của những hội viên CLB Thơ Long An thuộc lớp người “xưa nay hiếm”.

Cụ Lê Thanh Châu (bút danh Thanh Châu) sinh năm 1923, là cán bộ cách mạng lão thành, dù nay tuổi cao, sức yếu nhưng cụ vẫn giữ được đời sống tinh thần thật phong phú. Hàng ngày, cụ vẫn đọc báo, nghe đài, xem tivi và đặc biệt thích sáng tác thơ. Hãy nghe cụ cảm tác về hoa sen Tháp Mười: “Trưa Tháp Mười lạc giữa đầm sen/ Ngỡ như lạc vào cảnh thần tiên/ Xắn tay hái một chùm hoa nở/ Sen bên ảnh Bác Hồ ngào ngạt tỏa hương...” hoặc: “Em vác cành mai ra chợ xuân/ Cây kiểng quê hương, công mẹ vun trồng/ Mai vàng trong em, mai vàng khát vọng/ Trước thềm năm mới Tổ quốc vào xuân...” (Khát vọng).

Thi hữu Trần Hữu Lý (Hậu Thạnh) ngoài 90 tuổi, nhưng đọc thơ cụ, chúng ta không khó nhận ra những cảm xúc thật trẻ trung qua những vần lục bát mượt mà: “Vàm Cỏ ơi! bạn tương tri/ Tình ca mấy khúc, gặp thầm thì yêu/ Sông mang vị ngọt sớm chiều/ Xuôi về miền hạ thật nhiều nhớ thương...” (Vàm Cỏ).

Người cán bộ ngành giao thông Chu Văn Trang ngỡ rằng nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến thơ phú nhưng ông ấp ủ: “Nghỉ hưu vui với bạn làm thơ/ Rung cảm tâm hồn tựa trong mơ/ Niêm, luật, trắc, bằng, câu... đối chuẩn/ Mở, thừa, thực, luận... kết bài thơ/ Ngợi ca cuộc sống giàu hình ảnh/ Miêu tả tình đời đẹp ý thơ/ Cảm xúc, nội dung đầy thuyết phục/ Râm ran xao động mãi vườn thơ...” (Đến với Đường thi).

Nữ thi hữu Quỳnh An - nhà giáo về hưu nhưng vẫn còn nặng nghĩa với đời: “Thuở xưa mái tóc còn xanh/ Chăm lo sự nghiệp học hành đàn em/ Bây giờ mái tóc hoa râm/ Việc nhà gọn ghẽ sáng tâm với đời/ Dẫu còn gió dập, mưa rơi/ Nhớ câu Bác dạy, nhớ lời Người khuyên/ Bao giờ cạn nước sông Vàm/ Riêng tôi mới hết lo toan “đưa đò"... (Kỷ niệm một thời bụi phấn)”.

Nhà giáo Duy Hoàn (72 tuổi) thật có lý khi cảm nhận về cảnh xuân: “Ngoài vườn mận tím trổ hoa/ Bưởi, xoài vàng rộm đường ra, ngõ vào/ Bướm ong xòe cánh lượn chao/ Từng đôi dìu dập lao xao nắng hồng/ Đã qua mưa gió bão bùng/ Gọi ngày vui tới sánh cùng mùa xuân...” (Mùa xuân).

Thi hữu Hoàng Văn Hiển (bút danh Thanh Lâm) - nguyên là chiến sĩ Điện Biên, ngày chiến thắng trở về, ông vinh dự được chọn vào đội cảnh vệ bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chính những cảm xúc những năm tháng bên Bác, ông có những vần thơ thật xúc động: “Hồi tưởng lại những ngày bên Bác/ Lòng rộn ràng, hạnh phúc biết bao nhiêu/ Năm tháng qua đi đọng lại bao điều/ Rạo rực trong con niềm vui khó tả/ Giá ngày ấy biết vẽ tranh ký họa/ Ký thật nhanh năm tháng đẹp bên Người...” (Niềm vui bên Bác).

Cô gái miền Quan họ, Bắc Ninh về làm dâu Long An. Thơ Thanh Tâm mang tình cảm ấm nồng: “Quê anh có đôi dòng Vàm Cỏ/ Nước trong xanh chẳng đổi thay dòng/ Quê em có sông Cầu lơ thơ nước chảy/ Gọi xuân về cho quan họ giao duyên...” (Quê anh, quê em).

Dù 83 tuổi nhưng những vần thơ của tác giả Trúc Phương vẫn khỏe khoắn: “Bạn bè, thi hữu bốn phương/ Gặp nhau bởi những sáng trong điệu vần/ Hồn thơ lai láng hồn xuân/ Lòng trong, tâm sáng trăng ngân ngời ngời/ Dệt tình thi hữu muôn nơi/ Già thêm trẻ lại cuộc đời đơm hoa...” (Nàng thơ).

Còn rất nhiều, rất nhiều bài thơ, đoạn thơ hay của hội viên cao tuổi thuộc CLB Thơ Long An, chúng tôi xin mượn bài Tự bạch của nữ tác giả Thanh Xuân thay cho phần kết: “Một thời quân ngũ giữ quê hương/ Tháng năm gian khó dạ coi thường/ Nay vui tuổi già bên con cháu/ Vần thơ xanh mãi dệt yêu thương...”.

Ngọc Lộc

Chia sẻ bài viết