Tiếng Việt | English

07/01/2025 - 18:10

Nông dân đưa chuối Việt xuất ngoại

Trang trại chuối của ông Võ Quan Huy (thường gọi là Út Huy) (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chuối, nhất là khâu thu hoạch. Hiện trang trại chuối với diện tích 200ha của ông tại xã biên giới này được đầu tư hệ thống cáp treo hơn 30km, kinh phí 6 tỉ đồng.

Công ty TNHH Huy Long An của ông Út Huy vốn không còn xa lạ với nhiều người bởi hành trình khởi nghiệp của ông cũng như cách nay khoảng 4 năm khi mà chuối sạch “made in Vietnam” lần đầu tiên được bày bán trên kệ của hệ thống siêu thị nổi tiếng Nhật Bản.

Trang trại chuối của ông Võ Quan Huy (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) là một trong những doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chuối

Ông Út Huy chia sẻ, trang trại chuối được ông đầu tư từ 9 năm trước với diện tích 120ha. Đây là giống chuối già có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau 5 tháng bắt đầu trổ bông, thêm 3 tháng nữa có thể thu hoạch. Hiện nay, với hơn 700ha chuối nằm ở nhiều tỉnh, mỗi ngày, ông Út Huy phải di chuyển giữa các trang trại để xử lý công việc ở xưởng. Mỗi năm, 5 trang trại chuối ước đạt sản lượng hơn 35.000 tấn, chủ yếu xuất đi Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đến nay, toàn bộ quy trình sản xuất chuối sạch của ông Út Huy đều gói gọn trong hệ thống cáp treo thu hoạch chuối bằng ròng rọc dẫn thẳng đến khâu chế biến, đóng gói. Đây là một trong những hệ thống canh tác nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.

Trước đây, việc thu hoạch chuối do công nhân (CN) vác bộ đến xe công nông vận chuyển về xưởng sơ chế mất nhiều công sức lẫn thời gian, chuối bị giập nhiều nhất vào mùa mưa, đường sá sình lầy. Sau đó, ông Út Huy tham quan vườn chuối tại Philippines, thấy họ dùng hệ thống ròng rọc thu hoạch nên học hỏi đầu tư mô hình vào trang trại.

Từ khi có hệ thống cáp treo, chuối sau khi chặt được CN vác đi từ 30-50m rồi móc vào hệ thống, tiết kiệm được khá nhiều sức lao động. Để chuối không bị giập, CN thu hoạch sẽ dùng tấm mút xốp kê dưới vai khi vận chuyển. Mỗi ngày, một CN thu nhập hơn 300.000 đồng từ việc vác chuối.

Trang trại chuối tại xã Mỹ Bình có hơn 200 CN. Các CN được đầu tư 70 phòng trọ miễn phí. Năm nay, dự kiến từ 15-20% CN ở lại lao động xuyên tết. Chị Nguyễn Thị Hoàng, làm việc tại trang trại chuối, cho hay: Chị vốn là Việt kiều biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, mưu sinh bằng nghề đánh cá. Sau đó, chị về tỉnh Tây Ninh sinh sống nhưng không có việc làm. Năm 2016, vợ chồng chị đến làm việc tại trang trại chuối cho đến nay.

“Hàng ngày, tôi làm công việc xoa nụ chuối. Vợ chồng tôi biết ơn chú Út Huy nhiều lắm! Nhờ có công việc ổn định mà mấy năm qua, từ lương của vợ chồng tôi đủ chi phí để nuôi sống gia đình và lo cho 2 đứa con ăn học” - chị Nguyễn Thị Hoàng nói.

Vừa là nông dân, vừa là doanh nghiệp sản xuất, ông Út Huy mong Nhà nước cần có chính sách, giải pháp thích hợp, nhất là liên quan đến khoa học - công nghệ. Bởi ông cho rằng, đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân tiến vào kỷ nguyên vươn mình nhưng làm sao có thể số hóa nhà nông? Đây là điều mà ông trăn trở./.

Chuối Việt Nam xuất khẩu: Tại sao nơi tắc, nơi thông?

Chuối Việt Nam xuất khẩu: Tại sao nơi tắc, nơi thông? 

Trong khi nhiều vườn chuối tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm giá và ế ẩm thì chuối tại trang trại ở Long An, Tây Ninh vẫn xuất khẩu đều đặn, giữ giá.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết