Phát huy sức mạnh bình đẳng giới
Thời gian qua, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng DS cũng như cuộc sống người dân. Nhiều hoạt động, mô hình, đề án được triển khai như mô hình Xã, phường, thị trấn đạt 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; Đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố; Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh;... Đặc biệt, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh luôn được chú trọng. Qua đó, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Đến cuối năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ở mức cân bằng tự nhiên: 103,94 bé trai/100 bé gái (chỉ tiêu dưới 107 bé trai/100 bé gái).
Tư vấn về các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình tại Trạm Y tế xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa
Trưởng trạm Y tế xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Lê Thị Linh cho biết: “Đội ngũ làm công tác DS trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ gia đình sinh con một bề là gái, về thực hiện nghiêm Pháp lệnh DS. Công tác tuyên truyền, giáo dục về BĐG được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống loa, đài và panô, áp phích, băng rôn; tuyên truyền trực tiếp lồng ghép trong các các buổi nói chuyện chuyên đề, họp nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ”.
Hoạt động giáo dục về kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện, chú trọng BĐG để trẻ em gái được an toàn, phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ được các địa phương quan tâm. Từ đó, nhận thức của người dân không ngừng được nâng cao, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và thúc đẩy phát triển
KT-XH địa phương.
Chị Nguyễn Thị Cẩm (ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Với tôi, con trai hay gái cũng là con. Xã hội ngày nay, nữ giới và nam giới đều có cơ hội như nhau để làm việc và phát triển. Vì vậy, tôi quyết định sinh đủ 2 con và dừng lại để nuôi dạy tốt”.
Ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình
Nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ (PN), Ngày DS Thế giới (11/7) năm nay được triển khai với chủ đề “Phát huy sức mạnh của BĐG: Nâng cao tiếng nói của PN và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”. Đây là chủ đề phản ánh vấn đề của cộng đồng toàn cầu và cũng là dịp để Quỹ DS Liên Hợp Quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những nỗ lực bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là PN và trẻ em gái.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà nhận định: “Để thúc đẩy BĐG thì việc lắng nghe tiếng nói của PN, trẻ em gái và những người yếu thế là việc làm cần thiết. Ngoài ra, cần xây dựng luật pháp, chính sách giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Nhằm thực hiện thành công công tác DS trong tình hình mới, nhất là hoạt động CSSKSS-KHHGĐ cho PN, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, sự tham gia mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội”.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Hưởng ứng chủ đề Ngày DS Thế giới năm 2023, các địa phương ngoài đẩy mạnh hoạt động truyền thông còn chú trọng cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho PN. Hoạt động này được thực hiện lồng ghép trong Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Tại các địa phương, công tác tuyên truyền trước, trong chiến dịch được chú trọng triển khai có chiều sâu. Trước khi diễn ra chiến dịch, lực lượng cộng tác viên DS - gia đình và trẻ em đến từng hộ gia đình phát thư mời, vận động PN đến điểm diễn ra chiến dịch để được khám và tư vấn sức khỏe.
Viên chức DS xã Bình Tâm, TP.Tân An - Trần Thị Kiều Phương cho biết: “Đối với những trường hợp PN còn e ngại, cộng tác viên tích cực tuyên truyền về lợi ích khi tham gia chiến dịch như được tiếp cận các dịch vụ khám phụ khoa, siêu âm, soi tươi, test VIA tầm soát ung thư cổ tử cung và phát thuốc miễn phí. Các hoạt động trong chiến dịch góp phần đưa các gói dịch vụ CSSKSS đến gần người dân và thực hiện hiệu quả mô hình Xã, phường, thị trấn đạt 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con và giảm sinh con thứ 3 trở lên”.
Tham gia chiến dịch, phụ nữ được tư vấn và phát thuốc điều trị bệnh miễn phí
Đi đôi việc cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ, nhân viên y tế tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Có mặt tại Trạm Y tế xã Bình Tâm, TP.Tân An vào ngày triển khai chiến dịch, chúng tôi thấy đông đảo PN trong độ tuổi sinh đẻ có mặt từ sáng sớm để được khám, tư vấn sức khỏe.
Chị Lê Thị Thu (ấp 3, xã Bình Tâm) bày tỏ: “Mặc dù bận công việc nhưng tôi cố gắng thu xếp đến đây kiểm tra sức khỏe. Tôi rất vui vì được nhân viên y tế đón tiếp niềm nở và tư vấn tận tình, chu đáo các biện pháp tránh thai hiện đại. Tôi thấy chiến dịch này rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi tiếp cận dịch vụ y tế tại địa phương mà không mất thời gian, chi phí”.
Cũng như các địa phương khác, huyện Đức Hòa chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các nội dung của chiến dịch; phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn và thành lập đội lưu động triển khai cung cấp dịch vụ CSSKSS- KHHGĐ tại các xã, thị trấn trong những ngày diễn ra chiến dịch. Trưởng phòng DS và Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa) - Lê Hoàng Tùng thông tin: “Phòng tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển huyện kiểm tra, giám sát việc triển khai chiến dịch và các hoạt động, mô hình, đề án. Là huyện công nghiệp nên các hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS cho công nhân khu, cụm công nghiệp luôn được chú trọng”.
Có thể khẳng định, tăng cường công tác BĐG và nâng cao vai trò, vị thế của PN và trẻ em gái là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng DS. Thực hiện BĐG trong gia đình là vợ, chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình như quyền quyết định khoảng cách sinh, KHHGĐ, chăm sóc, nuôi dạy con. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới trong công tác BĐG, chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện CSSKSS-KHHGĐ là việc làm cần thiết./.
Hưởng ứng Ngày DS Thế giới 11/7, Trung tâm Y tế cấp huyện phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế của PN, trẻ em gái; bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho PN, trẻ em gái; không lựa chọn giới tính thai nhi; tác hại của việc phá thai nhằm giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Hình thức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với các nội dung về DS và phát triển. Hoạt động tuyên truyền còn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các loại hình truyền thông kỹ thuật số trên Internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube đã được Tổng cục DS-KHHGĐ gửi đến các địa phương. |
Ngọc Mận